3 nhân tố định hình kỷ nguyên mới của máy tính
Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã càn quét khốc liệt trên phạm vi toàn thế giới, gây nhiều tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Đại dịch COVID-19 cũng đã làm thay đổi cuộc sống của con người theo cách không ai mong muốn, đặc biệt khi vai trò của máy tính đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Nền tảng kết hợp trực tuyến - trực tiếp xuất hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống: công việc, học tập và cuộc sống cá nhân, cho phép mọi người linh hoạt hơn về địa điểm cũng như cách thức sử dụng thời gian của mình. Và máy tính chính là trung tâm cho những hoạt động đó. Những thay đổi này đang mở ra một kỷ nguyên mới cho việc sử dụng máy tính, với sự gia tăng về thời gian sử dụng cũng như số lượng máy tính trong mỗi hộ gia đình.
Theo Microsoft, có 3 yếu tố đang thúc đẩy sự thay đổi trong nhu cầu và cách sử dụng máy tính: sự phổ biến của phương thức làm việc và học tập kết hợp, sự thay đổi trong thói quen giải trí và mô hình phân phối và sự thay đổi trong thói quen hàng ngày của người tiêu dùng.
Đầu tiên là sự phổ biến của phương thức làm việc và học tập kết hợp. Đại dịch đã thúc đẩy sự nâng cấp công nghệ và cơ sở hạ tầng của tổ chức để mọi người có thể làm việc và học tập từ xa. Trong tương lai, nhiều người vẫn muốn tiếp tục làm việc theo phương thức này và hầu hết các nhà giáo dục tin rằng học tập từ xa sẽ tiếp tục đóng một vai trò nào đó. Những xu hướng tương tự cũng có thể thấy trong cách mọi người sử dụng Windows. Trong hai năm qua, số người sử dụng các ứng dụng giao tiếp và cộng tác như Cisco WebEx, Slack, Microsoft Teams và Zoom trên Windows đã tăng lên 6 lần.
Thứ hai là sự thay đổi trong thói quen giải trí và mô hình phân phối. Cách thức sản xuất, phân phối và tiêu thụ nội dung đã thay đổi đáng kể, như việc nhiều bộ phim bom tấn được phát hành đồng thời tại rạp và trên nền tảng trực tuyến. Kể từ khi đại dịch nổ ra, số người xem nội dung trực tuyến trên Hulu, Netflix và YouTube trên Windows đã tăng 70% và số phút chơi game hàng tháng tăng tăng 35%. Giờ đây, số người chơi game cũng nhiều ngang số người xem tivi. Hơn bao giờ hết, mọi người muốn được chủ động quyết định việc xem gì, ở đâu và khi nào - và tất cả những điều trên đều diễn ra nhiều hơn trên máy tính.
Thứ ba là sự thay đổi trong thói quen hàng ngày của người tiêu dùng. Các hoạt động hàng ngày như mua sắm hàng hóa, đặt lịch hẹn với bác sĩ, tập thể dục và thậm chí đi ăn ngoài đã thay đổi cùng với sự gia tăng của các hình thức đặt hàng và giao hàng trực tuyến, đặt lịch hẹn và tập luyện trên nền tảng ảo. Nhu cầu khám chữa bệnh từ xa đã tăng gấp 3 lần, còn số người tìm cách mua hàng trực tuyến, nhận tại cửa hàng đã tăng hơn 500% so với hai năm trước. Số người sử dụng máy tính Windows để mua sắm đã tăng 2 lần, và thời gian dành cho việc mua sắm tăng 40%.
Ngay cả khi chúng ta có thể quay lại các cách thức truyền thống, thì mọi người vẫn không có dấu hiệu từ bỏ hoàn toàn sự tiện lợi của hình thức trực tuyến này.
Thị trường máy tính chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất trong một thập kỷ
Theo số liệu do hãng nghiên cứu thị trường Canalys công bố ngày 12/1/2022, quý cuối năm 2021 chứng kiến số lượng máy tính để bàn, máy tính xách tay và máy trạm (workstation) bán ra tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 92 triệu chiếc. Thị trường máy tính chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất trong một thập kỷ.
Tổng doanh số máy tính cá nhân được bán ra trên toàn cầu trong năm 2021 là 341 triệu chiếc, tăng 15% so với năm 2020 (tương ứng 297,6 triệu máy bán ra) và cao hơn 27% so với năm 2019.
Kết quả kinh doanh này càng nổi bật khi ngành công nghệ trong năm qua liên tục đối mặt khó khăn do thiếu hụt linh kiện bán dẫn. Giới chuyên môn nhận định, số máy tính bán ra tăng cao chưa từng thấy, vượt tới 27% so với thời điểm trước dịch là năm 2019, là minh chứng rõ nét cho tiến trình chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ do đại dịch COVID-19. Trong đó, một xu hướng đáng chú ý là tỷ lệ máy tính để bàn tăng mạnh 7% (đạt 66 triệu chiếc) cho thấy việc bị hạn chế đi lại khiến người dùng có xu hướng giảm sự quan tâm đối với kích thước thiết bị số của mình, thay vào đó ưu tiên hiệu năng và tính năng.
Số lượng bán ra tăng cao ngoài mọi kỳ vọng cũng cho thấy người dùng trên khắp thế giới tích cực mua bổ sung máy tính mới, thay vì chỉ nâng cấp hay thay thế các máy đang sử dụng. Trong đó, sinh viên thực hiện học tập từ xa và người cao tuổi mua máy tính lần đầu chiếm tỷ lệ đáng kể.
Windows hiện là hệ điều hành của hơn 1,4 tỷ thiết bị đang hoạt động mỗi tháng và tổng thời gian vận hành của Windows tăng 10% so với mức trước đại dịch. Màn ra mắt của Windows 11 đã giúp doanh số bán hàng laptop Windows tăng trưởng ở tất cả khu vực, đặc biệt khi các doanh nghiệp nâng cấp lên phiên bản mới. Windows 11 cũng là yếu tố thúc đẩy thời gian sử dụng máy tính, khi người dùng dành thời gian sử dụng máy tính Windows 11 nhiều hơn 40% so với Windows 10.
Theo CNBC, sự phục hồi của thị trường máy tính khá đặc biệt, bởi đây là lĩnh vực được các nhà đầu tư đánh giá là không còn hấp dẫn. Doanh số máy tính suy giảm liên tục 10 năm qua, trong bối cảnh điện thoại thông minh dần trở thành thiết bị điện tử quan trọng nhất với người dùng. Sự tăng trưởng của smartphone đã ăn vào thị phần của máy tính cá nhân.
Có thể nói, COVID-19 đã thúc đẩy lĩnh vực này tăng trưởng trở lại khi các gia đình phải mua thêm máy tính để con học từ xa, người làm việc tại nhà cũng cần trang bị thiết bị mới. Giới chuyên môn cho rằng, nếu như năm 2021 đã chứng kiến việc chuyển đổi số khởi động, năm nay sẽ là giai đoạn "tăng tốc số hóa", đồng nghĩa nhu cầu mua sắm sẽ tăng vọt.
Tuy nhiên, khác với các năm trước, người tiêu dùng sẽ tập trung đầu tư cho các loại máy tính cao cấp, song song nâng cấp phụ kiện và màn hình giúp làm việc tốt hơn, không ảnh hưởng tới hiệu quả./.