Diễn đàn

30 năm Cục Tần số VTĐ: khát khao tìm kiếm sự đổi mới vẫn cháy bỏng

Hoàng Linh 10/06/2023 15:42

Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) (ARMF) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã trải qua 30 năm hoạt động (8/6/1993 - 8/6/2023) với nhiều thành tích và dấu ấn.

Ngày 10/6/2023, Cục Tần số VTĐ đã long trọng kỷ niệm 30 năm thành lập. Đến dữ lễ kỷ niệm có Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Lãnh đạo Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ TT&TT, Tổng cục Bưu điện qua các thời kỳ; đại diện các Bộ, ban, ngành, đại biểu quốc tế và đông đảo các cán bộ của Cục Tần số VTĐ qua các thời kỳ.

toan-canh-le-ky-niem-30-nam-cuc-tsvtd.jpg
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm

Trân trọng những đóng góp cho ngành TT&TT

Tại Lễ kỷ niệm, Thay mặt Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng Cục Tần số VTĐ 30 năm và thân ái gửi đến các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Cục Tần số VTĐ những tình cảm thân thiết và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. “Trân trọng cảm ơn các đồng chí đã có nhiều đóng góp cho ngành TT&TT, góp phần hiện thực hoá khát vọng về một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng”.

bo-truong-nguyen-manh-hung-10062023.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: "Trân trọng cảm ơn các đồng chí đã có nhiều đóng góp cho ngành TT&TT, góp phần hiện thực hoá khát vọng về một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng"

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Cục Tần số VTĐ đã 30 năm. 10 năm đầu của Cục gắn với sự xuất hiện rất sớm của điện thoại di động tại Việt Nam. 10 năm tiếp theo gắn với phân bổ tần số để tạo ra cạnh tranh, phổ cập điện thoại cho toàn dân và 10 năm gần đây là gắn với băng rộng di động. Chiếc điện thoại di động thông minh đã trở thành công cụ vạn năng đối với mọi người dân.

30 năm đó cũng là những nỗ lực hoàn thiện thể chế, quản lý tần số VTĐ, là số hoá truyền hình, là giải phóng tần số cho phát triển di động, là đảm bảo tần số cho quốc phòng, an ninh, là đảm bảo tần số và quỹ đạo cho các vệ tinh Việt Nam, là xây dựng tổ chức, là hợp tác quốc tế, là nắm giữ các vị trí quan trọng trong các tổ chức quốc tế và khu vực”.

Một lĩnh vực đặc biệt và đang có những thay đổi quan trọng

Theo Bộ trưởng, lĩnh vực tần số VTĐ là một lĩnh vực đặc biệt và đang có những thay đổi quan trọng. Đa số các tài nguyên càng dùng, càng khai thác thì càng cạn kiệt. Tần số là tài nguyên càng dùng thì càng không cạn kiệt, còn sinh ra tiền, còn làm cho đất nước phát triển, mà còn càng dùng, càng khai thác thì càng to ra. Nếu công nghệ 2G thì 1 Hz sinh ra chưa được 1 bit/s, thì công nghệ 4G vẫn 1 Hz đó sinh ra hàng chục bit/s. Như vậy, hiệu quả tài nguyên tăng lên hàng chục lần.

Bộ trưởng cũng chia sẻ chúng ta đang chú ý nhiều đến tần số trên mặt đất nhưng tần số quỹ đạo vệ tinh, nhất là vệ tinh tầm thấp đang ngày càng quan trọng. Đối với quân sự là các vệ tinh viễn thám có độ phân giải cao. Đối với dân sinh là các hệ thống vệ tinh chùm với hàng ngàn, chục ngàn vệ tinh tầm thấp phủ cả thế giới, băng thông rộng có thể làm một cuộc đảo lộn trong ngành viễn thông.

Trước đây, chúng ta nghèo thì chọn thời điểm triển khai công nghệ là khi thế giới đã 20 - 25% người sử dụng để thiết bị rẻ xuống thì mới cho triển khai. Theo Bộ trưởng, giờ đây, “Việt Nam không phải lúc nào cũng là người đi sau, đi theo mà phải là người tham gia thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế”.

Cũng theo Bộ trưởng, trước đây chúng ta không đấu giá tần số, nay đấu giá tần số. Chúng ta coi trọng giá thu về một lần cho nhà nước nhưng chúng ta cũng cần đánh giá tổng thể giá trị khi nó mang lại. “Tần số bây giờ không phải vấn đề thuần tuý là kỹ thuật nữa mà vấn đề kinh tế kỹ thuật”.

