An toàn lao động trong xây dựng

ĐT| 25/12/2017 19:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Đã vào quý cuối cùng của năm, trên các công trường xây dựng không khí lao động hết sức nhộn nhịp khẩn trương để đảm bảo kịp tiến độ theo kế hoạch đã đề ra. Do vậy, cùng với đảm bảo các điều kiện cho thi công, các biện pháp đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) cũng được các doanh nghiệp hết sức chú trọng với phương châm phát triển sản xuất, kinh doanh phải đi đôi với đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ trên công trường, hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại.

Trên công trường xây dựng khu đô thị trung tâm Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy), đại diện tư vấn giám sát Cty CP Xây dựng Giao Thủy cho biết: “Cty đã chủ động phân công cán bộ chuyên trách ATVSLĐ hằng ngày thường xuyên giám sát, theo dõi, nhắc nhở toàn thể công nhân và cán bộ kỹ thuật trên công trường chú ý công tác ATLĐ và vệ sinh môi trường trong thi công”. Mỗi một hạng mục công việc thi công như: lắp đạt giàn giáo cốt pha, gia công thép, điện nước… đều có quy định về an toàn riêng. Hằng ngày, các cán bộ chức năng phải theo dõi nhắc nhở ngay những hành vi mất ATLĐ hoặc cảnh báo kịp thời ngay những nơi có nguy cơ xảy ra mất an toàn như: không đội mũ bảo hộ, không mặc áo quần bảo hộ, không mang giầy bảo hộ trong khi lao động hay làm việc trên cao nhưng không thắt dây an toàn, đặc biệt là công tác an toàn về điện… Đối với công nhân làm việc tại Cty, khi thi công trên cao hoặc ở những nơi nguy hiểm thì ngoài trang phục bảo vệ cá nhân, Cty còn rất chú trọng hướng dẫn công nhân phổ thông những quy tắc an toàn. Tất cả các thiết bị điện sử dụng trên công trường đều được kiểm tra định kỳ... Đặc biệt công tác lắp đặt các biển cảnh báo an toàn, hướng dẫn kỹ thuật an toàn thi công trên công trường được Cty thực hiện nghiêm túc. Cty cũng phối hợp với các ban, ngành tập huấn cấp chứng chỉ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động. Hằng năm Cty đều lập và gửi báo cáo việc thực hiện công tác bảo hộ lao động theo đúng quy định. Hiện tại, Cty đã thi công đạt hơn 70% khối lượng kế hoạch các tuyến đường giao thông đô thị, hạ tầng điện nước của dự án và không để xảy ra vụ mất ATLĐ nào.

Thi công nhà ở tại KĐT Thống Nhất (TP Nam Định).

Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATLĐ trong khi công các công trình dân dụng chưa được chú trọng đúng mức. Tại công trình xây nhà ở dân dụng ở khu tái định cư Bãi Viên - Phúc Trọng (TP Nam Định), anh Nguyễn Văn Tuyến làm phụ hồ, quê xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) cho biết: “Khi thi công những công trình từ 2 đến 3 tầng, chúng tôi hầu như không đội mũ bảo hiểm vì rất vướng víu, bất tiện; giày bảo hộ lao động thì càng ít sử dụng vì không quen. Còn các giải pháp bảo vệ an toàn lắp đặt giàn giáo, dây đai bảo vệ thì chúng tôi phải tự chủ động lo đảm bảo an toàn cho bản thân thôi…”. Theo thống kê của ngành Xây dựng, những năm gần đây, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trong thi công xây dựng ngày càng gia tăng. Nguyên nhân là do có khoảng 80% công nhân xây dựng là lao động tự do, thời vụ, trình độ lao động phổ thông, phần nhiều chưa được đào tạo nghề nên ý thức bảo hộ lao động kém trong khi nhiều chủ thầu cũng chủ quan, lơ là chưa quan tâm tới công tác an toàn, vệ sinh lao động. Trên các công trường xây dựng lớn, nhỏ, hình ảnh khá phổ biến là công nhân chủ yếu vẫn đội mũ mềm, ít sử dụng mũ bảo hộ; nhiều công nhân làm việc trên cao hàng chục mét mà không có đai bảo vệ... Mặc dù, hiện tại trên địa bàn tỉnh ta chưa xảy ra vụ TNLĐ xây dựng nghiêm trọng, nhưng không đảm bảo các điều kiện về an toàn và thiếu ý thức từ phía các nhà thầu hay chính người lao động sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong thi công. Theo đại diện của Sở Xây dựng: “Đặc thù ngành Xây dựng là đối tượng lao động tham gia đông và đa dạng, có những lực lượng xây dựng chính quy được đào tạo tương đối bài bản, nhưng cũng có rất nhiều lao động thời vụ không có nghề tham gia hoạt động xây dựng. Do vậy, chúng tôi cũng xác định đây là lĩnh vực phải quan tâm nhiều hơn”. Nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức tập huấn Thông tư 04/2017/TT-BXD ngày 30-3-2017 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý ATLĐ trong thi công xây dựng công trình cho các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, kiểm định viên tại các Cty, tổ chức tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, tập trung yêu cầu các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm quy định tổ chức lập kế hoạch tổng hợp về ATLĐ, thực hiện định kỳ hoặc điều chỉnh phù hợp với thực tế thi công trên công trường. Tổ chức lập riêng biện pháp thi công, chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất ATLĐ cao được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình, nhất là đối với các công trình cao tầng từ 7 tầng trở lên. Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp tham gia hoạt động xây dựng quan tâm duy trì, phát triển mạng lưới an toàn vệ sinh viên, đồng thời tổ chức tuyên truyền phổ biến về an toàn vệ sinh lao động tới công nhân tại Cty và tại các công trường mà Cty đang thi công. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả chủ sử dụng lao động và người lao động, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại các đơn vị, công trường xây dựng. Với những đơn vị vi phạm, cần có biện pháp xử phạt nghiêm như đình chỉ thi công, phạt hành chính đối với nhà thầu... để răn đe, ngăn ngừa vi phạm, góp phần bảo vệ quyền được làm việc trong môi trường an toàn của người lao động ngành Xây dựng./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
An toàn lao động trong xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO