WRC 2023: Các quyết định đột phá hỗ trợ chia sẻ phổ tần, đổi mới công nghệ
Hội nghị Thông tin Vô tuyến Thế giới (WRC) năm 2023 đã đưa ra lộ trình rõ ràng để các dịch vụ di động như 5G và 6G tiếp tục phát triển và mở rộng vì lợi ích của hàng tỷ người trên toàn cầu.
Hội nghị Thông tin Vô tuyến Thế giới (WRC) được tổ chức 3-4 năm/ lần để xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định của Thể lệ vô tuyến điện quốc tế quản lý việc sử dụng phổ tần số vô tuyến, quỹ đạo vệ tinh trên toàn cầu. Hội nghị WRC-23 được tổ chức từ ngày 20/11/2023 - 15/12/2023 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) với sự tham gia trực tiếp của khoảng 4000 đại biểu, trong đó có 88 đại biểu cấp Bộ trưởng, đến từ 163 quốc gia và các tổ chức quốc tế.
Hội nghị nhận được tổng cộng 555 tài liệu đề xuất cho các nội dung nghị sự, trong đó đoàn Việt Nam đóng góp 7 tài liệu đề xuất (đứng thứ 11 ở châu Á và thứ 3 ở ASEAN về số lượng đề xuất) về các nội dung liên quan đến tần số cho thông tin di động 4G/5G và 6G trong tương lai, thông tin vệ tinh, thông tin hàng không.
Hội nghị WRC-23 xác định các tài nguyên phổ tần mới để hỗ trợ đổi mới công nghệ, tăng cường kết nối toàn cầu, tăng khả năng tiếp cận và sử dụng hợp lý các tài nguyên vô tuyến trên không gian, đồng thời tăng cường cho thông tin an toàn cứu nạn trên biển, trên không và trên đất liền. Kết quả đạt được tại WRC-23 minh chứng cho tinh thần hợp tác và thỏa hiệp không ngừng nghỉ giữa tất cả các quốc gia thành viên của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tạo ra môi trường pháp lý ổn định, rõ ràng đảm bảo cho sự phát triển các dịch vụ thông tin vô tuyến mới cho tất cả các lĩnh vực.
Các quyết định quan trọng của WRC-23
Môt trong số các quyết định quan trọng của WRC-23 là xác định băng tần cho di động IMT hay còn gọi là 4G/5G và 6G trong tương lai (Hình 1). Các băng tần này có vai trò rất quan trọng để mở rộng kết nối vô tuyến băng thông rộng và phát triển các dịch vụ di động IMT (5G/6G) bao gồm: băng tần 610 - 694 MHz, 3300 - 3400 MHz, 3600-3800 MHz, 4800 - 4990 MHz, 6425-7125 MHz và 10 - 10,5 GHz ở các khu vực và nhiều quốc gia khác nhau.
WRC-23 cũng xác định điều kiện sử dụng các băng tần đã quy hoạch cho di động IMT trong dải từ 700 MHz đến 2,6 GHz để sử dụng các trạm gốc IMT đặt trên tầng cao khí quyển (hay còn gọi là trạm HIBS- HAPS as IMT Base Stations) (Hình 2). Giải pháp HIBS đem đến một nền tảng mới để cung cấp băng rộng di động với cơ sở hạ tầng tối thiểu sử dụng cùng tần số và thiết bị như mạng di động IMT mặt đất. Giải pháp HIBS có thể góp phần thu hẹp khoảng cách số ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng như có thể duy trì kết nối băng rộng cho các khu vực xảy ra thảm họa.
Đối với các đài trái đất đặt trên các phương tiện di động (còn được gọi là ESIM - Earth Stations in Motion) kết nối với vệ tinh địa tĩnh (GSO) ở băng tần Ku và vệ tinh phi địa tĩnh (LEO, MEO) ở băng tần Ka, hội nghị đã xác định các tần số sử dụng để cung cấp băng rộng tốc độ cao trên tàu bay, tàu biển.
Để hỗ trợ hiện đại hóa Hệ thống an toàn và cứu nạn hàng hải toàn cầu (GMDSS- Global Maritime Distress and Safety System), hội nghị WRC-23 đã xây dựng các quy định gồm cho việc triển khai một loạt hệ thống để tăng cường thông tin liên lạc an toàn và cứu nạn trên biển như hệ thống dẫn đường điện tử (eNAV), hệ thống phát tin an toàn hàng hải kỹ thuật số (NAVDAT), hệ thống nhận dạng tàu biển tự động (AIS), phao chỉ báo vị trí sử dụng kỹ thuật AIS (EPIRB-AIS), thiết bị phát báo tìm kiếm cứu nạn sử dụng kỹ thuật AIS (AIS-SART) và hệ thống thông tin kết nối tự động băng tần HF (ACS).
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng tạm thời công nhận Hệ thống dịch vụ nhắn tin vệ tinh BeiDou như là một thành phần trong GMDSS với vùng dịch vụ hạn chế (chủ yếu vùng biển quanh Trung Quốc) kèm theo điều kiện phải hoàn thành thành phối hợp với các mạng vệ tinh liên quan hiện có và phải loại bỏ được ngay lập tức can nhiễu nếu xảy ra.
WRC-23 cũng đạt được đồng thuận để quy hoạch băng tần 117,975 - 137 MHz cho hệ thống di động hàng không (R) qua vệ tinh, giúp bổ sung thêm kênh liên lạc hai chiều thông qua vệ tinh phi địa tĩnh cho an toàn bay, điều hành bay ở khắp mọi nơi, đặc biệt là trên các đại dương, vùng sâu, vùng xa và vùng cực, nơi hệ thống di động hàng không vốn phụ thuộc vào đài mặt đất không thể với tới được.
Hội nghị WRC-23 đã thông qua 43 nghị quyết mới, sửa đổi 56 nghị quyết hiện có và loại bỏ 33 nghị quyết. Một số kết quả quan trọng khác có thể kể đến như:
- Phân bổ tần số bổ sung cho các dịch vụ vệ tinh thăm dò Trái đất thụ động để cho nâng cao phép đo các đám mây băng nhằm dự báo thời tiết và giám sát khí hậu tốt hơn.
- Phân bổ các băng tần 15,41 - 15,7 GHz và 22 - 22,2 GHz cho nghiệp vụ lưu động hàng không. Điều này sẽ cho phép máy bay, trực thăng và máy bay không người lái trang bị các thiết bị kỹ thuật số phục vụ các mục đích như giám sát, lập bản đồ và quay phim, đồng thời có khả năng truyền dữ liệu lớn từ các ứng dụng này bằng liên kết vô tuyến băng rộng.
- Thông qua các quy định cho phép kết nối liên vệ tinh. Điều này sẽ cho phép cung cấp dữ liệu trong thời gian gần như thực, nâng cao tính khả dụng và giá trị của dữ liệu công cụ cho các ứng dụng có độ trễ thấp như dự báo thời tiết và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Kết quả của WRC-23 đảm bảo sự phát triển ổn định cho 5G cũng như tương lai phát triển cho 6G
Quyết định của WRC-23, được GSMA (Hiệp hội các nhà khai thác di động toàn cầu) ca ngợi là “quyết định đột phá về phổ tần” cho lĩnh vực thông tin di động động IMT.
Để mở rộng và phát triển kết nối băng thông rộng với công nghệ 5G và 6G trong tương lai, các sửa đổi Thể lệ tại Hội nghị WRC năm nay trước hết là việc hài hòa các dải phổ IMT hiện có trên nhiều quốc gia ở khu vực EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi) và châu Mỹ ở dải tần 3,3 GHz và 3,8 GHz.
Đồng thời, Hội nghị WRC-23 đã quyết định bổ sung phổ tần mới xác định sử dụng cho IMT ở băng tần 6 GHz (6,425 - 7,125 GHz). Quyết định này cũng mở ra cơ hội cho việc sử dụng băng tần 5925 - 6425 MHz và 6425 - 7125 MHz cho các ứng dụng Wi-Fi 6E/Wi-Fi 7, điều này giúp cung cấp các kết nối vô tuyến băng rộng một cách đa dạng và linh hoạt hơn.
Thêm vào đó, trên cơ sở đề xuất của Việt Nam và một số nước, Hội nghị WRC-23 đã thảo luận và đồng ý tổ chức nghiên cứu khả năng sử dụng các băng tần 4,4 - 4,8 GHz, 7,125 - 8,5 GHz và 14,8 - 15,35 GHz cho 6G, trong giai đoạn từ 2023 - 2027. Kết quả cuối cùng sẽ được các nước xem xét quyết định tại Hội nghị WRC tiếp theo vào năm 2027. GSMA đánh giá thỏa thuận toàn cầu này là sự đảm bảo cho việc phát triển liên tục của 5G trên toàn thế giới và mở đường cho phát triển công nghệ thế hệ tiếp theo 6G từ khoảng năm 2030 trở đi. Các nghiên cứu kỹ thuật sẽ bắt đầu với việc nghiên cứu khả năng dùng chung và tương thích giữa 6G với các hệ thống liên quan khác đã được quy hoạch.
Theo GSMA, đến năm 2030 trung bình mỗi thị trường thông tin di động sẽ cần lượng phổ tần vào khoảng 2 GHz ở dải tần trung bình để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp ở các thành phố lớn trên toàn cầu. Băng tần 6 GHz là băng tần trung bình duy nhất còn lại để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng lưu lượng dữ liệu trong kỷ nguyên 5G và 5G-Advanced. Quyết định của WRC-23 về việc hài hòa băng tần 6GHz ở một số khu vực và quốc gia là một cột mốc quan trọng, đưa hàng tỷ người vào vùng phủ sóng di động 6 GHz. Nó cũng đóng vai trò là động lực phát triển quan trọng cho các nhà sản xuất hệ sinh thái thiết bị 6 GHz.
Như vậy, WRC-23 đã cung cấp lộ trình rõ ràng để các dịch vụ di động như 5G và 6G tiếp tục phát triển và mở rộng vì lợi ích của hàng tỷ người trên toàn cầu. GSMA tin rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong thời đại kỹ thuật số và các quyết định của WRC-23 sẽ mang lại một tương lai tươi sáng hơn, nơi di động gắn kết các cộng đồng lại với nhau, mang lại sự linh hoạt cho nền công nghiệp và mang lại sự tăng trưởng kinh tế./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1+2, tháng 1/2024)