5 nguyên nhân khiến doanh nghiệp thất bại trước các cuộc tấn công mạng

Cao Thiên| 09/12/2021 08:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Sự thành công và tốc độ phát triển nhanh chóng của tội phạm mạng là minh chứng cho thấy hầu hết các tổ chức bảo mật kém hiệu quả. Vì sao các doanh nghiệp đã đầu tư vào các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin song vẫn "dính bẫy" tội phạm mạng?

Tin tức về các cuộc tấn công mạng xuất hiện hàng tuần và gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Trong khi chi tiêu cho an toàn thông tin mạng (ATTTM) tiếp tục tăng cao, một báo cáo cho thấy 78% các nhà lãnh đạo ATTTM được khảo sát vẫn thiếu tự tin vào tình hình an ninh mạng của họ mặc dù đã thực hiện các khoản đầu tư. Điều này là do hầu hết các vụ vi phạm bảo mật không phải do công nghệ bảo mật không đầy đủ; mà là kết quả lỗi của con người.

Sự thành công và tốc độ phát triển nhanh chóng của tội phạm mạng là minh chứng cho thấy hầu hết các tổ chức bảo mật kém hiệu quả. Hãy cùng khám phá 5 lý do hàng đầu khiến các doanh nghiệp trở nên kém hiệu quả trong cách tiếp cận đảm bảo ATTTM.

Quá tải các cảnh báo bảo mật

Với khoảng 10.000 lỗ hổng phần mềm mới được phát hiện mỗi năm, các nhóm bảo mật có thể không hiểu hết được nguy cơ của mọi mối đe dọa tiềm ẩn. Họ sử dụng các công cụ bảo mật (ví dụ như máy quét lỗ hổng bảo mật) để xác định các mẫu và rủi ro. Ở các công ty lớn, không có gì lạ khi thấy có đến 1.000 cảnh báo bảo mật hoặc hơn mỗi ngày - và có khoảng 25% -75% cảnh báo được chứng minh là “dương tính giả”. Quá tải với các cảnh báo bảo mật, các nhóm CNTT thường không xác định hoặc ưu tiên các rủi ro một cách chính xác. Một số người thậm chí thừa nhận đã làm ngơ trước các cảnh báo ATTTM khi tài khoản của họ đã quá đầy.

Chỉ giải quyết triệu chứng, không phân tích nguyên nhân bị tấn công

Một sai lầm phổ biến mà các nhóm ATTTM mắc phải là điều trị triệu chứng chứ không phải nguyên nhân. Điều này giải thích tại sao trong một cuộc khảo sát hơn 1.200 chuyên gia an ninh mạng, 80% người được hỏi báo cáo bị lặp lại các cuộc tấn công. Tương tự như đau đầu, sốt và mệt mỏi, sự xâm nhập của phần mềm độc hại thường là dấu hiệu của một điều gì đó nguy hiểm hơn nhiều. Điều quan trọng không chỉ là làm sạch phần mềm độc hại, mà điều quan trọng là các nhóm bảo mật phải hiểu cách phần mềm độc hại có thể vi phạm hệ thống phòng thủ của họ. Các nguyên nhân gốc rễ hàng đầu bao gồm lừa đảo, kỹ thuật xã hội, lỗ hổng phần mềm, lỗi của con người, nội gián độc hại, thông tin đăng nhập bị rò rỉ, cấu hình sai và chuỗi cung ứng bị xâm phạm.

Chưa ưu tiên các giải pháp đảm bảo ATTTM

Khi đại dịch bùng phát, các tổ chức đã tập trung ưu tiên các giải pháp kinh doanh để mong duy trì công việc. Gần 50% trong số hơn 200 chuyên gia bảo mật được khảo sát báo cáo họ đã chuyển trọng tâm sang các nhiệm vụ CNTT trong khi 91% nhân viên CNTT được khảo sát cảm thấy áp lực với các vụ xâm phạm bảo mật. Trong môi trường doanh nghiệp, nguồn lực có hạn, các đội CNTT và an ninh mạng có quá nhiều việc phải làm, và đôi khi các cấp lãnh đạo lại ưu tiên các dự án kinh doanh hơn là những thứ như giải pháp đảm bảo ATTTM.

Tuân thủ là một điều khác mang lại cảm giác an toàn giả tạo. Ngoài ra, việc tuân thủ tập trung vào các yêu cầu của quy định chứ không phải tập trung vào nhu cầu đảm bảo an ninh mạng thực sự của tổ chức. Hầu hết các vi phạm đều liên quan đến con người và các biện pháp kiểm soát tuân thủ không ưu tiên hoặc nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố con người.

Thiếu sợi dây liên kết trong thông tin liên lạc

Hơn một nửa số chuyên gia an ninh mạng được khảo sát cho rằng việc thiếu các kỹ năng mềm như giao tiếp và lãnh đạo là một trong những lỗ hổng kỹ năng lớn nhất trong nhóm các chuyên gia. Những kỹ năng này rất quan trọng đối với một chương trình quản lý rủi ro hiệu quả. Điều này có nghĩa là ngay cả khi các nhóm bảo mật CNTT có thể xác định các mối đe dọa, họ cũng không thể thông báo chúng trong toàn tổ chức.

Khoảng cách giao tiếp dẫn đến những thứ như người dùng cuối thiếu khả năng xác định hành vi đáng ngờ, quản lý cấp cao không nhận thức được các thách thức bảo mật hàng đầu và doanh nghiệp không thể cung cấp đủ lượng tài nguyên và thực hiện đúng số lượng kiểm soát để giảm thiểu các mối đe dọa mạng trong thời gian thực. An ninh mạng cần phải chủ động và phản ứng nhanh, và đây là nơi mà thông tin liên lạc đóng một vai trò quan trọng.

Thiếu kỹ năng đánh giá rủi ro

Khoảng 1,25 triệu người chết vì tai nạn ô tô mỗi năm trong khi số người chết do máy bay trung bình hàng năm hiếm khi lên đến con số 1.000, tuy nhiên số người sợ đi máy bay lại nhiều hơn số người sợ đi ô tô. Tương tự, số người chết vì bị muỗi đốt trong một ngày nhiều hơn so với số người chết vì bị cá mập cắn trong 100 năm; tuy nhiên, bản năng của con người khiến chúng ta cảnh giác hơn với cá mập. Quy tắc tương tự cũng giống trong trường hợp an ninh mạng. Phần lớn các nhóm an ninh mạng luôn bị thành kiến và các quyết định bảo mật của họ thường bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố, chẳng hạn như tường thuật của nhà cung cấp và phương tiện truyền thông, yêu cầu tuân thủ và quy định. Kết quả là, các mối đe dọa không được xếp hạng hoặc xếp hạng sai và thiếu độ chính xác và tự tin trong việc xác định các lỗ hổng an ninh mạng./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
5 nguyên nhân khiến doanh nghiệp thất bại trước các cuộc tấn công mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO