6G có ý nghĩa gì với bạn?

Hạnh Tâm | 05/04/2022 09:42
Theo dõi ICTVietnam trên

6G đã được nhắc đến nhiều trong thế giới công nghệ. Vậy công nghệ 6G thực sự là gì và khi nào sẽ trở thành hiện thực?

6G là thế hệ tiếp theo của 5G, nhưng 6G hiện vẫn chưa phải là một công nghệ hoạt động trong thực tế mà chỉ đang trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu.

Tốc độ của 6G sẽ như thế nào?

Chúng ta chưa biết 6G sẽ nhanh như thế nào nhưng ước tính nó nhanh hơn 5G khoảng 100 lần. Các tiêu chuẩn cuối cùng để xác định thế nào là kết nối 6G sẽ phụ thuộc vào Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). ITU đã hoàn thiện các tiêu chuẩn cho 5G (được gọi là IMT-2020) sau hơn 8 năm làm việc và bắt đầu một quy trình tương tự cho 6G.

Các chuyên gia đã không ngừng đưa ra các phán đoán 6G sẽ nhanh như thế nào. Một ý kiến của TS. Mahyar Shirvanimoghaddam từ Đại học Sydney được trang digitaltrends trích dẫn là 6G có thể đáp ứng tốc độ kinh ngạc 1TB/giây hoặc 8.000 gigabit/giây. Với tốc độ 6G như vậy, chỉ trong một giây, bạn có thể tải xuống 142 giờ phim Netflix.

6G sẽ có ý nghĩa gì với bạn?

Cũng như các thế hệ công nghệ di động mới, 6G dự kiến sẽ có tốc độ cao hơn, độ trễ thấp hơn và khối lượng băng thông lớn hơn. Theo đó, ô tô tự hành và máy bay không người lái... sẽ được cải tiến hơn nữa. 

Công ty viễn thông NTT DoCoMo của Nhật Bản cho rằng 6G làm cho "không gian mạng có thể hỗ trợ suy nghĩ và hành động của con người trong thời gian thực thông qua các thiết bị đeo và thiết bị siêu nhỏ gắn trên cơ thể".

6G cũng hỗ trợ khả năng tính toán tinh vi hơn. Nó giúp mở rộng cơ hội cho những công nghệ hiện đại như thực tế ảo (VR), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế tăng cường (AR) hay thực tế mở rộng (XR), cho phép tương tác giữa thế giới thực và thế giới ảo cùng lúc. 

Năng lượng tiêu thụ điện năng thấp và có thể sạc qua không khí và phạm vi phủ sóng có thể được mở rộng trên biển, thậm chí là ra ngoài không gian. Mạng 6G giúp các thiết bị hỗ trợ kết nối vạn vật IoT phổ biến hơn, kích thước nhỏ gọn hơn, có thể kết hợp công nghệ hình ảnh ba chiều, AI và XR để trải nghiệm thử đồ với trang phục ảo.

Đối với lĩnh vực y tế, 6G cho phép theo dõi thời gian thực những dấu ấn sinh học cũng như dữ liệu sức khỏe cá nhân. Dịch vụ sức khỏe sẽ dần được cá nhân hóa. Cảm biến đặt bên trong hay ngoài cơ thể sẽ ghi lại cụ thể hơn những sự thay đổi của con người để điều chỉnh lại chế độ ăn uống và dinh dưỡng cho phù hợp. 6G giúp cho việc cá nhân hóa trong điều trị từ xa nhanh chóng, thuận tiện và chính xác, chủ động hơn trong việc quản lý sức khỏe cũng như tinh thần của mọi người.

Trong lĩnh vực giáo dục, mạng 6G sẽ được sử dụng để ứng dụng đánh giá thời gian thực về khả năng học tập hay sở thích của học sinh. Từ đó giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp dạy và học sao cho phù hợp nhất, đồng thời cũng sẽ có nhiều hơn những phương tiện, dụng cụ học tập tiên tiến. Với AI, AR và công nghệ ảnh ba chiều mới sẽ góp phần tạo nên sự linh hoạt, hiệu quả và gắn kết trong môi trường trường học, giải quyết những bất cập khi học trực tuyến như hiện nay.

Những quốc gia nào trên thế giới đang nghiên cứu 6G?

Mạng 6G hứa hẹn sẽ số hoá và kết nối toàn thế giới. Hiện nhiều nước đã tiến hành nghiên cứu triển khai công nghệ mạng 6G:

Tại Trung Quốc, 6G bắt đầu được nghiên cứu vào năm 2018 và dự định tới năm 2029 sẽ ra mắt công chúng. Nhà mạng Trung Quốc China Mobile mới đây tuyên bố là sẽ thương mại hoá 6G vào năm 2030.

Hàn Quốc lên kế hoạch giới thiệu 6G vào năm 2026 với sự tham gia của LG, Samsung và SK Telecom. Hàn Quốc đầu tư vào kinh tế số, bao gồm cả 6G, lên tới 11,7 tỷ USD, dự kiến việc triển khai 6G có thể diễn ra sớm nhất vào năm 2028.

Nhật Bản đã nghiên cứu 6G với sự tham gia của Sony, NTT và Intel vào năm 2020 và dự định tung ra công nghệ kết nối thế hệ tiếp theo này vào năm 2030.

Đặc biệt, các nước châu Âu, với sự tham gia của Phần Lan, Đức, Anh và Nga đã bắt tay nghiên cứu 6G từ năm 2020.

Tại Mỹ, chính phủ liên bang đã công bố hợp tác với Hàn Quốc về nghiên cứu 6G vào năm 2021 nhưng một số nhà mạng Mỹ đang tiến tới sự phát triển 6G riêng. Ba nhà mạng lớn AT&T, Verizon và T-Mobile đang dẫn đầu một sáng kiến trong ngành với liên minh các giải pháp ngành viễn thông (ATIS) có tên là Next G Alliance ở Bắc Mỹ để giúp tổ chức và nghiên cứu sâu hơn về 6G. Vào tháng 5/2021, Next G Alliance đã bắt đầu một chương trình làm việc kỹ thuật để điều phối một loạt các nhóm làm việc mới với mục tiêu cụ thể là phát triển công nghệ 6G.

Theo dự đoán của Huawei, mạng 6G có thể được triển khai từ năm 2030. Trong khi đó, Ericsson cho rằng các tiêu chuẩn đầu tiên về mạng di động thế hệ thứ sáu sẽ có vào 2027.

Tại Việt Nam, Bộ TT&TT đã thành lập Ban chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ 6G ./.

Bài liên quan
  • Viễn cảnh truyền thông không dây 6G (Phần 2)
    Chúng ta đang tiến tới một xã hội dựa trên các hệ thống hoàn toàn tự động và quản lý từ xa. Sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng mới nổi như AI (trí tuệ nhân tạo), truyền thông 3D (3D media) và IoE (Internet of everything: Internet mọi thứ) đòi hỏi khối lượng lưu lượng rất lớn.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
6G có ý nghĩa gì với bạn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO