AI và câu chuyện Make in Vietnam
Việt Nam đang dần nắm bắt tiềm năng và cố gắng phát triển ngành công nghiệp AI để đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.
AI đang ngày càng phổ cập
AI là một công nghệ đột phá, với tiềm năng to lớn, công nghệ này đã được ứng dụng trong rất nhiều ngành, lĩnh vực tại Việt Nam. Trong lĩnh vực ngân hàng, với việc ứng dụng AI, các ngân hàng đang ngày càng đổi mới mô hình kinh doanh và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Trợ lý AI như chatbot để đưa ra lời khuyên tài chính được cá nhân hóa và xử lý ngôn ngữ tự nhiên nhằm cung cấp dịch vụ khách hàng tự phục vụ. Ngân hàng cũng sử dụng định danh điện tử (eKYC) để xác thực, hay sử dụng máy học (machine learning) để xây dựng các mô hình dự báo chính xác và nhanh chóng hơn.
Trong lĩnh vực y tế, giai đoạn Covid-19 vừa qua, các trợ lý AI (voice bot) đã thực hiện hàng triệu cuộc gọi, hỗ trợ ngành y kiểm soát, sàng lọc và truy vết các ca nhiễm. Trong giáo dục, thương mại, AI được ứng dụng để đa dạng hóa cách truyền tải nội dung, cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm... AI đang được ứng dụng mạnh mẽ tại nhiều ngành công nghiệp khác nhau tại Việt Nam. Trong lĩnh vực y tế, VinBigData đã sử dụng AI (VinDr) để trợ giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh tốt hơn. Trong lĩnh vực công, nhiều tỉnh thành đã sử dụng công nghệ nhận dạng hình ảnh để định danh khách hàng và tự động hóa dịch vụ công. Mới đây, quận Cầu Giấy (Hà Nội) ra mắt chatbot dựa trên công nghệ ChatGPT để giúp công dân hỏi đáp các thủ tục hành chính của quận.
Các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển AI trong nhiều năm qua. Trung Quốc đã đưa ra một chiến lược quốc gia về AI và tạo ra một số công ty công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã đạt được tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực ứng dụng AI như xe tự hành, robot và các ứng dụng trong y tế và công nghiệp...
Vạn sự khởi đầu nan
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để có thể phát triển trí tuệ nhân tạo khi được Chính phủ quan tâm và có những chính sách hỗ trợ đầu tư và phát triển. Việt Nam có nền tảng công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, với hàng loạt các công ty khởi nghiệp công nghệ đang nổi lên, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Việt Nam có dân số trẻ, nguồn lao động chất lượng cao dồi dào rất quan tâm đến việc học tập và làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Các trường đại học hàng đầu Việt Nam như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM đều đã có những ngành đào tạo chuyên ngành về trí tuệ nhân tạo. Với đội ngũ nhân lực trẻ có nền tảng toán học và kỹ thuật tốt, cùng với sự hỗ trợ và khích lệ thích hợp từ phía Chính phủ, Việt Nam hoàn toàn có thể bắt kịp các nước khác trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam có đủ nguồn lực tương lai trong việc phát triển AI sâu rộng trong các ngành công nghiệp và nhiều lĩnh vực.
Việc triển khai trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức, như hạn chế về nguồn vốn và pháp lý, bảo mật thông tin, thiếu nhân lực chuyên môn, thiếu sự đầu tư một cách hệ thống về cơ sở hạ tầng công nghệ, thiếu sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và Chính phủ. Nguồn lực chuyên gia về AI còn chưa đủ chín, số lượng chuyên gia AI có kỹ năng và kinh nghiệm đủ để triển khai các dự án lớn vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, để phát triển và ứng dụng được trí tuệ nhân tạo vào đời sống cũng như các lĩnh vực một cách sâu rộng, cần nguồn vốn lớn. Cần có sự đầu tư quy mô và toàn diện về cơ sở hạ tầng công nghệ để triển khai trí tuệ nhân tạo, về nghiên cứu khoa học cũng như những đầu tư cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Việc áp dụng AI đặt ra nhiều vấn đề về quyền riêng tư, an ninh thông tin và trách nhiệm pháp lý. Việt Nam cần thiết lập các quy định pháp lý và khung chính sách rõ ràng để bảo vệ quyền riêng tư và đảm bảo an toàn thông tin. Ứng dụng AI một cách hiệu quả là một bài toán khó cho hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đa số các doanh nghiệp chưa chuẩn bị dữ liệu sẵn sàng đã đầu tư vào đội ngũ khoa học dữ liệu lớn, dẫn đến việc triển khai thiếu hiệu quả và tốn kém.
Theo Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022 cho biết Việt Nam được xếp hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia 29, Thái Lan 31. Chỉ số này được tổng hợp từ 39 tiêu chí trong 3 nhóm cơ bản: Chính sách của Chính phủ; Lĩnh vực công nghệ và Hạ tầng dữ liệu.