36 giờ làm bản đồ các điểm bán hàng thiết yếu cho TP HCM

Khương Nha| 16/07/2021 14:08
Theo dõi ICTVietnam trên

3.000 điểm bán hàng thiết yếu của TP HCM đã được hai kỹ sư 9x đưa lên bản đồ số, giúp người dân mua sắm dễ dàng hơn.

0 giờ ngày 9/7, TP HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, nhiều cửa hàng, chợ truyền thống phải tạm ngừng hoạt động. Để đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân, Sở Công Thương thành phố liệt kê gần 3.000 điểm bán hàng thiết yếu theo từng quận/huyện dưới dạng file Excel.

Nhận thấy nhiều người gặp khó khăn trong việc tiếp cận và tra cứu thông tin về các điểm bán hàng này, Trần Thanh Tuấn - sinh năm 1990, đang sống và làm việc tại TP HCM - lên ý tưởng xây dựng một bản đồ để người dân dễ dàng sử dụng. Tuấn chia sẻ ý tưởng của mình với Nguyễn Hữu Đạt - một người bạn quen qua Facebook, đang là lập trình viên tại một công ty thiết kế website. Cả hai lập tức nghĩ đến việc số hoá các địa điểm bán hàng thiết yếu và đưa lên bản đồ.

36 giờ làm bản đồ các điểm bán hàng thiết yếu cho TP HCM - Ảnh 1.

Trần Thanh Tuấn (trái) và Nguyễn Hữu Đạt.

Vì đều là dân trong ngành công nghệ nên việc trao đổi ý tưởng, cách thực hiện giữa hai bạn trẻ không gặp khó khăn, dù cả hai chưa từng gặp mặt trực tiếp ngoài đời. Để tiết kiệm thời gian, cả hai quyết định xây dựng bản đồ dựa trên hệ thống của Google Maps (Google Map API). Tuy nhiên, đây lại là thách thức lớn nhất của dự án. "Việc tích hợp Google Maps vào hệ thống ở Việt Nam đang bị hạn chế khá nhiều. Khi liên lạc để nhờ họ hỗ trợ tăng giới hạn, bọn mình bị từ chối thẳng thừng. Cuối cùng, bọn mình quyết định trả thêm phí để nhanh chóng vận hành dự án, thay vì chờ hỗ trợ của Google", Tuấn nói.

Sau khi đã giải quyết xong việc Google Map API, dự án gặp một khó khăn khác là làm sao để có thể tối ưu hiển thị trên di động. Người dân dùng thiết bị di động nhiều hơn máy tính nên cả hai phải bỏ thêm thời gian nghiên cứu, lập trình để người dùng di động có thể tra cứu thuận tiện.

Không dừng lại ở việc hiển thị thông tin về gần 3.000 điểm bán hàng thiết yếu, Tuấn và Đạt còn tích hợp thêm tính năng gợi ý lộ trình di chuyển đến các điểm mua sắm gần nhất. Theo Tuấn đây cũng là một trong những khâu tốn thời gian. Nhưng với nền tảng kinh nghiệm sẵn có và sự tập trung cao độ, chỉ trong 36 tiếng, hai người bạn đã hoàn thành bản đồ các điểm bán hàng thiết yếu và đưa vào sử dụng.

Trên Diembanhangthietyeu.com, người dùng có thể tra cứu gần 3.000 cửa hàng đang mở bán các nhu yếu phẩm thiết yếu dưới dạng bản đồ. Mỗi cửa hàng đều có thông tin về địa chỉ, thời gian mở cửa, đường dây nóng, cách thức đặt hàng trực tuyến. Bản đồ cũng cho phép người dùng tìm đường đến các cửa hàng gần mình. Tuy nhiên, khi sử dụng tính năng này, trang web sẽ tự động mở ra bản đồ của Google.

36 giờ làm bản đồ các điểm bán hàng thiết yếu cho TP HCM - Ảnh 2.

Giao diện trang web Điểm bán hàng thiết yếu trên điện thoại (trái) và trên máy tính.

Sau thời gian ngắn đưa vào vận hành, một số người phản ánh có địa điểm trên bản đồ chưa đúng vị trí hoặc thời gian đóng mở cửa hàng không như thực tế. Vì vậy, dưới thông tin của mỗi cửa hàng, nhóm phát triển mở thêm tính năng báo cáo để người dùng phản ánh thông tin thực tế tại địa bàn, từ đó nhóm sẽ kiểm tra chéo bằng nhiều cách để hoàn thiện.

Ngay sau khi ra mắt, bản đồ "Địa điểm bán hàng thiết yếu" đã nhận được sự ủng hộ lớn từ người dùng. Thời điểm cao nhất, hệ thống ghi nhận 50 - 100 người truy cập cùng lúc. Theo Hữu Đạt, trang web được thiết kế để có thể chịu tải cao và có thể xử lý từ 1.000 đến 2.000 người dùng cùng lúc. Việc đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định và chịu tải đồng thời là một trong những yếu tố lõi mà hai thành viên của dự án đặt mục tiêu từ ban đầu.

"Những ngày sau khi giãn cách, bọn mình nhận thấy 3.000 cửa hàng đầu tiên trên bản đồ vẫn tương đối mỏng so với diện tích và mật độ dân số của thành phố. Trong khi đó nhiều nơi xuất hiện những phiên chợ 0 đồng, những điểm bán hàng, cứu trợ. Vì vậy bọn mình đã tích hợp thêm tính năng đóng góp", Tuấn chia sẻ. Trong tính năng đóng góp, người dùng có thể thông tin về địa điểm cứu trợ, số điện thoại liên lạc, thời gian hoạt động, người phụ trách... Đội ngũ tình nguyện viên của dự án sẽ tiếp nhận và xác minh thông tin để cập nhật lên bản đồ.

Theo Thanh Tuấn và Hữu Đạt, toàn bộ dự án hiện tại là phi lợi nhuận. Chi phí vận hành đều do cả hai bỏ tiền túi ra. Trong đó, khoản phí cố định ban đầu là tiền duy trì tên miền (250 nghìn đồng/năm), phí Cloud server (một triệu đồng/tháng) và phí trả cho Google là 200 USD (4,6 triệu đồng) cho 40.000 truy vấn, xử lý thông tin. Khi số người dùng vượt quá quy định, dự án sẽ trả thêm 5 USD/1.000 lượt truy vấn tiếp theo.

36 giờ làm bản đồ các điểm bán hàng thiết yếu cho TP HCM - Ảnh 3.

Dùng thử bản đồ Diembanhangthietyeu.com. Video: Khương Nha.

"Bọn mình mong muốn dịch bệnh nhanh qua để mọi người không phải tìm đến các cửa hàng cung cấp các cửa hàng thiết yếu. Sau khi hoàn thành mục đích đóng góp cho cộng đồng, bọn mình sẽ xây dựng một Bản đồ nhân ái, tổng hợp những điểm từ thiện, phiên chợ 0 đồng để hỗ trợ công tác an sinh xã hội tốt hơn", Thanh Tuấn chia sẻ./.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
36 giờ làm bản đồ các điểm bán hàng thiết yếu cho TP HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO