Ông Trần Tuấn Anh, Cục Viễn thông
Theo ông Trần Tuấn Anh, Cục Viễn thông, công nghệ 5G có hai điểm chính là tốc độ đỉnh tải xuống đạt 20Gbit/s, tải lên đạt 10Gbit/s, tốc độ dữ liệu tải xuống cho người sử dụng là 100 Mbit/s và tải lên là 50Mbit/s. Ngoài ra, độ trễ có thể đảm bảo dưới 1ms, đáp ứng các dịch vụ đòi hỏi độ trễ thấp, có thể cung cấp dịch vụ cho hàng triệu triệu kết nối/km2, đáp ứng tốc độ di chuyển tới 500 km/giờ.
Ông Trần Tuấn Anh cho biết 5G có sự khác biệt so với các công nghệ di động trước đây như 2G, 3G và 4G. 5G là kết nối con người, mọi đối tượng, máy tới máy (M2M). Mạng 5G bản chất là mạng tổng hợp của các mạng phục vụ riêng cho người sử dụng dịch vụ điện thoại, Internet… hay 5G là một mạng cho tất cả các ngành.
Dịch vụ chính của 5G cung khác với các dịch vụ của công nghệ khác, đáp ứng: phục vụ nhu cầu thế giới ảo, thực, truyền video chất lượng cao; phục vụ liên lạc đám đông, mọi khía cạnh cuộc sống bình thường và các dịch vụ độ trễ thấp như đào hầm, đào mỏ, xe tự lái…x
Một mạng lưới, nhiều ngành nghề (Ảnh: Ericsson)
Về tác động của 5G đối với nền kinh tế, theo đánh giá của HIS năm 2017, 5G tác động đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Trong cuộc CMCN 4.0 khi mà ứng dụng CNTT - viễn thông - tự động hóa để tăng năng suất lao động, 5G sẽ tác động đối với nông nghiệp, đánh cá, trồng rừng là 6,4%, nghệ thuật – giải trí 3,5%, thông tin tuyên truyền là 11,5% đầu ra của ngành... Tác động trung bình của 5G đối với các ngành là 4,6%. Tỷ trọng thực sự 5G phục vụ cho truy nhập Internet, thoại, xem video… sẽ chiếm một phần không đáng kể so với việc đáp ứng các ngành nghề khác. Điều này cho thấy 5G là hạ tầng mạng quan trọng cho mọi lĩnh vực, đặc biệt là các ngành nghề khác.
Từ những phân tích, ông Tuấn Anh cho rằng 5G là một bước tiến mới. Các nước nên coi đây là cơ hội để tạo ra ngành nghề, dịch vụ mới, công việc mới. Đối với Việt Nam, 5G đóng vai trò quan trọng cho CMCN 4.0 và được xem là cơ hội lớn.
Tác động của 5G đối với phát triển kinh tế (Nguồn: HIS 2017)
“Trên thế giới, năm 2019, nhiều nước bắt đầu triển khai 5G. Việt Nam cũng đặt mục tiêu là một trong nước đi đầu về triển khai 5G, dự kiến vào cuối năm 2020”, ông Tuấn Anh cho hay.
Về thời điểm triển khai 5G tại Việt Nam, Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia Thiều Phương Nam tại Ngày Internet 2018 cũng nhận định năm 2020 khi các điều kiện thuận lợi chín muồi. “Vào thời điểm đó, các thiết bị đầu cuối 5G sẽ nhiều hơn. Năm 2019 sẽ là năm các thế hệ thiết bị đầu tiên ra đời, năm 2020 sẽ là thế hệ thứ hai. Các thiết bị xuất hiện nhiều hơn và giá cũng sẽ phải chăng hơn. Thời điểm năm2020, công nghệ mạng lưới đã sẵn sàng và các chuẩn 5G đã được thông qua”.
Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia Thiều Phương Nam
Tương tự như thời điểm triển khai 4G, ông Nam cho biết khi 5G xuất hiện, cả 4G và 5G sẽ cùng chạy song song với nhau trong một thời gian. Giai đoạn đầu 5G sẽ được triển khai ở các thành phố lớn cho những người có nhu cầu dùng công nghệ thực tế ảo, những người dùng điện thoại thông minh nhưng nhu cầu rất cao, như để xem video chất lượng HD, ô tô thông minh hay ô tô tự lái. Đó là những thị trường mà 4G không đáp ứng được. Tuy nhiên, kế hoạch triển khai 5G cụ thể sẽ còn tùy vào các nhà mạng.
Ông Thiều Phương Nam cũng cho biết xu hướng Internet hiện nay là Internet di động. Phần lớn trải nghiệm của người dùng về các dịch vụ, nội dung đều chuyển lên thiết bị di động. Muốn Internet di động phát triển tốt thì hạ tầng viễn thông di động phải tốt. Công nghệ 4G, 5G là nền tảng cực kỳ quan trọng cho thúc đẩy sự phát triển Internet tại Việt Nam, đặc biệt ở mảng di động. Riêng 5G sẽ mở ra nhiều cơ hội mới.
Các dịch vụ 3G, 4G trước đây chủ yếu là cung cấp dịch vụ cho người dùng qua smartphone. Trong tương lai, con người sẽ sử dụng 5G vào kết nối vạn vật rất lớn. Dự báo rằng sẽ có khoảng 35 tỷ thiết bị kết nối vào Internet và sẽ phải chạy trên nền tảng 5G. “5G là một nền tảng thiết yếu cho sự phát triển của Internet Việt Nam và trên thế giới, là một nền tảng quan trọng để phát triển nền kinh tế số, hệ sinh thái số, công nghệ 4.0”, ông Nam khẳng định.