5 năm Giải thưởng sách quốc gia: Tiếp tục nâng tầm giá trị

Thu Hiền| 28/10/2022 17:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: 5 năm qua, với sự đóng góp, đồng hành của Bộ TT&TT, Giải thưởng sách quốc gia và Hội Xuất bản Việt Nam đã có một luồng gió mới.

Ngày 28/10, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án Giải thưởng sách quốc gia.

Ngành xuất bản là ngành kinh tế công nghệ

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhận định: Các cuốn sách là hành trang, là di sản không gì thay thế được trong việc bồi dưỡng tri thức và hình thành nhân cách của mỗi chúng ta. Việc tiếp thu tri thức có rất nhiều con đường. Trong không gian truyền thông hiện nay, xuất bản có thể không ồn ào như báo chí nhưng là những dòng chảy ngầm có đầy đủ những giá trị của nó. Và việc của những người làm xuất bản, ở góc độ người làm trực tiếp, người sáng tác, các cơ quan quản lý…làm thế nào để xã hội nhìn nhận và đánh giá đúng với tiềm năng và giá trị của ngành.

5 năm Giải thưởng sách quốc gia - Luồng gió mới nâng tầm vị thế ngành Xuất bản - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm

Theo Thứ trưởng, chúng ta có thế mạnh hiện hữu của ngành xuất bản là một tập thể ngành đoàn kết, nghĩa tình và tâm huyết với ngành. Bên cạnh đó, đồng chí tư lệnh của ngành là Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là một người yêu sách, đọc sách nhiều hơn bất kỳ cán bộ nào của Bộ TT&TT. Bộ trưởng đi đâu, gặp ai cũng chỉ tặng sách. Bộ trưởng cũng muốn xây dựng văn hóa tặng sách thành một thói quen của các cán bộ ở các ngành, các cấp khác nhau. Tặng sách như là niềm tự hào của giá trị dân tộc.

"5 năm qua, với sự đóng góp, đồng hành của Bộ TT&TT, Giải thưởng sách quốc gia và Hội Xuất bản Việt Nam đã có một luồng gió mới. Trong giai đoạn tới, chúng ta cần đề xuất với Chính phủ một phương pháp mới trợ lực thêm, huy động thêm nguồn lực cho ngành xuất bản. Với nội hàm ngành xuất bản là ngành kinh tế công nghệ, chúng ta có thêm những ý tưởng mới để đưa những chủ thể, những tác nhân khác tham gia vào câu chuyện tôn vinh sách, tôn vinh văn hóa đọc…", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ TT&TT khẳng định, 5 năm qua, có những thuận lợi và khó khăn nhất định nhưng Giải thưởng Sách quốc gia vẫn được tổ chức liên tục, không gián đoạn với 139 cuốn sách, bộ sách đạt giải, trong đó có 14 Giải A, 54 Gỉải B, 71 Giải C.

5 năm Giải thưởng sách quốc gia - Luồng gió mới nâng tầm vị thế ngành Xuất bản - Ảnh 2.

Cục trưởng Nguyễn Nguyên: 5 năm qua, có những thuận lợi và khó khăn nhất định nhưng Giải thưởng Sách quốc gia vẫn được tổ chức liên tục, không gián đoạn

Qua từng năm, Giải thưởng Sách quốc gia đã bao quát được các mảng của xuất bản Việt Nam, đáp ứng được tính đa dạng trong các lĩnh vực; sách dự giải ngày có chất lượng ngày một tốt, đóng góp của các tác giả ngày một lớn. Những cuốn sách được trao giải đều có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng hoặc đóng góp sâu rộng về chuyên môn và được công chúng đón nhận hoặc giới chuyên môn đánh giá cao ở các lĩnh vực.

"Có thể khẳng định, Giải thưởng Sách quốc gia đã trở thành một sự kiện văn hóa nổi bật thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận xã hội, có sức lan tỏa mạnh mẽ, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao, góp phần quan trọng đưa sách đến được với bạn đọc, lan tỏa và nhân lên những giá trị tri thức, những giá trị văn hóa trong đời sống xã hội, nâng tầm giá trị cho mỗi cuốn sách đoạt giải tương xứng với sự kỳ vọng của đông đảo bạn đọc; trở thành tài sản tinh thần quý giá trong mỗi gia đình và đất nước", Cục trưởng Nguyễn Nguyên nhấn mạnh.

Đồng tình với những thành tựu đạt được của Giải thưởng Sách quốc gia trong 5 năm qua, TS. Hoàng Phong Hà, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo chia sẻ: Thành công của Giải thưởng sách là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành cao hơn trước cùng với sự tham gia nhiệt tình của các nhà xuất bản (NXB), các đơn vị phát hành. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền rất bài bản, đặc biệt là sự hỗ trợ của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) để công tác trao giải tạo sự hứng khởi cho các đơn vị tham gia.

5 năm Giải thưởng sách quốc gia - Luồng gió mới nâng tầm vị thế ngành Xuất bản - Ảnh 3.

TS. Hoàng Phong Hà

Đồng thời, TS. Hoàng Phong Hà cũng đề xuất, Giải thưởng Sách quốc gia nên tiếp tục sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Xuất bản Việt Nam với Bộ TT&TT. Giải thưởng đang từng bước có uy tín, được xã hội đón nhận nên chúng ta phải làm sao giữ được và làm cho Giải thưởng trở nên danh giá, tạo động lực cho các đơn vị tham gia; Sớm tổ chức các hội nghị, hội thảo rà soát lại các quy chế; Cải tiến hội đồng chấm giải vì mặc dù quy trình chấm giải hiện nay rất chặt, nhưng vẫn có khả năng để lọt những cuốn sách hay…

Cần tái bản các bộ sách được giải để lan tỏa giá trị tri thức trong cộng đồng

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trưởng tiểu ban sách khoa học xã hội (KHXH) Nhân văn cho biết: Có loại sách nhà nước đặt hàng, không bán. Người không cần có khi được biếu, người cần lại không có. Làm thế nào để tái bản những bộ sách đạt giải để dễ dàng đến với công chúng yêu sách.

5 năm Giải thưởng sách quốc gia - Luồng gió mới nâng tầm vị thế ngành Xuất bản - Ảnh 4.

PGS.TS. Trần Đức Cường nêu vấn đề cần tái bản những bộ sách đạt giải để dễ dàng đến với công chúc yêu sách

Nói về mảng sách văn học, nhà văn Nguyễn Thu Huệ nhận định: Trong 5 năm qua, số lượng sách tham gia giải tuy nhiều nhưng chưa đủ. Ví dụ, mảng sách văn học dịch vẫn chưa được trao giải. Vì vậy, cần có mối liên kết giữa các đơn vị làm sách, đồng thời mời các NXB, các nhà sách tư nhân tham gia đóng góp không chỉ sách hay mà còn là vấn đề truyền thông tốt; Tổ chức các buổi tọa đàm lớn về cuốn sách được trao giải, bởi nó rất quan trọng, phát huy được ảnh hưởng cuốn sách được trao giải.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cũng đưa ra giải pháp: cần kêu gọi được các mạnh thường quân và Chính phủ hỗ trợ kinh phí để in lại toàn bộ sách được giải thưởng để đưa vào các thư viện, trường học… tạo hiệu quả lan tỏa cho Giải thưởng.

"Có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam ở thời kỳ trước vì một lý do nào đó chưa được công nhận, thì mong rằng giải thưởng sách quốc gia nên có những đánh giá để ghi nhận những tác phẩm như vậy", nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ mong muốn.

Trong khi đó, bà Lệ Chi, Công ty ChiBooks kiến nghị: Không nên trao giải cho sách dịch nước ngoài mà nên trao cho sách Việt Nam được dịch ra nhiều tiếng ở các nước. Đồng thời, giải thưởng nên chỉ tập trung vào sách Việt Nam, còn sách nước ngoài nên hạn chế để tạo động lực cho các tác giả trong nước.

5 năm Giải thưởng sách quốc gia - Luồng gió mới nâng tầm vị thế ngành Xuất bản - Ảnh 5.

Hội nghị thảo luận và đánh giá 5 năm Giải thưởng Sách quốc gia

Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học cũng bày tỏ: trong mảng sách trao giải phần lớn là sách liên kết, nên sau khi trao giải việc lan tỏa sách đó ra cộng đồng phụ thuộc vào đối tác liên kết. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị làm sách. Ngoài ra, các cuốn sách được giải hiện nay chưa thực sự lan tỏa mạnh mẽ, vì vậy đề nghị phát triển và lan tỏa phong trào văn hóa đọc hơn nữa. Đồng thời, cần những cuốn sách phù hợp với thị hiếu của bạn đọc. Bên cạnh đó, nên có sự ưu ái đối với mảng sách điện tử tham gia giải để cổ động khích lệ các đơn vị làm sách điện tử.

5 năm Giải thưởng sách quốc gia - Luồng gió mới nâng tầm vị thế ngành Xuất bản - Ảnh 6.

Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo: qua 5 năm Giải thưởng sách quốc gia đã khẳng định được vị thế và uy tín của mình, qua đó cũng khẳng định được vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam

Phát biểu tổng kết Hội nghị, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khẳng định: 5 năm Giải thưởng sách quốc gia đã khẳng định được vị thế và uy tín của mình. Qua đó, Giải thưởng cũng khẳng định được vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam thông qua những hoạt động cụ thể như thường xuyên cập nhật sửa đổi, bổ sung điều chỉnh những điều lệ, quy chế giải thưởng sau mỗi mùa giải; tập hợp được những nhà khoa học, các chuyên gia tham gia vào các Hội đồng Giải thưởng, đa số các hội đồng hoạt động với trách nhiệm rất cao, công minh và linh hoạt…

"Giải thưởng đã tôn vinh được những người làm sách như: các NXB, các biên tập viên, những đơn vị liên kết…Tuy nhiên, trước đến nay sách tham dự Giải chủ yếu là do các NXB chọn, nên cần xây dựng quy chế để các tác giả cũng có thể tự mình đăng ký tham gia giải, để tạo động lực và nâng tầm vị thế của Giải thưởng", Chủ tịch Hội xuất bản Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
5 năm Giải thưởng sách quốc gia: Tiếp tục nâng tầm giá trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO