Ấn Độ chịu áp lực quốc tế giải phóng tần số 6GHz cho 5G
Hiệp hội hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA) kêu gọi các cơ quan Ấn Độ đưa băng tần 6GHz vào kế hoạch phân bổ tần số quốc gia để hỗ trợ tăng trưởng 5G. Hiện nay, nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đã có kế hoạch sử dụng băng tần này cho 5G.
Các cơ quan Ấn Độ đang chịu áp lực quốc tế ngày càng tăng để đảm bảo băng tần 6GHz được sử dụng cho các dịch vụ 5G trong tương lai.
GSMA đã gửi thư cho Cục Viễn thông Ấn Độ (DoT) kêu gọi cơ quan này đưa các tần số từ 6,425GHz đến 7,125GHz vào sử dụng cho 5G trong Kế hoạch phân bổ tần số quốc gia (NFAP) của nước này.
“Kết nối di động đóng một vai trò quan trọng trong “Tầm nhìn Bharat 6G” (Bharat 6G Vision) của Ấn Độ, đồng thời khả năng kết nối và năng lực di động nâng cao được hỗ trợ bởi băng tần 6GHz sẽ đặt nền móng cho tiến bộ toàn diện và dựa trên công nghệ mà Thủ tướng Ấn Độ đặt ra trong giai đoạn chính phủ mới 2025 - 2030”, Jeanette Whyte, người đứng đầu chính sách công của GSMA cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), cho biết trong thư gửi DoT, theo các phương tiện truyền thông đưa tin.
GSMA đại diện cho hơn 1.000 công ty, nhà mạng viễn thông trên toàn thế giới, bao gồm Reliance Jio của Ấn Độ, Bharti Airtel và Vodafone Idea. Khi nhu cầu 5G ở Ấn Độ tăng lên, các nhà mạng sẽ cần thêm phổ tần để đảm bảo hiệu suất, GSMA lập luận.
Hai nhà mạng Jio và Airtel đã ra mắt dịch vụ 5G vào tháng 10/2022 và Ấn Độ hiện có khoảng 131 triệu thuê bao 5G, theo báo cáo Chỉ số băng thông rộng di động Nokia (Nokia Mobile Broadband Index) năm 2024 được công bố gần đây. Cho đến nay, chi phí điện thoại thông minh cao và việc thiếu các dịch vụ 5G cụ thể được cho là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sử dụng 5G tương đối thấp.
Ấn Độ cho biết cuộc đấu giá phổ tần 5G sẽ bắt đầu vào tháng 5 năm nay. Tuy nhiên, phổ tần 6GHz sẽ không được đưa vào phiên đấu giá sắp tới.
GSMA được hỗ trợ bởi Hiệp hội các nhà mạng Ấn Độ (COAI), tổ chức này cũng đã thúc giục DoT phân bổ phổ tần 6GHz cho các dịch vụ di động.
Reliance Jio, nhà mạng lớn nhất Ấn Độ, cho biết khi phản hồi một tài liệu tham vấn do cơ quan quản lý Ấn Độ đưa ra:“Ngoài tất cả các dải phổ đã được bán đấu giá và các kế hoạch bán đấu giá phổ E-Band và V-Band, cơ quan chức năng cũng nên có kế hoạch bán đấu giá băng tần 6GHz, băng tần C đầy đủ và băng tần 28GHz (trên cơ sở sử dụng linh hoạt). Chúng tôi đệ trình rằng tất cả phổ tần mục tiêu IMT được xác định và IMT phải được cung cấp cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông”.
Năm ngoái, tại Hội nghị Thông tin Vô tuyến Thế giới (WRC-23) ở Dubai, ITU đã xác định phổ tần ở băng tần 6GHz được bổ sung cho các dịch vụ di động.
Thông cáo báo chí của GSMA đưa ra năm ngoái cho biết: “Quyết định của WRC-23 nhằm hài hòa băng tần 6GHz ở mọi khu vực của ITU là một cột mốc quan trọng, đưa hàng tỷ người vào vùng phủ sóng di động 6GHz hài hòa”.
Ấn Độ chỉ ấn định 500 MHz của phổ tần trung cho các nhà mạng của mình - thấp hơn nhiều so với mức 2GHz được GSMA khuyến nghị trong khung thời gian từ 2025 - 2030. Nhóm vận động hành lang tin rằng việc đưa vào 6GHz sẽ giải quyết được sự thiếu hụt.
Chính sách dành cho 6GHz khác nhau giữa các quốc gia. Chẳng hạn, Hoa Kỳ đã hủy cấp phép phổ tần này, trong khi các quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc, Bangladesh và Việt Nam, có kế hoạch sử dụng phổ tần này cho 5G. Ở Ấn Độ, phổ tần 6GHz hiện đang được Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) sử dụng./.