Malaysia đang là một trong những ổ dịch lớn nhất trong khu vực với với số ca nhiễm tăng cao từng ngày và thuộc top đầu trong khu vực châu Á chỉ sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong đó, khoảng 970 người trong tổng số các ca nhiễm của Malaysia có liên quan đến một sự kiện tôn giáo tại một nhà thờ Hồi giáo vào tháng trước.
Chính quyền Malaysia thông báo mọi hoạt động trong nhà thờ Hồi giáo sẽ tạm ngừng. (Ảnh: AP)
Malaysia chính thức ban bố lệnh phong tỏa và có hiệu lực từ ngày 18/3, áp dụng với mọi hoạt động tập trung đông người, bao gồm cả hoạt động thể thao, xã hội, văn hóa và tôn giáo. Những địa điểm tôn giáo và cơ sở kinh doanh trên cả nước buộc phải đóng cửa, trừ siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng bán nhu yếu phẩm.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết chính phủ có thể xem xét việc tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại tới hai tuần và sẽ công bố thêm các biện pháp kích thích kinh tế để làm giảm tác động từ cú đòn coronavirus và giá dầu suy yếu.
Trong khi đó, gần một nửa số người thiệt mạng ở khu vực Đông Nam Á là ở Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới. Philippines đã xác nhận 33 trường hợp tử vong trong số 462 ca nhiễm.
Các quan chức y tế trong khu vực thừa nhận rằng hệ thống y tế vốn đã quá tải có thể phải đối mặt với nhiều ca nhiễm hơn trong thời gian tới. Chính phủ các quốc gia cũng đã đưa ra các giải pháp cứng rắn như đóng cửa biên giới, cấm nhập cảnh, hạn chế đi lại và phong tỏa nhằm nâng cao khả năng đối phó với dịch bệnh.
Quốc hội Philippines đã tổ chức một phiên họp đặc biệt để xem xét cho phép chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte có các quyền lực đặc biệt đối với các doanh nghiệp như tiện ích, công ty vận tải và khách sạn có thể cách ly người dân hoặc nhân viên y tế.
Philippines là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên áp dụng các biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới đối với khách du lịch nước ngoài và hàng chục triệu người đang phải cách ly tại nhà.
Một số nước như Việt Nam và Malaysia cũng đã huy động quân đội tham gia hỗ trợ việc kiểm soát dịch và thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại, tụ tập đông người.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã áp dụng các biện pháp như tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ ngày 18/3/2020 và hành khách từ tất cả các nước trên thế giới nhập cảnh vào Việt Nam phải cách ly tập trung 14 ngày.
Thủ đô Jakarta của Indonesia, Thái Lan và Campuchia đã thực hiện đóng cửa các quán bar, rạp chiếu phim và các tụ điểm vui chơi giải trí.
Các nhân viên được bảo hộ kỹ càng phun thuốc khử trùng dọc các ngõ hẻm của ngôi chợ Chatuchak ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP)
Hàng chục nghìn công nhân nhập cư đã rời Thái Lan sang các nước láng giềng sau khi những biện pháp hạn chế mới được công bố và áp dụng. Thái Lan ước tính có tới 5 triệu lao động nhập cư, chủ yếu đến từ Lào, Myanmar và Campuchia.
Chính quyền Thái Lan đã kêu gọi người lao động không nên vội vã rời khỏi các thành phố với số lượng lớn và hãy ở lại để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này.
Tại Singapore, Trung tâm du lịch toàn cầu cũng đã công bố lệnh cấm các chuyến tham quan ngắn hạn và thậm chí dừng quá cảnh, sau một loạt sự gia tăng đột biến các trường hợp từ nước ngoài.
Thời gian tới, tình hình dịch bệnh có thể có xu hướng diễn biến phức tạp. Các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ có những biện pháp quyết liệt và cứng rắn hơn nhằm đối phó với sự lây lan nhanh của dịch Covid–19.