Theo thông tin báo chí của Văn phòng báo chí (PIB) Chính phủ Ấn Độ, việc ký kết được diễn ra tại buổi làm việc song phương giữa Bộ trưởng Bộ Truyền thông Ấn Độ Shri Devusinh Chauhan và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng ngày 17/12 tại Ấn Độ. Buổi làm việc là một trong các hoạt động nhân chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ từ ngày 15 – 19/12/2021.
Tại buổi tiếp, làm việc song phương và ký kết ý định thư, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Ấn Độ Shri Devusinh Chauhan cho biết việc ký kết Ý định thư sẽ mang lại cơ hội hợp tác mới cho cả hai quốc gia trong lĩnh vực truyền thông và bưu chính.
Ý định thư khẳng định các mục tiêu chung của cả hai nước là thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bưu chính và viễn thông, thúc đẩy chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, hợp tác thực hiện các dự án phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy hợp tác tăng cường của các nhà khai thác và cung cấp dịch vụ bưu chính được chỉ định của cả hai quốc gia.
Bộ trưởng Shri Devusinh Chauhan đã thông tin với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực bưu chính và viễn thông Ấn Độ và cho biết Thủ tướng Ấn Độ, Shri Narendra Modi, đã yêu cầu Cục Viễn thông Ấn Độ (DoT) triển khai cáp quang đến tất cả 600.000 làng xã của Ấn Độ để thu hẹp khoảng cách số. Những cải cách gần đây trong lĩnh vực viễn thông trong nước sẽ giải phóng tiềm năng thực sự của ngành để đưa ngành lên một tầm cao mới.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao nỗ lực của Ấn Độ trong việc phát triển mạng 5G trong nước với tên gọi "AtmaNirbhar Bharat" và đề nghị Ấn Độ hợp tác sản xuất thiết bị viễn thông 5G.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ T&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Phát thanh truyền hình Ấn Độ Anurag Singh Thakur. Tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng đã trao đổi về tình hình phát triển và chính sách quản lý của mỗi nước, các khả năng tăng cường hợp tác giữa hai bên.
Việt Nam và Ấn Độ đều đang tập trung đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số (CĐS), coi đây là động lực để thúc đẩy sự phát triển nhanh của kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.
Các doanh nghiệp công nghệ số của hai nước cũng đang triển khai nhiều chương trình hợp tác. Hai bên nhất trí sẽ tạo nhiều kênh kết nối để hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập quan hệ hợp tác và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư.
Để phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, hai Bộ trưởng đã nhất trí cùng nghiên cứu xây dựng khuôn khổ hợp tác mới cho giai đoạn từ nay đến năm 2030, hướng tới việc thiết lập quan hệ đối tác số (Digital Partnership) giữa hai nước.
Vào năm 2022, khi hai nước cùng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên sẽ cùng tổ chức nhiều hoạt động chung như diễn đàn đối tác số, các hội thảo, hội nghị về CĐS, đô thị thông minh và an toàn, an ninh thông tin./.