15 tỷ tin nhắn tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19

Minh Đăng| 08/05/2020 22:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Đây là con số đáng ghi nhận, thể hiện kết quả tích cực của các nhà mạng trong công tác nhắn tin tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 vừa được báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước ngành TT&TT 4 tháng đầu năm 2020.

15 tỷ tin nhắn tuyên truyền biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị

Hiệu quả tuyên truyền của tin nhắn chỉ sau truyền hình

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến Quản lý nhà nước ngành TT&TT 4 tháng đầu năm 2020 diễn ra ngày 8/5, báo cáo về hiệu quả của tin nhắn SMS đóng góp cho phòng chống dịch Covid-19, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Hoàng Minh Cường cho biết: Trong 11 đợt thực hiện với 20 nội dung tin nhắn được gửi, các nhà mạng đã thực hiện 15 tỷ tin nhắn tới các thuê bao di động. Tỷ lệ tiếp cận tin nhắn đạt 78% (chỉ xếp sau truyền hình).

Việc sử dụng tin nhắn đã trở thành công cụ hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, coi đây như một kênh thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, nhận thức đúng, có trách nhiệm hơn với bản thân, cộng đồng trong phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh.

"Việc vận động, ủng hộ thông qua Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia (Cổng 1400) thực sự có hiệu quả. Trong vòng chưa đầy 2 tháng đã có 2,5 triệu tin nhắn ủng hộ trên 131 tỷ đồng. Đây là con số kỷ lục có ý nghĩa lớn trong việc chung tay phòng chống dịch bệnh". Ông Hoàng Mình Cường cho biết.

Cùng với đó, các doanh nghiệp (DN) viễn thông luôn tích cực, chủ động tham gia thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ TT&TT, các DN viễn thông đã tập trung nguồn lực, triển khai thiết lập hệ thống giao ban trực tuyến giữa Bộ Y tế và các bệnh viện có liên quan, miễn cước cuộc gọi đến đường dây nóng (hotline), miễn cước truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế,... góp phần tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao các nhà mạng trong việc chung tay, góp sức vào phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Việccác nhà mạng đồng loạt thay biểu tượng của mình trên thiết bị di động của các thuê bao bằng dòng chữ "Hay o nha" là một việc làm rất sáng tạo, rất hiệu quả. Đây là sáng tạo của các nhà mạng Việt Nam mà VNPT tiên phong.

15 tỷ tin nhắn tuyên truyền biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Phiên họp được diễn ra tại các điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc

Kết quả kinh doanh không thuận lợi

Theo báo cáo của các DN viễn thông, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các DN có kết quả kinh doanh không thuận lợi, các chỉ số tăng trưởng doanh thu, nộp ngân sách tăng trưởng thấp thậm chí không tăng.

Những tác động của dịch Covid-19 đến nay chưa thể đánh giá hết nhưng trước mắt có thể thấy các DN viễn thông sẽ bị ảnh hưởng do nhu cầu tiêu dùng giảm, nhiều văn phòng, chi nhánh của các DN trong các lĩnh vực giao thông, du lịch, nghỉ dưỡng,… trong và ngoài nước đóng cửa sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến tổng cầu dịch vụ viễn thông.

Tuy nhiên, qua báo cáo của Tổng cục Thống kê thì trong Quý I/2020, Ngành TT&TT được đánh giá khá khả quan so với nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế khác khi doanh thu viễn thông 3 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 98,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối tháng 3/2020, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 129,2 triệu thuê bao, giảm 6% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó số thuê bao di động là 125,5 triệu thuê bao, giảm 5,9%; thuê bao truy nhập Internet băng thông rộng cố định ước tính đạt 15,2 triệu thuê bao, tăng 13%.

Trước nhu cầu gia tăng của việc sử dụng dịch vụ, hạ tầng viễn thông, Internet phục vụ công tác học tập, làm việc từ xa của người dân, các DN viễn thông đã triển khai việc tăng 50% dung lượng data tất cả các gói cước khách hàng đang sử dụng và đăng ký mới với mức cước không đổi.

Các DN cũng tăng gấp đôi băng thông tất cả các gói cước FTTH với mức giá giữ nguyên trên toàn quốc qua đó vẫn đảm bảo tốt chất lượng dịch vụ cung cấp đến người dùng.

Điều này cũng được khẳng định qua số liệu đo kiểm của Speedtest (Tốc độ tải xuống (download) băng rộng di động tháng 3/2020 của Việt Nam hiện đạt 33,97 Mbit/s (hạng 48, tăng 8 bậc so với tháng 2), tốc độ tải xuống băng rộng cố định là 43,28 Mbit/s (hạng 64, tăng 1 bậc so với tháng 2), cũng như của hệ thống VNNIC Speedtest (tốc độ Dowdnload trung bình cố định băng rộng đạt 61,69 Mbps, cao hơn 45% so với kết quả đo do hệ thống nước ngoài đã công bố.

Đối với mạng di động, tốc độ tải xuống (download) trung bình đạt 39,44 MBps cũng cao hơn 18,7%). Cùng với sự cải thiện về chất lượng, lưu lượng dữ liệu người dùng trong Quý I cũng tăng ở mức cao chưa từng có: lưu lượng dữ liệu băng rộng di động ở mức 6Gb/thuê bao/tháng (tăng 30% so với cùng kỳ 2019), đối với băng rộng cố định là 342Gb/thuê bao/tháng (tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2019).

Bài liên quan
  • Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng
    Cùng với sự phát triển của Internet, xu hướng hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin dẫn đến việc không còn phân biệt ranh giới giữa hạ tầng viễn thông và hạ tầng công nghệ thông tin, nhiều loại hình truyền thông mới trên Internet xuất hiện đang ngày càng có tác động mạnh mẽ lên đời sống của người dân và toàn xã hội, điều này mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
15 tỷ tin nhắn tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO