AI và 5G đang làm bùng nổ cáp quang
Sự bùng nổ của trung tâm dữ liệu tại Ấn Độ đang được thúc đẩy bởi AI, 5G. Việc áp dụng điện toán đám mây và phát triển kinh tế số tăng cao đang thúc đẩy nhu cầu về cáp quang tăng trưởng.
Sự bùng nổ của thị trường trung tâm dữ liệu (TTDL) đang dẫn đến sự tăng trưởng chưa từng có trong lĩnh vực cáp quang tại Ấn Độ. Theo báo cáo gần đây của công ty tư vấn vấn bất động sản CBRE, công suất TTDL của Ấn Độ có khả năng tăng từ 950 MW lên 1.800 MW vào năm 2026.
Cũng theo báo cáo, sau Ấn Độ, Nhật Bản ghi nhận công suất TTDL cao thứ hai với 892 MW, tiếp theo là Australia với 773 MW, Singapore với 718 Mw, Hồng Kông với 613 Mw và Hàn Quốc với 531 MW.

Điều gì thúc đẩy sự tăng trưởng của TTDL?
Một trong những lý do chính thúc đẩy sự tăng trưởng của cơ sở hạ tầng TTDL là sự phổ biến ngày càng tăng của các công cụ và ứng dụng AI, gián tiếp dẫn đến sự tăng trưởng của ngành cáp quang.
"Các TTDL do AI thúc đẩy yêu cầu mật độ cáp quang cao hơn 70% so với các TTDL truyền thống do nhu cầu truyền dữ liệu tốc độ cao giữa các máy chủ, thiết bị lưu trữ và mạng và sự gia tăng của các mô hình AI phân tán, dựa trên kết nối liền mạch trên nhiều node", TS. Badri Gomatam, Giám đốc công nghệ tập đoàn tại STL, một trong những công ty giải pháp quang học và kỹ thuật số lớn nhất Ấn Độ, cho biết. Công ty đang đạt mục tiêu khoảng 25% doanh thu của mình đến từ các sản phẩm TTDL và doanh nghiệp (DN) trong trung hạn.
Các ứng dụng AI, đặc biệt là các ứng dụng liên quan đến học máy và học sâu, đòi hỏi sức mạnh tính toán cao hơn và điều này đã dẫn đến sự chuyển dịch sang các TTDL được tối ưu hóa bằng AI có thể xử lý khối lượng công việc phức tạp.
"Cơ sở hạ tầng AI bao gồm các TTDL cung cấp khả năng tính toán hiệu suất cao được hỗ trợ bởi bộ xử lý đồ họa (GPU), kết nối băng thông cao bên trong và giữa các TTDL được hỗ trợ bởi cáp quang và lưu trữ cần thiết là những yếu tố chính quyết định sự thành công của việc áp dụng AI tại Ấn Độ. Các TTDL AI hiện đại được kết nối bằng cáp quang và động thái thúc đẩy AI của Ấn Độ là lý do chính khiến nhu cầu về cáp quang tăng lên", Aniruddha Chakrabarti, Đối tác về AI và đám mây tại Grant Thornton Bharat cho biết.
"Các ứng dụng AI đòi hỏi phải xử lý dữ liệu lớn và phân tích thời gian thực, dẫn đến việc mở rộng các TTDL để xử lý khối lượng công việc. Kết nối tốc độ cao rất quan trọng đối với các công cụ do AI điều khiển này và cáp quang cung cấp băng thông cần thiết và độ trễ thấp", Arun Menon, nhà phân tích chính tại MTN Consulting cho biết.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng AI tại Ấn Độ đang được đầu tư đáng kể, đáng chú ý là khoản đầu tư của Reliance Industries vào việc xây dựng một TTDL AI 3GW tại Jamnagar ở Tây Ấn Độ.
Ngoài ra, gần đây Microsoft đã công bố sẽ chi 3 tỷ USD để thúc đẩy cơ sở hạ tầng AI và đám mây tại nước này. Gã khổng lồ công nghệ AWS (Amazon Web Services), cũng tiết lộ kế hoạch đầu tư 8,3 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng đám mây tại Mumbai. AWS cũng đang đầu tư 600 tỷ INR (6,9 tỷ USD) để xây dựng các TTDL tại Hyderabad ở Nam Ấn Độ. Sify, CtrlS và STT Global là những công ty khác đang mở rộng sự hiện diện của TTDL tại quốc gia này.
"Ước tính nhu cầu cáp quang của Ấn Độ sẽ tăng gấp 3 lần lên 60 triệu km cáp quang mỗi năm trong những năm tới, với 490 triệu thuê bao 5G và 100 triệu ngôi nhà được kết nối cáp quang vào năm 2030. Khi khả năng kết nối liền mạch trở nên quan trọng đối với các TTDL, nhu cầu về cơ sở hạ tầng cáp quang tốc độ cao, tin cậy đang tăng vọt", Naivedya Agarwal, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Runaya cho biết. Công ty đang mở rộng quy mô sản xuất nhựa composite gia cường sợi (FRP), một thành phần được sử dụng trong cáp quang để hỗ trợ sự tăng trưởng này.

Với sự xuất hiện gần đây của DeepSeek tại Trung Quốc, không rõ liệu sự gia tăng này có tiếp tục với tốc độ hiện tại hay không. Mặc dù vậy, có sự đồng thuận chung rằng khi việc ứng dụng AI tăng lên, nhu cầu về các TTDL sẽ tiếp tục không ngừng.
Ngoài AI, nền kinh tế số đang bùng nổ của Ấn Độ cũng là một yếu tố đóng góp. "Nhu cầu dữ liệu di động ngày càng tăng đòi hỏi phải tăng cường truyền dữ liệu ngược từ các trạm BTS, vốn phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng cáp quang. Ngoài ra, các DN cần băng thông cao hơn để hỗ trợ các ứng dụng và dịch vụ đám mây, dẫn đến nhiều kết nối cáp quang hơn cho các DN", Kunal Bajaj, CEO kiêm đồng sáng lập của CloudExtel, một nhà cung cấp mạng dưới dạng dịch vụ (NaaS), giải thích.
"Mạng cáp quang đến tận nhà (FTTH) đang mở rộng cũng đòi hỏi phải triển khai cáp quang", ông Kunal Bajaj nói thêm. Dựa trên sự tăng trưởng này, CloudExtel có kế hoạch tăng diện tích cáp quang của mình ít nhất 40% trong năm nay từ 10.000 km hiện có.
Hai nhà mạng hàng đầu của Ấn Độ, Reliance Jio và Bharti Airtel, cũng đang tập trung vào việc triển khai cáp quang. Airtel đã triển khai 55.982 Rkm trong năm tài chính 2023 - 2024 và tính đến tháng 12/2024, nhà mạng này đã triển khai 47.100 km trong năm tài chính hiện tại.
Các sáng kiến của chính phủ nhằm hỗ trợ mở rộng cơ sở hạ tầng số
Một số sáng kiến của chính phủ, Digital India và National Broadband Mission, đang đóng vai trò trong việc mở rộng cơ sở hạ tầng số trong nước, do đó thúc đẩy sự phát triển của ngành cáp quang. Trong ngân sách nhà nước gần đây, chính phủ Ấn Độ đã phân bổ 20 tỷ INR (230 triệu USD) cho sứ mệnh IndiaAI, sẽ được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng AI và TTDL, bao gồm GPU, TTDL AI và kết nối.
Ngoài sự bùng nổ của TTDL, hệ sinh thái 5G đang phát triển cũng đang góp phần vào sự phát triển của cáp quang. "Thành công của 5G phụ thuộc vào đường trục cáp quang lõi mạnh mẽ. Nếu không có đủ cáp quang, Ấn Độ có nguy cơ không tận dụng hết tiềm năng 5G và làm chậm nền kinh tế số của mình", TS. Gomatam của STL cho biết.
Việc thiếu kết nối cáp quang hạn chế sự phát triển của nền kinh tế số của Ấn Độ. "Tỷ lệ thâm nhập cáp quang thấp dẫn đến tình trạng nghẽn mạng, tốc độ Internet chậm hơn và kết nối không tin cậy, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và bán thành thị. Nếu không có đủ cáp quang, Ấn Độ có nguy cơ tụt hậu trong khả năng cạnh tranh số toàn cầu", Menon của MTN Consulting cho biết.
Mạng cáp quang đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo phủ sóng rộng 5G, các dịch vụ đám mây và công nghệ đòi hỏi Internet tốc độ cao. "Việc thiếu hụt đường cáp quang đang gây ra rào cản đối với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng TTDL để phát triển AI tại Ấn Độ, làm chậm quá trình phát triển, đào tạo và suy luận các mô hình nền tảng, cản trở tốc độ Internet cần thiết để triển khai 5G trên khắp Ấn Độ và làm chậm quá trình chuyển đổi số ở các vùng nông thôn", Chakrabarti của Grant Thornton Bharat cho biết./.