Trước đây có nhiễu thì đi đo, doanh nghiệp báo thì đi đo. Nay phải giám sát được, phát hiện trước cả các DN và do vậy, cần nhiều trạm nhỏ để giám sát nhiễu, thậm chí sử dụng mỗi trạm BTS như một trạm đo nhiễu.

Trước đây, tần số là vấn đề kỹ thuật chuyên sâu của một số chuyên gia. Nay tần số động chạm đến mọi mặt của kinh tế - xã hội. “Phổ cập hoá kiến thức về tần số trở thành một nhiệm vụ mới của Cục Tần số VTĐ. Như vậy, là nhiều cách nhìn nhận phải thay đổi. Khi thay đổi cách nhìn sẽ tạo ra sự phát triển mới, sẽ thay đổi cách lâu nay chúng ta quản lý”.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng của Cục trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng, đổi mới viễn thông lần thứ 2 là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế số. Có thể coi đổi mới lần 2 này là sự chuyển dịch quy mô lớn nhất, thay đổi bản chất ngành viễn thông, mở ra không gian mới, vô cùng to lớn cho ngành viễn thông, lớn hơn rất nhiều lần không gian thông tin liên lạc.

Ý nghĩa của ngành viễn thông đối với kinh tế - xã hội của đất nước cũng vì thế mà lớn hơn rất nhiều, cơ hội cũng lớn hơn rất nhiều. Thị trường cũng lớn hơn rất nhiều. Và trách nhiệm cũng lớn hơn rất nhiều. Ngành viễn thông đảm nhận một sứ mệnh mới là xây dựng hạ tầng số, hiện đại, bao gồm hạ tầng viễn thông và hạ tầng dữ liệu, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, mở, thông minh và an toàn”.

Đảm bảo tần số cho di động, băng thông siêu rộng và phổ cập là một nhiệm vụ cấp bách của Cục Tần số VTĐ. Nó không chỉ có vậy. Theo đó,“Tần số còn phải giải quyết bài toán bền vững, xanh, mở, thông minh và an toàn. Tất cả những bài toán này đều là mới đối với Cục Tần số VTĐ”.

Bộ trưởng cũng yêu cầu CĐS Cục Tần số VTĐ là nhiệm vụ trọng tâm của Cục trong thời gian tới. CĐS trong nội bộ Cục, đưa mọi hoạt động của Cục lên môi trường số và sau đó là đổi mới các quy trình vận hành. Dùng công nghệ số để tạo ra các nền tảng và công cụ làm việc, trợ giúp cho nhân viên. Công cụ phải làm cho nhân viên đỡ vất vả, chứ không phải dừng lại.

CĐS trong việc quản lý các đối tượng quản lý đó là kết nối online tới các đối tượng quản lý, không cần báo cáo giấy từ các đối tượng này. CĐS trong việc giá trị hoá dữ liệu, đầu tiên là xây dựng CSDL về tần số, về chất lượng dịch vụ di động, về lưu lượng phát sinh… Sau đó là phân tích dữ liệu để tối ưu hoá cấp phát tần số.

Nhiệm vụ trọng tâm năm nay của Cục Tần số VTĐ là đấu giá tần số 4G, 5G. Theo Bộ trưởng: “việc đấu giá tần số 4G, 5G thành công trong năm nay đã trở thành một nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của Cục Tần số VTĐ”.

“Đảm bảo hài hoà giữa việc sử dụng tần số cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và đảm bảo quốc phòng, an ninh cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Cục. Phân chia thế nào để tối ưu hoá lợi ích cho quốc gia, đáp ứng tần số để phát triển KT-XH, lẫn quốc phòng, an ninh”, Bộ trưởng yêu cầu.

Viết tiếp một trang sử mới huy hoàng

Đối với người đứng đầu Cục Tần số VTĐ, Bộ trưởng đánh giá giá ông Lê Văn Tuấn là người có năng lực, được quy hoạch, có tín nhiệm. “Làm trưởng thì phải làm gương. Đó là văn hoá châu Á. Lãnh đạo thông qua làm gương; tin mình, tin anh em thì anh em sẽ làm hết mình”.

Cũng theo Bộ trưởng, làm tướng thì phải hy sinh trước. Việc khó nhận trước, khen thưởng nhận sau. Đặc biệt là làm tiếp những việc mà thế hệ trước đang làm chưa xong. Phát huy truyền thống, giữ gìn văn hoá, tinh thần của Cục Tần số VTĐ, kế thừa quá khứ, mở ra tương lai để Cục Tần số VTĐ là một dòng chảy liên tục từ người Cục trưởng đầu tiên là anh Lưu Văn Lượng, tới chị Vũ Thị Bích, tới anh Đoàn Quang Hoan, tới anh Nguyễn Đức Trung và bây giờ là anh Lê Văn Tuấn.

