4 giải pháp giúp phục hồi ngành du lịch hậu Covid-19

TH| 08/06/2020 08:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra 4 ưu tiên cho quá trình phục hồi của ngành du lịch sau tác động của đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra tác động lớn đối với ngành du lịch khi các nước phải đóng cửa biên giới, các chuyến bay bị ngừng lại và hàng tỷ người phải ngồi yên trong nhà.

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) ước tính, ngành du lịch châu Á - Thái Bình Dương đã phải hứng chịu những tác động tiêu cực nhất từ Covid-19, với lượng du khách giảm gần 33 triệu lượt trong 3 tháng đầu năm 2020.

4 giải pháp giúp phục hồi ngành du lịch hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Đài phun nước Trevi, một trong những tuyệt tác kiến trúc bậc nhất của Rome (Ảnh: AFP)

Ngoài ra, đại dịch cũng kéo theo những tác động đến môi trường. Nhiều khu vực nông thôn đang chịu áp lực từ sự thay đổi cách sử dụng đất, mất đa dạng sinh học và các hoạt động săn bắt trộm bất hợp pháp. Đánh bắt cá, khai thác, phá rừng và các hoạt động bất hợp pháp khác đang gia tăng. Đại dịch bùng phát cũng khiến cho lượng chất thải y tế tăng đột biến. Song song đó, việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng tăng lên do sự bùng nổ nhu cầu thực phẩm, giao nhận đồ ăn, thức uống trong thời gian đại dịch.

Theo kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) cuối tháng 5 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, ngành kinh tế có tỷ lệ DN chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nhiều nhất là hàng không 100%; dịch vụ lưu trú 97,1%; dịch vụ ăn uống 95,5%; hoạt động của các đại lý du lịch 95,7%.

Báo cáo của Tổng cục Du lịch cũng cho biết trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng thu của ngành đạt 150.300 tỷ đồng, giảm 47,4%. Đáng chú ý, có tới 95% các DN kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước đã dừng hoạt động. 137 DN lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20% so với tỷ lệ 52% của năm trước.

Tuy nhiên, hiện nay một số nước đã qua đỉnh dịch và khống chế được sự lây lan của dịch bệnh. Việc nới lỏng các biện pháp giãn cách và mở lại đường bay đang tạo điều kiện để các quốc gia khởi động lại các hoạt động du lịch. Thế nhưng thực tế các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang sống lay lắt, chờ đợi phép màu sớm có thể mở cửa du lịch quốc tế…

Trong bối cảnh đó, mới đây Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra 4 ưu tiên cho quá trình phục hồi của ngành du lịch.

1. Thúc đẩy du lịch nội địa

Khi ngành du lịch hoạt động trở lại, du lịch nội địa sẽ là trọng tâm. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á khởi động lại ngành du lịch nội địa, với nhiều gói giảm giá và chương trình khuyến mãi nhằm thúc đẩy nhu cầu của người dân.

Các quốc gia khác cũng đang tập trung vào một vài địa điểm nổi bật để thu hút khách du lịch. Điều này mang đến cơ hội tạo việc làm và nguồn thu nhập cho các ngành du lịch địa phương.

2. Bảo vệ hệ sinh thái

Sự tập trung chú trọng vào kiểm soát dịch bệnh của các chính phủ đã làm gia tăng tội phạm trong các hoạt động tự nhiên. Với sự sụt giảm trong ngành du lịch hoang dã, dòng doanh thu cho bảo tồn cũng đã cạn kiệt.

Theo ADB, cần có luật nghiêm ngặt để bảo vệ sự đa dạng sinh học và xử lý các hoạt động bất hợp pháp. Để bảo vệ sự cân bằng sinh thái từ du lịch, chính phủ có thể cân nhắc việc tăng cường tập trung và đầu tư vào xây dựng năng lực và đào tạo; bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương và người dân bản địa ở khu vực khai thác du lịch…

3. Cải thiện cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng cho việc quản lý chất thải cần phải được cải thiện và phải có quy định để xử lý an toàn chất thải y tế sinh học tại các khu vực công cộng. Tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ vệ sinh và nước sạch, cùng với việc thúc đẩy các biện pháp vệ sinh tốt như rửa tay, cũng sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, cũng cần có các ưu đãi cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet để cải thiện kết nối tại các địa điểm du lịch.

4. Cải tổ các hãng hàng không

Theo ADB, cần xem xét lại các khoản thuế cho các hãng hàng không. Nhiều hãng hàng không đang đứng bên bờ vực phá sản, do đó, cần có các gói giải cứu kịp thời của chính phủ. Tuy nhiên, các khoản tài trợ này phải đi kèm với các điều kiện ưu tiên cải thiện môi trường. Ví dụ, tại Pháp, một gói cứu trợ trị giá 7 tỷ euro cho Air France được đưa ra đi kèm với yêu cầu hãng này phải trở thành "hãng hàng không xanh nhất thế giới".

Ngoài ra, các biện pháp khác bao gồm ngưng vận hành các máy bay không hiệu quả, giảm số lượng chuyến bay khi nhu cầu thấp và cung cấp thông tin về khí thải cho các hãng bay.

Một khi được kết hợp với nhau, các chiến lược này có thể giúp đảm bảo rằng các quyết định chính sách sẽ được đưa ra một cách khoa học và cẩn thận, đảm bảo du lịch có thể là một trụ cột cơ bản trong tiến trình phục hồi kinh tế của các nước.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
4 giải pháp giúp phục hồi ngành du lịch hậu Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO