Hội nhập

ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực

PV 02/11/2023 16:01

Ông Trần Đức Bình - Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng và Nội bộ nhận định ASEAN luôn vững vàng ngay cả trong thời điểm thử thách. ASEAN cũng đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, có đóng góp lớn cho hòa bình, thịnh vượng thế giới.

Vai trò của ASEAN trong thời gian qua

Năm 2023 nước Chủ tịch Indonesia đã chọn “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng” làm chủ đề cho năm 2023, phản ánh các mục tiêu và tầm nhìn chiến lược của ASEAN trong những năm tới. Chủ đề này cũng khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN và tạo tiền đề để ASEAN vượt lên trước những thách thức trong bối cảnh địa chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội không ngừng thay đổi.

ASEAN đang trên đà phát triển và thịnh vượng trong 56 năm qua để trở thành nhân tố không thể thiếu, đóng góp lớn cho hòa bình và thịnh vượng ở Đông Nam Á và trên thế giới. ASEAN ngày nay được công nhận rộng rãi là một mô hình thành công của chủ nghĩa khu vực.

hiep-hoi-cac-nuoc-dong-nam-a.jpg
ASEAN đóng vai trò trung tâm.

Thành công quan trọng nhất của ASEAN chắc chắn là việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á. ASEAN đã tích cực ủng hộ một cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ, trong đó tất cả các nước dù lớn hay nhỏ đều cùng tồn tại trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau trên cơ sở bình đẳng theo quy tắc và chuẩn mực được quy định trong luật pháp quốc tế.

Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), hiệp ước đầu tiên của ASEAN, được công nhận rộng rãi là quy tắc ứng xử trong quan hệ giữa các quốc gia ở Đông Nam Á. Hiện nay, mục đích và nguyên tắc của TAC dần dần được phổ cập với 41 đối tác ký kết ngoài ASEAN, bao gồm tất cả các cường quốc.

Với những nỗ lực xây dựng lòng tin và thiết lập các chuẩn mực, các tiến trình của ASEAN dựa trên cơ sở tham vấn và đồng thuận chung đã đảm bảo rằng sự nghi kỵ dần nhường chỗ cho hợp tác và thống nhất, giúp ASEAN đạt được tiến bộ vững chắc và ổn định trong nỗ lực xây dựng cộng đồng, kể cả trong những thời điểm thử thách.

Đặc biệt mỗi cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) đều có ý nghĩa chiến lược và bối cảnh lịch sử riêng, tạo nền tảng rất cần thiết cho các cường quốc và các nước trong khu vực. Tham gia đối thoại và hợp tác về các vấn đề cùng quan tâm và lợi ích chung, từ việc không phổ biến vũ khí hạt nhân đến an ninh hàng hải, từ cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo đến tranh chấp ở Biển Đông cùng các vấn đề khác.

Thông qua các cơ chế này, ASEAN đang phát huy vai trò trung tâm để duy trì trạng thái cân bằng chiến lược trong khu vực, phát huy tối đa đòn bẩy và không gian trong ứng xử với các cường quốc, vốn có lợi ích và ưu tiên không phải lúc nào cũng trùng khớp với nhau và với ASEAN, góp phần xây dựng một trật tự dựa trên luật lệ khu vực.

Về mặt kinh tế, việc theo đuổi hội nhập kinh tế khu vực của ASEAN là nền tảng cho tiến trình trở thành tâm điểm tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Bằng cách giảm bớt các rào cản thương mại, thúc đẩy tự do hóa thị trường, tạo điều kiện cho hàng hóa, dịch vụ và đầu tư tự do giữa các quốc gia thành viên ASEAN đã tạo ra một môi trường kinh tế năng động, cạnh tranh và liền mạch, mang lại tổng GDP là 3,6 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 3,6% tổng GDP thế giới.

Mới đây Hiệp định RCEP có hiệu lực đã mở ra những cơ hội mới để tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác kinh tế, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường, đồng thời củng cố vị thế của ASEAN với tư cách là nhân tố chủ chốt trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Nhờ hội nhập khu vực, hiệu quả kinh tế của ASEAN trong những năm qua rất đáng ghi nhận. Được củng cố bởi nhu cầu nội địa ổn định, nền kinh tế khu vực duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực, bền vững, dự kiến ở mức 4,6% vào năm 2023 và 4,9% vào năm 2024. Trên thực tế, trong những năm gần đây, ASEAN đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu, phản ánh khả năng phục hồi và thích ứng của khu vực trong việc điều hướng những bất ổn kinh tế.

Vai trò của ASEAN trong việc xử lý các thách thức mới nổi và tầm quan trọng ngày càng tăng của ASEAN đã cho thấy ý nghĩa về sự tồn tại của ASEAN cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Điều này cũng nhắc nhở rằng tiến bộ thực chất trong hợp tác kinh tế và quan hệ nhân dân bền bỉ phần lớn là nhờ nền tảng chính trị vững mạnh và ổn định mà ASEAN đã nỗ lực duy trì.

Sáng kiến và đóng góp của Việt Nam

Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam là nước tham gia và đóng góp tích cực vào hành trình hội nhập khu vực xây dựng cộng đồng. Trong các nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam vào các năm 1998, 2010 và 2020, Việt Nam đã thể hiện năng lực dẫn dắt quyết đoán trong việc định hướng khu vực thực hiện các ưu tiên quan trọng. Quả thực, sự dẫn dắt của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với những nỗ lực chung của ASEAN nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 thời gian gần đây.

Sau khi các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn sau năm 2025 của Cộng đồng ASEAN vào năm 2020, Nhóm đặc trách cấp cao về Tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 (HLTF-ACV) đã được thành lập đệ trình các yếu tố cốt lõi cho Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025, được Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 (tháng 5/2023) thông qua. Thời gian tới, ASEAN sẽ tiếp tục sẵn sàng ứng phó thích ứng với năng lực, thể chế được tăng cường, giúp ASEAN có thể giải quyết kịp thời các cuộc khủng hoảng, tình huống khẩn cấp.

Trong những năm qua, Việt Nam cũng đã ủng hộ sự tham gia của phụ nữ vào việc hoạch định chính sách, chính trị - an ninh và tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ sự phát triển của tiểu vùng để bổ sung cho các nỗ lực xây dựng Cộng đồng trên toàn khu vực. Việt Nam cũng đã giúp nâng cao vị thế quốc tế của ASEAN và phối hợp với các đối tác giải quyết nhiều thách thức, trong đó có biến đổi khí hậu thông qua nhiều khuôn khổ khác nhau.

Trong năm 2023, Đối thoại Cấp cao ASEAN - Australia về biến đổi khí hậu và Chuyển đổi năng lượng được tổ chức tại Việt Nam, tạo điều kiện để ASEAN và các đối tác cùng thảo luận các hành động hợp tác thiết thực hướng tới chuyển đổi năng lượng cũng như thúc đẩy khả năng phục hồi thích ứng của khu vực trước những tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO