5 nhiệm vụ, 3 thi đua để ngoại giao Việt Nam mạnh mẽ, vang xa

PV| 27/08/2020 21:44
Theo dõi ICTVietnam trên

“Thủ tướng nhấn mạnh, 75 năm qua, ngành Ngoại giao đã đạt được thành tựu quan trọng, đáng tự hào, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Sáng 27/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2020) và Đại hội Thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành tham dự sự kiện.

Ngành ngoại giao đã đạt được thành tựu quan trọng, đáng tự hào

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nền ngoại giao của nước ta đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên trực tiếp xây dựng, chỉ đạo và rèn luyện. 75 năm qua, ngành Ngoại giao đã đạt được thành tựu quan trọng, đáng tự hào, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

5 nhiệm vụ, 3 thi đua để ngoại giao Việt Nam mạnh mẽ, vang xa - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VGP

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác đối ngoại thể hiện vai trò tiên phong trong củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển và không ngừng nâng cao vị thế của đất nước.

Nhờ đó, từ một nước bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối ngoại rộng mở với 189 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc. Chúng ta đã xây dựng được mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có tất cả các nước lớn, 17/20 nước G20, toàn bộ các nước ASEAN.

Từ một nền kinh tế khép kín, bao cấp, ngành ngoại giao đã góp phần quan trọng trong đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, toàn diện, cân bằng lợi ích, rất quan trọng cho phát triển như Hiệp định CPTPP, EVFTA.

Chúng ta không những bảo vệ vững chắc Tổ quốc mà còn vươn lên đảm nhiệm tốt nhiều trọng trách quốc tế lớn như Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA).

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, ngành Ngoại giao đạt các kết quả nổi bật. Bộ Ngoại giao đã phối hợp tổ chức tốt nhiều chuyến bay, kể cả bay vào những vùng dịch nguy hiểm, đón gần 30.000 công dân về nước, hỗ trợ trang thiết bị y tế cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cho nhiều đối tác nước ngoài, nhất là tại những địa bàn bị dịch nặng nề, đón hàng nghìn chuyên gia, nhà quản lý nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục làm việc.

Chúng ta đã hỗ trợ trang thiết bị y tế do Việt Nam sản xuất cho 49 nước và 2 tổ chức quốc tế, trong đó có nhiều đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống. Những nghĩa cử cao đẹp đó thể hiện truyền thống nhân văn của người Việt Nam, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Từ tháng 2 đến nay đã có trên 30 hội nghị cấp cao trực tuyến, điện đàm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội nước ta với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế lớn, của ASEAN, Tổ chức Y tế thế giới, Liên Hợp Quốc, G20, Phong trào không liên kết.

Thủ tướng nêu rõ, Bộ Ngoại giao đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước sinh động, góp phần quan trọng để đạt được những thành tích đáng tự hào trên chặng đường 75 năm qua của ngành ngoại giao.

Chủ đề thi đua giai đoạn 2016-2020 của ngành là "Giữ vững môi trường hòa bình, hội nhập quốc tế hiệu quả, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" đã gắn công tác thi đua khen thưởng với nhiệm vụ chính trị, đưa phong trào thi đua trở thành một phương cách lãnh đạo, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

5 nhiệm vụ quan trọng

Để làm tốt trọng trách được giao, thời gian tới, Thủ tướng mong muốn ngành ngoại giao làm tốt "5 nhiệm vụ chính trị" sau:

Thứ nhất, thúc đẩy quan hệ của ta với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, ổn định, bền vững. Luôn giữ vững nguyên tắc, đường lối đối ngoại của Đảng đồng thời linh hoạt, khéo léo, tăng cường đan xen lợi ích, gia tăng điểm đồng, cân bằng quan hệ, nhất là với các nước lớn và các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.

Thứ hai, tăng cường ngoại giao kinh tế, góp phần quan trọng vào phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Cần tạo điều kiện tối đa để kết nối các địa phương, doanh nghiệp của ta với các đối tác, bạn hàng, thị trường mới, khai thác hiệu quả các cơ hội, ưu đãi từ các hiệp định FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP, EVFTA; hợp tác thu hút FDI chất lượng cao, tạo động lực tăng trưởng vượt qua COVID-19 và tiếp tục phát triển thời gian tới.

5 nhiệm vụ, 3 thi đua để ngoại giao Việt Nam mạnh mẽ, vang xa - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập cho một số cán bộ ngành ngoại giao. Ảnh: VGP

Thứ ba, chủ động hội nhập quốc tế, nâng tầm, đẩy mạnh đối ngoại đa phương theo tinh thần Chỉ thị 25 của Ban Bí thư.

Thứ tư, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. Phải giữ vững nguyên tắc "vừa hợp tác, vừa đấu tranh", "kiên quyết, kiên trì". Làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường trao đổi để bạn bè quốc tế hiểu rõ, ủng hộ sự chính nghĩa và quan điểm nhất quán của ta, nhất là về biển Đông.

Thứ năm, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam bằng nhiều hoạt động đa dạng và phong phú. Xử lý kịp thời, thỏa đáng những vấn đề liên quan đến công dân, kiều bào ta ở nước ngoài; qua đó củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động nguồn lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3 thi đua của ngành

Thủ tướng hoan nghênh "3 thi đua" do ngành ngoại giao đề ra. Thứ nhất, tăng cường, nâng cao nhận thức về thi đua yêu nước. Thủ tướng nhấn mạnh, cán bộ làm đối ngoại phải luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đồng thời có ý thức giữ gìn sự tôn nghiêm, hình ảnh của quốc gia, dân tộc trong từng công việc giao tiếp hàng ngày. Công tác lễ tân, hậu cần, phục vụ đã làm tốt cần thi đua làm tốt hơn, chu đáo, chân tình.

5 nhiệm vụ, 3 thi đua để ngoại giao Việt Nam mạnh mẽ, vang xa - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động cho một số cán bộ ngành ngoại giao. Ảnh: VGP

Thứ hai, thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Các đồng chí cần thường xuyên học tập từ cả phong cách, tầm nhìn, tư duy và cả những công việc hàng ngày của Người".

Thứ ba, tăng cường thi đua yêu nước ngành ngoại giao với các cơ quan, bộ ngành, địa phương khác trong cả nước, nhằm tạo nên nguồn lực tổng hợp phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thi đua, quan trọng nhất chính là thi đua với chính mình, mỗi cán bộ đối ngoại cần thường xuyên phấn đấu tu dưỡng trở thành người cán bộ vừa hồng, vừa chuyên.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • ĐMST mở xã hội mang lại cho 90% doanh nghiệp cơ hội tạo giá trị kinh doanh bền vững
    Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD, hơn 90% các doanh nghiệp cho rằng đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở xã hội mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tạo ra giá trị kinh doanh bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
  • ‏FPT đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc‏
    ‏Mới đây, FPT vừa ký kết thỏa thuận hợp tác ba năm với OutSystems, chính thức trở thành đối tác phân phối và triển khai tại thị trường Hàn Quốc, đảm bảo thời gian ra mắt phần mềm của khách hàng được rút ngắn và tối ưu chi phí.
  • Người giữ bình yên nơi vùng cao
    Huyện Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất tỉnh, chiếm 56,92%, với địa hình rừng núi, giao thông đi lại khó khăn, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa đa dạng chính vì vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các bản làng luôn là nhiệm vụ được các cấp ủy Đảng quan tâm. Do đó, đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín luôn là đội ngũ nòng cốt góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng.
  • Tuyên Quang: Kiên trì phương châm “mưa dầm thấm lâu” để nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng DTTS&MN
    Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, góp phần giúp các kiến thức pháp luật về mọi mặt của đời sống ngày một đến gần hơn với người dân (đặc biệt là vùng đồng bào DTTS&MN).
Đừng bỏ lỡ
5 nhiệm vụ, 3 thi đua để ngoại giao Việt Nam mạnh mẽ, vang xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO