ASEAN trước nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế

Ánh Dương| 07/05/2020 21:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Các nước ASEAN vẫn đang phải chiến đấu với dịch Covid-19. Mức độ ảnh hưởng của đại dịch này đối với các nền kinh tế ASEAN phụ thuộc vào việc dịch bệnh sẽ được các nước kiểm soát như thế nào.

Mới đây, trên tờ The Business Times đăng tải một bài viết của TS. Sithanonxay Suvannaphakdy - Chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện Yusof Ishak (ISEAS, Singapore) phân tích về vấn đề dịch Covid-19 có thể đẩy ASEAN rơi vào suy thoái kinh tế kéo dài do áp dụng các biện pháp kiểm soát sức khỏe cộng đồng, song tăng trưởng kinh tế có thể được phục hồi bằng các gói kích thích tài chính đủ lớn.

Nguy cơ suy thoái kinh tế

Suy thoái là sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế trải rộng khắp các nền kinh tế, kéo dài trong nhiều tháng, thường được thể hiện thông qua tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thu nhập thực tế, việc làm, sản xuất công nghiệp và bán buôn bán lẻ.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, năm 2018 các nền kinh tế ASEAN đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực hơn 6% đối với Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines và Việt Nam. Các nền kinh tế Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan tăng trưởng từ 3 - 5%. Brunei ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất với 0,1%.

Tuy nhiên, việc duy trì đà tăng trưởng ở ASEAN, ít nhất là trong năm 2020, đã bị thách thức bởi sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và những chính sách ứng phó của các quốc gia thành viên. Thời gian vừa qua, hầu hết các nước ASEAN đều đã phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội để giảm bớt sự tiếp xúc xã hội, làm việc và học tập giữa các cá nhân, nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus và làm giảm quy mô của dịch bệnh.

ASEAN trước nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế - Ảnh 1.

Đầu tháng 4, Việt Nam cũng đã thực hiện giãn cách xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. (Ảnh: Baotintuc)

Có thể hiểu rằng việc thực hiện các biện pháp y tế công cộng là nhằm làm giảm sự lây lan của dịch bệnh trong nước. Nhưng các biện pháp này lại có tác động lớn đến nền kinh tế, vượt ra ngoài mục đích chăm sóc sức khỏe và kèm với nó là tình trạng suy thoái kinh tế.

Những chỉ thị làm việc tại nhà được áp dụng rộng rãi trong thời kỳ giãn cách xã hội, nhiều dịch vụ được thực hiện từ xa. Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động sản xuất hàng hóa lại đòi hỏi sự tập trung xã hội, trong khi đó biện pháp giãn cách xã hội đã làm giảm đầu vào lao động trong quá trình sản xuất và dẫn đến làm giảm đầu ra trong nền kinh tế.

Trong trường hợp tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng trong vài tháng tới, các nước ASEAN sẽ phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế nếu các quốc gia này phải áp dụng đến biện pháp phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tác động kinh tế của biện pháp này nghiêm trọng hơn so với biện pháp giãn cách xã hội. Người lao động thì không thể đi làm, còn người dân cũng hạn chế hoạt động tiêu dùng.

Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng là phần quan trọng nhất trong chi tiêu tổng thể ở các nền kinh tế ASEAN, chiếm ít nhất là 50% trong GDP hoặc cao hơn ở 8/10 quốc gia ASEAN, cụ thể là Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Tỷ lệ chi tiêu tiêu dùng giảm đồng nghĩa với việc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến GDP. Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể cắt giảm đầu tư trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Việc giảm đầu tư tư nhân sẽ lại góp phần làm suy giảm GDP.

Tóm lại, các biện pháp kiểm soát về sức khỏe cộng đồng có thể làm giảm hoặc thậm chí gây ra sự đình trệ trong sản xuất, tiêu dùng và đầu tư. Những tác động này sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế ASEAN với tình trạng suy thoái kéo dài và nghiêm trọng hơn.

ASEAN trước nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế - Ảnh 2.

Các cửa hàng tại trung tâm thương mại ở Kuala Lumpur, Malaysia, đóng cửa do lo ngại dịch Covid-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thực hiện các gói kích thích tài chính

Để ứng phó với những tác động này, hiện nay chính phủ các nước ASEAN đang áp dụng các biện pháp kích thích nền kinh tế như sử dụng chính sách tài chính mở rộng hay chính sách nới lỏng tiền tệ hoặc kết hợp cả hai.

Chẳng hạn, Singapore đã công bố 4 gói kích thích tài chính với tổng giá trị là 44,9 tỷ USD (63,7 tỷ đô la Singapore), chiếm khoảng 13% GDP của nước này. Thái Lan đã phê duyệt gói tài chính trị giá 46,1 tỷ USD (1.500 tỷ Baht), tương đương 8,9% GDP của nước này. Việt Nam cũng đã kích hoạt gói hỗ trợ trị giá 62 nghìn tỷ, tương đương 3,5% GDP. Tuy nhiên, các gói kích thích tài chính ở một số quốc gia ASEAN khác lại chỉ chiếm chưa đến 3% GDP.

Mặc dù không có cách tiếp cận nào phù hợp cho tất cả trong việc sử dụng các gói kích thích tài chính trong thời kỳ dịch bệnh, tuy nhiên, các nước ASEAN cần đánh giá hiệu quả của các gói kích thích được triển khai để giảm thiểu tác động cả về sức khỏe lẫn kinh tế do dịch bệnh gây ra.

"Điều này là rất quan trọng vì chỉ có gói kích thích tài chính đủ lớn mới có thể kéo các nền kinh tế vượt qua suy thoái. Mặc dù việc tăng chi tiêu với các gói kích thích lớn có khả năng dẫn đến lạm phát trong ngắn hạn, nhưng đó hoàn toàn không phải là tin xấu đối với các nền kinh tế ASEAN có mức lạm phát thấp", TS. Sithanonxay Suvannaphakdy nhận định.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
ASEAN trước nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO