Theo đó, Alibaba đang xây dựng một trung tâm số hóa tại các tỉnh phía đông của Thái Lan, nhằm tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Thái Lan, đồng thời mở rộng hoạt động của Tập đoàn này tại khu vực Đông Nam Á. Việc này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình số hóa tại Thái Lan.
Khi đi vào hoạt động vào năm 2019, trung tâm số hóa, nằm trong Hành lang kinh tế phía Đông Thái Lan bao gồm 3 tỉnh là Chachoengsao, Chonburi và Rayong, sẽ sử dụng mạng logistic thông minh Cainiao của Alibaba và các công nghệ như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo để số hóa các thủ tục hải quan. Là một nền tảng mở, trung tâm số này sẽ cho phép các công ty Thái Lan cung cấp dịch vụ trong nền kinh tế số Thái Lan, được dự kiến sẽ đạt 37 tỷ USD vào năm 2025.
Ông Jack Ma, Chủ tịch điều hành của Tập đoàn Alibaba cho biết Trung Quốc đang trở thành nước tiêu thụ lớn nhất thế giới, do thu nhập gia tăng và sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu. Theo ông, không có thời điểm nào tốt hơn cho các quốc gia có định hướng phát triển thương mại như Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc, đây sẽ là cơ hội để tiếp tục mở rộng thương mại toàn cầu.
“Các sản phẩm nông nghiệp chất lượng của Thái Lan như gạo thơm, sầu riêng và các loại trái cây nhiệt đới khác đặc biệt được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng… Với những thế mạnh riêng về văn hóa và con người, chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng và tương lai của quốc gia này”, ông Jack Ma nhấn mạnh.
Được mệnh danh là “con hổ” của Đông Nam Á, nền kinh tế Thái Lan đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong ba thập kỷ qua. Với chiến lược tăng trưởng tập trung vào xuất khẩu, đặc biệt là ô tô, GDP của Thái Lan đã tăng hơn 12 lần, từ 32,4 tỷ USD năm 1980 lên 406,8 tỷ USD năm 2016.
Tuy nhiên, giống như hầu hết các quốc gia Đông Nam Á khác, phần lớn sự tăng trưởng này là do nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty đa quốc gia. Điều này không chỉ giúp các quốc gia trong khu vực phát triển mà còn thúc đẩy sự đổi mới, đặc biệt là tại Thái Lan, nơi mà nền kinh tế chịu tác động lớn từ sự bất ổn chính trị trong những năm gần đây.
Để đạt được mục tiêu đó, Chính phủ Thái Lan đã đề ra chiến lược kinh tế “Thái Lan 4.0”, nhằm phát triển ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao thông qua biện pháp sáng tạo và công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi nâng cấp ngành công nghiệp và phát triển mô hình kinh tế mới của Thái Lan, tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp chủ chốt như công nghệ sinh học, ô tô và nông nghiệp.
Ông Somkid Jatusripitak, Phó Thủ tướng Thái Lan, xem trung tâm số của Alibaba là nền tảng quan trọng sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và người nông dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số tương lai tại Thái Lan.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp Thái Lan trong nền kinh tế số, Alibaba sẽ làm việc với các cơ quan chính phủ Thái Lan và Trường kinh doanh Alibaba để trang bị cho các SME tại các khu vực nông thôn và các doanh nhân những kỹ năng cần thiết để phát triển kinh doanh trực tuyến.
Bên cạnh đó, Ant Financial, công ty tài chính của Tập đoàn Alibaba, cũng đang thảo luận với chính quyền Thái Lan để giúp khách du lịch Trung Quốc nộp đơn xin visa du lịch dễ dàng hơn cũng như nhận lại tiền hoàn thuế du lịch thông qua Alipay, một dịch vụ thanh toán số cảu Alibaba. Điều này được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều khách du lịch Trung Quốc đến Thái Lan hơn, qua đó tăng doanh thu từ du lịch của quốc gia này (chiếm hơn 20% GDP trong năm 2016)
Ngoài Thái Lan, Alibaba cũng đang có mặt tại Malaysia và Indonesia. Năm 2017, Alibaba đã thiết lập một sàn giao dịch điện tử và trung tâm dữ liệu tại Malaysia cũng như một khu thương mại tự do số đặt gần Sân bay quốc tế Kuala Lumpur.
Cũng ngay trong đầu tháng 3/2018, Alibaba Cloud, công ty điện toán đám mây của Alibaba, đã mở cửa trung tâm dữ liệu đầu tiên ở Indonesia, với Tokopedia, GTech Digital Asia, Dwidaya Tour và Yogrt là những khách hàng Indonesia đầu tiên.