70 đội tham gia tranh tài tại cuộc thi “Sinh viên với An toàn thông tin 2018”

Minh Thiện| 03/11/2018 16:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Vòng thi Sơ khảo cuộc thi quốc gia “Sinh viên với An toàn thông tin 2018” diễn ra với sự tham gia của 31 cơ sở đào tạo đại học với 70 đội thi trên cả nước.

Vòng thi Sơ khảo cuộc thi quốc gia “Sinh viên với An toàn thông tin 2018” vừa khai mạc sáng nay, 03/11/2018, được tổ chức đồng thời tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Đến tham dự lễ khai mạc có Thiếu tướng Nguyễn Quý Khoát, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân - đại diện đơn vị đăng cai; Thiếu tướng Nguyễn Nam Hải, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; ông Vũ Quốc Thành – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNISA, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi; ông Nguyễn Huy Dũng – Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Ban Tổ chức; ông Tô Hồng Nam – Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Ban Tổ chức và đại diện lãnh đạo Cục CNTT – Bộ Quốc phòng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Học viện An ninh nhân dân.

Dưới sự bảo trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cuộc thi năm nay được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) tổ chức. Đây là năm thứ 11 cuộc thi quốc gia Sinh viên với An toàn thông tin được tổ chức tại Việt Nam, với quy mô toàn quốc.

Thiếu tướng Nguyễn Quý Khoát, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, chia sẻ: “Để đáp ứng sự tin tưởng của Ban tổ chức (BTC) cuộc thi khi chọn Học viện An ninh Nhân dân là đơn vị đăng cai khu vực phía Bắc, Ban Giám đốc Học viện đã chuẩn bị cơ sở vật chất và điều kiện tốt nhất theo yêu cầu của BTC. Học viện cũng lên kế hoạch, chỉ đạo đôn đốc các đơn vị chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi để cuộc thi diễn ra thành công”.

Thiếu tướng Nguyễn Quý Khoát, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, phát biểu tại Lễ khai mạc Cuộc thi

Thiếu tướng cũng cho biết thêm, bên cạnh các nghiệp vụ an ninh, để đáp ứng yêu cầu của ngành và xã hội, Học viện ANND đã tập trung đào tạo các ngành CNTT và ATTT. Sinh viên của Học viện luôn tích cực tham gia các cuộc thi và đạt các thành tích cao trong lĩnh vực CNTT: Giải Ba nội dung Lập trình viên quốc tế ACM/ICPC; giải Ba cá nhân Siêu cúp Olympic Tin học; Vô địch tin học văn phòng quốc gia và tham dự vòng chung kết tại Mỹ và được xếp vào top 10 đội mạnh nhất thế giới năm 2017. Cũng trong năm 2017, Học viện đạt giải Ba cuộc thi Sinh viên với ATTT.

Các vị khách mời và thí sinh tham dự Cuộc thi năm nay

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Quốc Thành cho biết: Cuộc thi nhằm phát hiện, bồi dưỡng tài năng và nâng cao nhận thức về ATTT cho sinh viên các Học viện, trường Đại học, qua đó khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, dạy - học và nâng cao nhận thức về ATTT trong các nhà trường. Cuộc thi góp phần thực hiện Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về ATANTT đến năm 2020” (Đề án 99, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/01/2014) và Đề án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về ATTT đến năm 2020” (Đề án 893, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19/6/2015). Đây là một hoạt động quan trọng thuộc khuôn khổ sự kiện thường niên “Ngày An toàn thông tin Việt Nam” hàng năm của VNISA.

Ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký VNISA, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, phát biểu khai mạc

Cuộc thi năm nay thu hút sự tham gia của 31 cơ sở đào tạo đại học với 70 đội thi: Tại miền Bắc có 31 đội  từ 12 trường, miền Trung có 09 đội từ 4 trường và miền Nam có 30 đội từ 15 trường. Cả vòng thi sơ khảo và Chung khảo đều được tổ chức thi tập trung, làm bài thực hành trực tuyến (online).

Từ tháng 7/2018, thông tin về cuộc thi đã được Ban tổ chức giới thiệu trên website sv-attt.vnisa.org.vn.  Đặc biệt năm nay, để hỗ trợ cho quá trình luyện thi tại các trường, Ban tổ chức đã phổ biến sớm Luật tính điểm thi và tạo kênh tương tác online để các chuyên gia ATTT kịp thời giải đáp thắc mắc của thí sinh liên quan tới quá trình chuẩn bị tham dự thi.

Vòng thi Sơ khảo đang diễn ra đồng thời ở cả 3 địa điểm: Hà Nội (tại Học viện An ninh Nhân dân), Đà Nẵng (tại Đại học Bách khoa – ĐH Đà Nẵng) và TP.Hồ Chí Minh (tại Đại học Công nghệ TP. HCM).

Vòng Sơ khảo khu vực miền Bắc là có sự góp mặt của 31 đội thi đến từ 12 trường, gồm: Học viện An ninh nhân dân (3 đội); Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (3 đội); Học viện Kỹ thuật Mật mã (3 đội); Học viện Kỹ thuật Quân sự (3 đội); Đại học Bách khoa Hà Nội (3 đội); Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội (3 đội); Đại học FPT (3 đội); Đại học CNTT-TT Thái Nguyên (2 đội); Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân (3 đội); Đại học Mỏ - Địa chất (3 đội); Viện Đại học mở Hà Nội (1 đội thi) và Đại học Công nghiệp Việt Trì (1 đội).

Đại diện BTC trao Chứng nhận tham dự Cuộc thi cho các đội khu vực phía Bắc

Vòng Sơ khảo tại khu vực miền Trung diễn ra ở Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng có 9 đội thi của 4 trường tham gia: 2 đội của Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng; 3 đội của Đại học Duy Tân; 2 đội của Đại học Thông tin Liên lạc Nha Trang; và 2 đội đến từ Đại học Quảng Bình.

Vòng Sơ khảo cuộc thi “Sinh viên với An toàn thông tin” 2018 khu vực miền Nam là cuộc tranh tài của 30 đội thi đến từ 15 trường. Với cuộc tranh tài tại khu vực miền Nam được tổ chức ở Đại học Công nghệ TP.HCM, vòng Sơ khảo cuộc thi “Sinh viên với An toàn thông tin” 2018 thu hút 30 đội thi đến từ 15 trường, đó là các trường: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - Cơ sở TP. HCM (3 đội); Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (2 đội); Đại học Công nghiệp TP. HCM (3 đội); Đại học Công nghệ TP. HCM (3 đội); Học viện kỹ thuật Mật mã - Cơ sở TP. HCM (2 đội); Đại học Bách khoa- Đại học Quốc gia TP. HCM (3 đội); Đại học Công nghệ Đồng Nai (1 đội); Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM (1 đội); Đại học CNTT- Đại học Quốc gia TP. HCM (3 đội); Đại học FPT TP. HCM ( 1 đội); Đại học Khoa học tự nhiên- Đại học Quốc gia TP.HCM (3 đội); Đại học Lạc Hồng (1 đội); Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. HCM (2 đội); Đại học Quốc tế Sài Gòn (01 đội); Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. HCM (1 đội).

Đại diện BTC và các thí sinh khu vực phía Bắc

Tại vòng Sơ khảo, các thí sinh làm bài thi trong thời gian 8 tiếng. Đề thi được xây dựng theo hình thức “Cướp cờ” (Capture The Flag - CTF), với dạng  đề Vượt qua thử thách theo chủ đề (jeopardy), tổ chức dưới mô hình trò chơi chiến tranh, tập trung vào hai kỹ năng tấn công và phòng thủ mạng .

Nội dung thi gồm: Pwnable (Khai thác lỗi phần mềm, buffer overflow, format string, shellcode ...); Reverse engineering (kỹ năng dịch ngược mã nguồn phần mềm, cách unpack các packer, mã hóa bảo vệ phần mềm); Web (Các kỹ thuật tấn công vào ứng dụng web); Network/Forensic (Điều tra, phân tích, truy vết các chứng cứ số); Crypto/ACM (Giải mật mã, tấn công các thuật toán mật mã, dùng kỹ năng lập trình/giải thuật để giải các trò chơi, mê cung ...).

Vòng thi Chung khảo sẽ được tổ chức vào ngày 17/11/2018  tại TP. Hồ Chí Minh với sự có mặt của 10 đội xuất sắc nhất Vòng thi Sơ khảo.

Lễ Tổng kết cuộc thi và trao Bằng khen của Bộ GDĐT cho các đội đoạt giải cao sẽ được tổ chức tại Hội thảo quốc tế “Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2018”, vào ngày 30/11/2018 tại  Khách sạn Lotte Hà Nội.

Năm nay, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel tiếp tục là đơn vị tài trợ chính của cuộc thi. Bên cạnh đó, công ty truyền thông Netnam và Viettel CHT tham gia đồng tài trợ hạ tầng kỹ thuật cho cuộc thi.

Cuộc thi quốc gia  Sinh viên với An toàn thông tin tiếp tục là sân chơi bổ ích và lành mạnh cho sinh viên thuộc chuyên ngành CNTT, ATTT, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học trong các trường đại học và thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực về ATTT có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
70 đội tham gia tranh tài tại cuộc thi “Sinh viên với An toàn thông tin 2018”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO