73% các nhà sản xuất lên kế hoạch đầu tư vào nhà máy thông minh trong năm 2021

Hoàng Linh| 28/12/2021 21:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Tiếp tục các hoạt động kết nối chia sẻ về nghiên cứu phát triển lĩnh vực viễn thông - CNTT - xử lý tín hiệu, hội thảo lần thứ 3 về "Công nghệ tiên tiến - Động lực cho chuyển đổi kỹ thuật số" đã được IEEE SPS Việt Nam (VN) phối hợp cùng trường Đại học (ĐH) Phenikaa và Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam (REV) tổ chức.

Phenikka đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, trao đổi

Theo ông Trần Đức Lai, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch REV, hội thảo được tổ chức với mục tiêu tăng cường sự tương tác, kết nối giữa các thành viên IEEE SPS-VN với các thành viên thuộc IEEE SPS trên toàn thế giới.

Ông Trần Đức Lai đánh giá cao Phenikaa là một trường mới được thành lập có một chiến lược phát triển đúng đắn trường là xây dựng tầm nhìn phấn đấu đạt được top 100 trường đại học tốt nhất châu Á trong một thời gian rất gần sắp tới. "REV đánh giá cao nỗ lực của Tập đoàn Phenikaa chỉ đạo xây dựng trường ĐH Phenikaa trở thành trường trải nghiệm, đa ngành, chuẩn quốc tế, bám sát nhu cầu của thị trường lao động Việt Nam và khu vực cho tới việc đầu tư khá lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tới thu hút nhân tài".

73% các nhà sản xuất lên kế hoạch đầu tư vào nhà máy thông minh trong năm 2021 - Ảnh 1.

Các đại biểu tại đầu cầu ĐH Phenikaa

Cho biết thêm về sự phát triển của Phenikaa, GS.TS. Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ với tầm nhìn trở thành cơ sở giáo dục ĐH quốc tế, ĐH Phenikaa đang từng bước xây dựng một môi trường học thuật theo hướng quốc tế hoá. Song song với việc đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và tăng cường các trao đổi với các sinh viên, giảng viên với các nước trong khu vực và quốc tế thì việc tổ chức các hội thảo khoa học như ngày hôm nay nhằm trao đổi chia sẻ kinh nghiệm giáo dục, kinh nghiệm nghiên cứu phát triển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của trường.

"Trường đã bước đầu thành công trong việc xây dựng mạng lưới đối tác đa lĩnh vực gồm các tập đoàn, doanh nghiệp (DN), các tổ chức giáo dục uy tín trong nước và quốc tế và đã đạt được những thành tựu ban đầu", GS.TS. Phạm Thành Huy khẳng định.

Cũng theo GS. TS. Phạm Thành Huy, năm 2021 được coi là năm hợp tác quốc tế thành công của trường ĐH Phenikaa, có gần 10 nhiệm vụ quốc tế đã được các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước tài trợ để thực hiện nghiên cứu. Trường cũng đã kết nối và tạo quan hệ bền vững với các tập đoàn, các DN nhằm đảm bảo cho sinh viên cơ hội trải nghiệm, học tập thực hành tại DN và sẵn sàng cho công tác thực tế khi ra trường. Trong năm nay, Phenikaa đã có những thỏa thuận với Viettel Networks, Qualcomm để xây dựng hạ tầng mạng 5G tại trường ĐH Phenikaa.

Nhà máy thông minhPhenikaa Electronics: dẫn đầu xu hướng sản xuất điện tử công nghệ cao

Chia sẻ với đông đảo các nhà khoa học, ông Nguyễn Hữu Chương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phenikaa cho biết những phát triển vượt bậc về công nghệ Internet vạn vật (IoT), quản lý dữ liệu và sản xuất trong các năm gần đây đã mở ra những tấm vé cơ hội cho các DN bước vào cánh cửa làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Một trong những thành tựu của cuộc cách mạng - mô hình nhà máy thông minh, được coi là đòn bẩy vững chắc cho bước chuyển mình của thị trường sản xuất công nghiệp nói riêng, và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Theo dữ liệu báo cáo của MarketsandMarkets™, 73% các nhà sản xuất đã và đang lên kế hoạch đầu tư vào công nghệ và mô hình nhà máy thông minh trong năm 2021. Như một điều tất yếu, nhà máy thông minh chính là xu hướng lựa chọn của các DN trong hành trình chuyển đổi số (CĐS) để hướng tới thành công trong thời đại 4.0.

Nhà máy Điện tử thông minh Phenikaa Electronics là đơn vị tiên phong đầu tư triển khai nhà máy thông minh trong ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử tại Việt Nam. Phenikaa Electronics áp dụng mô hình nhà máy thông minh hiện đại nhất hiện nay thông qua việc ứng dụng các công nghệ thông minh đồng bộ trong vận hành và quản lý: Hệ thống kiểm soát năng lượng thông minh Smart Energy, hệ thống an ninh bảo mật cao, sản xuất thông minh với hệ thống MES - PanaCim, robot vận chuyển thông minh và hệ thống quản trị nguồn lực DN ERP.

73% các nhà sản xuất lên kế hoạch đầu tư vào nhà máy thông minh trong năm 2021 - Ảnh 2.

Những lợi thế vượt trội của nhà máy thông minh trong quản trị điều hành, kiểm soát sản xuất, khai thác năng lượng hiệu quả,... sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh dài hạn và tạo giá trị gia tăng cho các khách hàng và đối tác của Phenikaa. Sự ra đời của nhà máy là hiện thực hóa tầm nhìn CĐS toàn diện của Tập đoàn.

Cũng theo chia sẻ của ông Chương, hiện nhà máy đã xây dựng xong và đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư là 700 tỷ đồng và khoảng 600 nhân sự. Các năng lực nổi trội của nhà máy gồm tích hợp tất cả các tiêu chuẩn ISO của toàn cầu như ISO 9000, ISO 14000, ISO 45000 và SA 8000. Hiện nay, nhà máy đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống quản trị nguồn lực cấp DN ERP của SAP, một trong những hệ thống quản trị hàng đầu của thế giới trên nền tảng số, nhằm đảm bảo cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng và tin cậy. Bên cạnh đó là những hệ thống phòng lab tiêu chuẩn, trang bị đầy đủ các thiết bị đo kiểm của các hãng hàng đầu trên thế giới và dây chuyền sản xuất đến từ những thương hiệu hàng đầu từ Mỹ, Nhật Bản kết nối đồng bộ toàn hệ thống.

Ứng dụng UAV trong phòng chống thiên tai, thảm hoạ

Tham luận chính tại Hội nghị, GS. Dương Quang Trung - IEEE Fellow, Queen's Belfast (Vương quốc Anh) đã giới thiệu trạm cơ sở bay hỗ trợ cho truyền thông khi khắc phục và cứu trợ thảm họa.

Thiên tai đang tạo ra thách thức lớn cho nền tảng công nghệ không dây và cơ sở hạ tầng hiện tại trong việc đáp ứng nhu cầu kết nối. GS. Dương Quang Trung giới thiệu việc sử dụng các máy bay không người lái thông dụng (UAV), hay còn gọi là máy bay không người lái giá rẻ, để phục vụ như các trạm cơ sở bay để hỗ trợ cứu trợ thảm họa trong các điều kiện khó khăn như hệ thống cơ sở mạng bị tắc nghẽn/bị phá hủy hoặc thiếu nguồn cung cấp điện.

73% các nhà sản xuất lên kế hoạch đầu tư vào nhà máy thông minh trong năm 2021 - Ảnh 3.

Các UAV bay trên khu vực bị ảnh hưởng (đóng vai trò là xương sống kết nối giao tiếp khu vực thiên tai với các đơn vị kiểm soát trung tâm) có thể giúp những người ứng phó đầu tiên đánh giá mức độ nghiêm trọng, nhằm đưa ra một kịch bản khắc phục và cứu trợ thảm họa, chẳng hạn như hậu quả của lũ lụt, bão và động đất.

Tuy nhiên, có 2 thách thức liên quan đến việc sử dụng UAV. Đầu tiên là thiết bị, thời gian bay trên không của UAV bị giới hạn bởi dung lượng pin của chúng, trong khi đó lại rất cần sự hỗ trợ một cách tích cực trong những thời gian đầu tiên khi xảy ra thảm họa. Do đó, tài nguyên (bao gồm công suất, băng thông) được phân bổ cho mỗi UAV phải được tối ưu hóa một cách tốt nhất.

Hơn nữa, việc tối ưu hóa tài nguyên vô tuyến cho UAV như một mạng lưới để cung cấp phạm vi phủ sóng đầy đủ cho khu vực thiên tai là rất quan trọng. Khi môi trường thiên tai thay đổi nhanh chóng, các phương pháp truyền thông không dây truyền thống thường tốn kém và cực kỳ tốn thời gian, không giải quyết được triệt để vấn đề này, đó vẫn là một trong những thách thức lớn nhất trong kỹ thuật truyền thông.

GS. Dương Quang Trung cho biết khả năng ứng dụng UAV không chỉ trong thiên tai mà cho cả nhà máy lớn vì đòi hỏi truyền dữ liệu rất lớn, thay vì xử lý tập trung thì UAV có thể giúp xử lý dữ liệu phân tán.

Cũng tại hội thảo, GS. Dương Quang Trung cũng chia sẻ nghiên cứu của ông về công nghệ 6G có thể tạo ra một tương lai mang lại lợi ích cho việc chẩn đoán, phẫu thuật y tế từ xa, sử dụng xe tự lái, công nghệ thực tế ảo và tăng cường cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe, giải trí.

6G không chỉ tập trung vào tốc độ dữ liệu nhanh hơn mà còn đề cao khả năng kết nối, liên kết số lượng lớn các thiết bị tự động. 6G sẽ giải quyết nhu cầu cụ thể của các thiết bị Internet của vạn vật (IoT) bằng cách đạt hai mục tiêu: duy trì độ tin cậy cực cao (99,999%) của 5G và giảm thiểu quá trình kết nối chậm giữa thời gian truyền và nhận dữ liệu.

GS. Dương Quang Trung (IEE Fellow) là chủ tịch hội đồng giáo sư khoa viễn thông tại ĐH Queen's University Belfast và chức danh danh giá Chủ tịch nghiên cứu của Viện Hàn lâm kỹ thuật Hoàng Gia, Vương quốc Anh. Các nghiên cứu hiện tại của ông bao gồm truyền thông không dây, xử lý tín hiệu, học máy.

GS Dương Quang Trung đã giành được nhiều giải thưởng danh giá. Trong số này, ông giành được giải thưởng Research Fellowship của Hội Khoa học Hoàng Gia Anh Quốc (2015-2020) và giải thưởng danh giá Newton Prize 2017.

Với bề dày nghiên cứu, đóng góp cho nền khoa học nhân loại trong nhiều năm, ông đã xuất bản hơn 400 công trình nghiên cứu khoa học bao gồm sách, chương sách, bài báo tạp trí, bài báo hội nghị với tổng số trích dẫn khoảng 13500 cùng chỉ số đo mức độ ảnh hưởng (h-index) là 63.

Ông đã nhiều lần được trao giải bài báo xuất sắc nhất (Best Paper Award) tại hội nghị the IEEE Vehicular Technology Conference (VTC-Spring) năm 2013. IEEE International Conference on Communications (ICC) 2014, IEEE Global Communications Conference (GLOBECOM) 2016, IEEE Digital Signal Processing Conference (DSP) 2017, and GLOBECOM 2019.

Hiện tại ông là thành viên cao cấp nhất của Hiệp hội kỹ sư điện và điện tử IEEE và đảm nhiệm vai trò Tổng biên tập của tạp chí uy tín IEEE Communications Letters./.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
73% các nhà sản xuất lên kế hoạch đầu tư vào nhà máy thông minh trong năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO