Ấn Độ đã cho phép các nhà mạng viễn thông tiến hành thử nghiệm mạng di động thế hệ thứ năm (5G). Quốc gia này đang thực hiện những bước đầu tiên hướng tới việc triển khai công nghệ 5G tốc độ cao trên thị trường viễn thông lớn thứ hai thế giới cho người dùng.
Theo một tuyên bố của Cục Viễn thông Ấn Độ (DoT), các nhà mạng Bharti Airtel Ltd., Reliance Jio Infocomm Ltd., Vodafone Idea Ltd. và MTNL đã được phép tiến hành thử nghiệm 5G trong 6 tháng, trong đó có 2 tháng để mua sắm và thiết lập thiết bị.
Ngoài việc thử nghiệm phổ tần 5G ở Ấn Độ, chương trình cho phép thử nghiệm triển khai mạng 5G còn có mục tiêu là kiểm tra điện thoại và các thiết bị 5G, điều chỉnh mô hình và đánh giá thiết bị, nhà cung cấp, đồng thời thử nghiệm công nghệ vào các ứng dụng như y tế, giáo dục từ xa, thực tế tăng cường hoặc thực tế ảo, giám sát nông nghiệp dựa trên máy bay không người lái.
Theo báo cáo hồi tháng 4 của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSMA), mạng 5G thương mại, có tốc độ nhanh hơn 10 lần so với 4G, đã có mặt ở 64 quốc gia. Theo một nghiên cứu riêng biệt của helpnetsecurity.com, Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc là ba quốc gia có số lượng thành phố phủ sóng 5G cao nhất.
Các thử nghiệm phi thương mại ở Ấn Độ sẽ không được kết nối với mạng hiện có của các nhà khai thác và dữ liệu được tạo ra sẽ phải được lưu trữ ở Ấn Độ.
Phổ tần số thử nghiệm được cung cấp bao gồm dải tần giữa (3,2 GHz đến 3,67 GHz), dải sóng milimet (24,25 GHz đến 28,5 GHz) và ở băng tần sub-gigahertz (700 GHz). Các nhà khai thác viễn thông cũng sẽ được phép sử dụng phổ tần hiện có của họ (băng tần 800 MHz, 900 MHz, 1800 MHz và 2500 MHz) để tiến hành các thử nghiệm 5G.
DoT cho biết, bên cạnh các khu vực thành thị, các nhà mạng sẽ phải tiến hành thử nghiệm ở các khu vực nông thôn và bán thành thị để lợi ích của công nghệ 5G không chỉ giới hạn ở các thành phố.
Các nhà mạng Ấn Độ đã liên kết với các nhà sản xuất thiết bị mạng như Ericsson, Nokia, Samsung và Trung tâm Phát triển Viễn thông của Ấn Độ. Reliance JioInfocomm cũng sẽ tiến hành thử nghiệm sử dụng công nghệ bản địa của mình.
Công nghệ 5G được kỳ vọng sẽ cung cấp hiệu suất phổ lớn hơn gấp 3 lần so với 4G và độ trễ cực thấp. 5G có thể được ứng dụng trong các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, y tế, giao thông, quản lý giao thông, thành phố thông minh, nhà thông minh và nhiều ứng dụng của IoT.
DoT cho biết các nhà mạng cũng được khuyến khích tiến hành các thử nghiệm sử dụng công nghệ 5Gi, được Viện công nghệ Madras, Trung tâm công nghệ không dây tiên tiến và Trung tâm công nghệ Hyderabad Ấn Độ phát triển. Công nghệ 5Gi đáp ứng phạm vi phủ sóng của các trạm 5G và mạng vô tuyến và đã được Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) công nhận.