Bộ trưởng cũng căn dặn đoàn kết trong Đảng uỷ, trong Ban lãnh đạo Cục Tần số VTĐ luôn là yếu tố đầu tiên quyết định thành công. Hạt nhân lãnh đạo phải là hạt nhân đoàn kết. Để tạo ra đoàn kết thì có 2 việc: Thứ nhất là phải có việc khó, phải có thách thức mới đủ để đoàn kết mọi người; Thứ hai, bàn bạc tập thể, công khai minh bạch, tham vấn rộng rãi, cùng làm cùng hưởng, không hưởng một mình.

Với anh em trong Cục, Bộ trưởng đề nghị đoàn kết xung quanh Cục trưởng, coi Cục trưởng là hạt nhân của Cục. Một tổ chức phải có hạt nhân, có điểm tụ. Nếu không có hạt nhân thì các lực sẽ phân tán. Bảo vệ Cục trưởng là bảo vệ tổ chức của mình, thực hiện các quyết định của Cục trưởng là xây dựng tổ chức của mình. Thấu hiểu rằng người làm trưởng là rất nhiều áp lực, nhiều việc vất vả, nên chia sẻ, không chỉ đòi hỏi.

Bộ trưởng mong muốn Cục Tần số VTĐ cùng nhau tạo ra một giai đoạn phát triển mới. “Chỉ có chính mình, những nhân viên của Cục mới làm thay đổi được Cục Tần số VTĐ. Làm gì cũng phải lấy phụng sự Tổ quốc làm đầu. Làm gì thì cũng phải vì cái chung, vì Ngành, vì đất nước. Trong khó khăn luôn có cơ hội. Khó khăn cũng là động lực để vươn lên”.

Cuối cùng, Bộ trưởng chúc Cục Tần số VTĐ trong 10 năm tới sẽ viết một trang sử mới huy hoàng trong lịch sử phát triển của mình. Đó là đảm bảo tần số cho hạ tầng số. "Đây sẽ vừa là đóng góp của các đồng chí cho sự phát triển của đất nước, vừa là lời cảm ơn của các đồng chí đối với các thế hệ đi trước".

Kiên định hội nhập khu vực và quốc tế

Chúc mừng Cục Tần số VTĐ kỷ niệm 30 năm, ông Xayluxa Insisiengmay, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ, Bộ Công nghệ và Truyền thông, CHDCND Lào bày tỏ trong 30 năm qua, Cục Tần số VTĐ Việt Nam đã kiên định theo đuổi mục tiêu hội nhập trong khu vực và quốc tế.

cuc-tan-so-vtd-lao.jpg
Cục trưởng Xayluxa Insisiengmay: Cục Tần số VTĐ Việt Nam đã kiên định theo đuổi mục tiêu hội nhập trong khu vực và quốc tế.

Cục  trưởng Xayluxa Insisiengmay nhấn mạnh: “Các bạn đã được các tổ chức quốc tế tín nhiệm bầu vào các vị trí đại diện cho khu vực 3 ASIA trong Ban Thể lệ vô tuyến RRB, phó chủ tịch các nhóm nghiên cứu ITU-R, chủ tịch của nhóm AWG, các ban công tác Working Parties trong APG,...”

Do đó, ông Xayluxa Insisiengmay nhấn mạnh hoạt động kỷ niệm cột mốc nổi bật này có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của ngành CNTT-TT/kỹ thuật số hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung, bao gồm cả Việt Nam. Bởi nó không chỉ thúc đẩy hơn nữa tầm quan trọng của các công nghệ mới nổi như IoT, dữ liệu lớn, AI, 5G, mà còn là hoạt động chào mừng những thành tựu mà Cục Tần số VTĐ đã đạt được trong hơn 30 năm qua.

Tất cả những điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi, góp phần phát triển ngành thông tin VTĐ mà còn nâng cao vai trò của Việt Nam lên một tầm cao mới trong khu vực và quốc tế. Do đó, ARMF đang tiếp tục nhận được được sự tin tưởng và hỗ trợ từ các Quốc gia Thành viên APT và ITU cũng như các đối tác trong hệ sinh thái thông tin vô tuyến.

Ông Xayluxa Insisiengmay cũng khẳng định Cục Tần số VTĐ của Lào và Cục Tần số VTĐ của Việt Nam có mối quan hệ tốt đẹp trong nhiều năm qua trong việc quản lý tần số VTĐ. Chúng tôi đã ký Biên bản ghi nhớ để thúc đẩy hợp tác hỗ trợ kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực. Việc hợp tác này bao gồm hoạt động như dự án ODA năm 2014, hỗ trợ kỹ thuật trong giám sát tần số vô tuyến cho các sự kiện quốc tế lớn tại Lào như SEAGAMES 2009, Hội nghị thượng đỉnh ASEM 2012.

Sự hỗ trợ này là vô giá, góp phần cải thiện công việc giám sát hàng ngày và giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật”, ông Xayluxa Insisiengmay khẳng định và mong muốn tiếp tục hợp tác với ARFM để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới.

Khát khao tìm kiếm sự đổi mới vẫn cháy bỏng

Trước những chúc mừng, tình cảm, căn dặn của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo cục Tần số VTĐ Lào, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Lê Văn Tuấn đã bày tỏ vinh dự và vui mừng được Bộ trưởng, các Thứ trưởng và các cô, các chú, các anh nguyên là lãnh đạo ngành, lãnh đạo các đơn vị trong và ngoài Bộ, các vị khách quý và bạn bè quốc tế đến dự kỷ niệm 30 năm ngành thành lập Cục Tần số VTĐ.

ong-le-van-tuan.jpg
Cục trưởng Lê Văn Tuấn: xây dựng Cục lớn mạnh hơn, đóng góp nhiều hơn, khát khao tìm kiếm sự đổi mới vẫn cháy bỏng

Ngày 8/6/1993, Cục Tần số VTĐ được thành lập trên cơ sở Trung tâm Quản lý tần số Quốc gia. Trải qua chặng đường 30 năm xây dựng, phấn đấu, trưởng thành, Cục Tần số VTĐ đã từng bước lớn mạnh, có nhiều thành tựu, được Đảng và Nhà nước, Chính phủ, Bộ TT&TT ghi nhận, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Để đạt được những thành tựu đó, Cục trưởng Lê Văn Tuấn cho biết bên cạnh sự nỗ lực lao động, sáng tạo của các thế hệ người lao động người tần số, sự quan tâm, đồng hành, ủng hộ của các cấp lãnh đạo, của bạn bè và đồng nghiệp trong và ngoài nước.

Cục trưởng Lê Văn Tuấn cho biết: các thế hệ người tần số luôn nhớ khởi nguồn của quyết sách xin cơ chế, không xin tiền của lãnh đạo ngành. Cục Tần số VTĐ là đơn vị quản lý nhà nước đầu tiên có cơ chế tài chính đặc thù. “Đây là tiền đề quan trọng để chúng tôi xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất như hiện nay”.

Theo Cục trưởng Lê Văn Tuấn, chúng ta đang bước vào một hành trình mới, bối cảnh là cuộc chuyển đổi lần thứ 2 của ngành, có cả thuận lợi và không ít thách thức. Người tần số hôm nay đã làm gì để đóng góp tốt hơn cho xã hội, cho ngành? Bối cảnh không dễ thay đổi, phải làm mới chính mình như thế nào để thích ứng tốt nhất? Đó là những câu hỏi gần đây chúng ta vẫn thường nêu ra với nhau và đi tìm lời giải đáp.

Cũng không tránh khỏi những lo lắng, phải chăng thế hệ người tần số hôm nay, với tuổi đời bình quân 42 tuổi nên đã trở nên kém máu lửa hơn ngày nào. Với trải nghiệm của riêng cá nhân mình, Cục trưởng Lê Văn Tuấn bày tỏ khát vọng xây dựng Cục lớn mạnh hơn, đóng góp nhiều hơn, khát khao tìm kiếm sự đổi mới vẫn cháy bỏng như ngày nào “Stay Hungry, Stay Foolish” như câu nói nổi tiếng của Steve Jobs.

Người đứng đầu Cục Tần số VTĐ cam kết: "Mỗi người của thế hệ tần số hôm nay hãy cùng nhau khát vọng, cùng nhau xây dựng, cùng nhau quyết tâm tạo nên những giá trị thành tựu mới. Đó cũng là cách để thể hiện sự đền đáp, tri ân xứng đáng với các thế hệ đi trước"./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
30 năm Cục Tần số VTĐ: khát khao tìm kiếm sự đổi mới vẫn cháy bỏng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO