Bắc Giang khơi dậy niềm yêu thích sách và văn hóa đọc trong nhân dân

Đỗ Thêu| 10/10/2022 06:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày nay, do ảnh hưởng bởi sự phát triển mạnh của khoa học kỹ thuật cũng như hấp dẫn bởi các phương tiện giải trí khác dẫn đến sự thờ ơ của giới trẻ đối với sách và đọc sách.

Thực hiện Kế hoạch "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng", cho đến nay, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng và hình thành được một hệ thống thư viện cộng đồng khá phong phú. Đây được xem như là điều kiện quan trọng để xây dựng và củng cố niềm yêu thích sách và văn hóa đọc trong nhân dân, nhất là giới trẻ…

Trong những năm qua, hệ thống thư viện đã phát triển rộng khắp trên toàn tỉnh Bắc Giang: 1 thư viện cấp tỉnh, 10 thư viện cấp huyện, 55 thư viện cấp xã và 587 tủ sách làng, thôn, bản, khu phố với hơn 300 nghìn cuốn sách, tài liệu các loại; 512 thư viện trường học và tủ sách thân thiện tại lớp học. Tổng số đầu sách, truyện có khoảng hơn 3 triệu cuốn, ngoài ra, còn có nhiều đầu báo, tạp chí thường kỳ khác. 

Hằng năm, thư viện tỉnh đều tổ chức cuộc thi "đại sứ văn hóa đọc" cấp tỉnh cho bạn đọc và những người yêu thích sách nhân ngày "Sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4", qua đó lựa chọn được những "đại sứ" đọc, góp phần chuyển tải mạnh mẽ thông điệp tri thức cho cộng đồng.

Bắc Giang khơi dậy niềm yêu thích sách và văn hóa đọc trong nhân dân - Ảnh 1.

Cô và trò Trường Tiểu học Tăng Tiến (Việt Yên) cùng đọc sách tại thư viện nhà trường

Bắc Giang khơi dậy niềm yêu thích sách và văn hóa đọc trong nhân dân - Ảnh 2.

Học sinh tham gia Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Thư viện tỉnh năm 2022

Bắc Giang khơi dậy niềm yêu thích sách và văn hóa đọc trong nhân dân - Ảnh 3.

Hệ thống thư viện tại các trường học ngày càng được chú trọng, quan tâm với nhiều đầu sách, nhiều lĩnh vực khác nhau

Đi đầu về tinh thần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, không thể không nhắc đến cụ Đào Quang Huy, xã Song Khê, thành phố Bắc Giang. Cụ đã xây dựng mô hình Thư viện Cộng đồng, với tổng số 12.500 bản sách có nội dung đang dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu bạn đọc ở nhiều lĩnh vực và nhiều lứa tuổi khác nhau. Cụ Đào Quang Huy được Thủ tướng Chính phủ tuyên dương và tặng Bằng khen vì có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng thư viện cộng đồng và lan tỏa văn hóa đọc trong Nhân dân.

Phong trào phát triển văn hóa đọc đã được nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh hướng ứng rất nhiệt tình và đã biến nhiệt huyết đó thành hành động, cụ thể: Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang dành tặng hơn 2.000 cuốn sách cho Thư viện các huyện, thành phố; Tỉnh đoàn - Hội đồng Đội tỉnh Bắc Giang trao tặng các đầu sách về lĩnh vực khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho thanh thiếu nhi 10 huyện, thành phố, tổng trị giá 50 triệu đồng. Thư viện Tỉnh Bắc Giang phối hợp với các ngành liên quan huy động xã hội hóa dành tặng 385 cuốn sách các loại cho 5 thư viện trường học, thư viện cộng đồng và Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân…

Ông Nguyễn Đắc Hồng, Giám đốc Thư viện tỉnh nhận định: Có thể thấy, việc quan tâm, phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang suốt nhiều năm qua đã tạo ra những giá trị tốt đẹp, đưa văn hóa đọc từng bước trở thành thói quen, nhu cầu, kỹ năng và hình thành phong trào đọc trong mọi tầng lớp Nhân dân. Đó cũng là khẳng định vị thế của sách trong đời sống xã hội, phát huy giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc, thúc đẩy văn hóa đọc và phong trào khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh… Khách quan mà nói thì sau thời gian khuyến khích, nâng cao sức hấp dẫn của văn hóa đọc trong cộng đồng nhân dân, toàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Điều đó thể hiện không chỉ là số lượng các thư viện, tủ sách mà còn ở trong cách ứng xử văn hóa trong cộng đồng dân cư. Đó chính là giá trị cốt lõi mà tri thức từ sách mang lại.

Cũng theo ông Đắc Hồng, sau 2 năm gián đoạn bị ảnh hưởng dịch COVID-19, năm nay, Thư viện tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc thi về chủ đề ngày hội đọc sách rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Cuộc thi đã có 228 trường thuộc 9 huyện, thành phố tham gia với gần 67.000 bài dự thi. Trong đó, khối tiểu học: 105 trường (gần 36.000 bài), THCS: 95 trường (hơn 20.000 bài), THPT: 24 trường (hơn 10.000 bài), Cao đẳng: 1 trường (76 bài). Huyện Lục Ngạn có nhiều trường tham gia nhất (44 trường). Các tác phẩm dự thi thể hiện dưới dạng bài viết, video clip, tranh vẽ, nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, sáng tạo  cả nội dung và hình thức, chất lượng tốt, truyền cảm hứng, hướng tới lối sống tích cực, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, có trách nhiệm với xã hội, khơi dậy khát vọng học tập, cống hiến, bảo vệ và xây dựng đất nước.  

Ban tổ chức đã lựa chọn và trao 20 giải cho các tác phẩm chất lượng. Em Nguyễn Hoàng Mai, lớp 10A1, Trường THPT Yên Dũng số 3 chia sẻ cảm nhận: Với cá nhân em, việc đọc sách đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu. Mỗi khi đọc sách, em tìm thấy kiến thức để bổ sung cho việc học tập cũng như cảm nhận được nhiều niềm vui trong cuộc sống. Em cũng nhận thấy, qua các hoạt động phát triển văn hóa đọc như tổ chức ngày hội đọc sách, mở rộng hệ thống thư viện… đã giúp Nhân dân có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với sách, báo, tiếp nhận được tri thức và giá trị của sách mang lại. Từ đó hình thành yêu thích và văn hóa đọc trong cộng đồng.

Một trong số giải pháp nâng cao chất lượng và số lượng người đọc là xã hội hóa xây dựng thư viện và tăng số lượng đầu sách trong các thư viện cộng đồng. Mỗi năm, Thư viện tỉnh, huyện, các tổ dân phố và các thư viện trường học nhận được hàng trăm nghìn bản sách do cá nhân, tổ chức trao tặng, quyên góp. Đáng chú ý, trên địa bàn đã hình thành một số thư viện tư nhân do cá nhân tự bỏ tiền xây dựng, quản lý và hoạt động phục vụ cộng đồng. Việc phát triển rộng khắp các thư viện cộng đồng nằm trong mục tiêu đặt ra nhằm đa dạng hóa nguồn sách đến cho bạn đọc.

Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ: Con đường đến với tri thức tốt nhất đó là sách vở, việc hình thành thói quen đọc sách tốt nhất là ở lứa tuổi học sinh. Vậy nên tập trung xây dựng và hình thành văn hóa đọc trong trường học sẽ là cơ sở để xây dựng và hình thành văn hóa đọc ở cơ quan, đơn vị, gia đình và cộng đồng. 

Qua đó, ông Mai Sơn cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị và cá nhân trên địa bàn tỉnh cùng góp sức, chung tay để xây dựng và bồi dưỡng văn hóa đọc thông qua các hoạt động làm phong phú các thư viện, tủ sách, cập nhật thường xuyên, liên tục cập nhật các đầu sách hay, ý nghĩa nhằm thu hút bạn đọc. Một số trường học có thư viện hoạt động tốt, hiệu quả như thư viện trường Tiểu học Ngô Sỹ Liên (TP Bắc Giang) có hơn 5.000 đầu sách; Tiểu học Ngọc Sơn (Hiệp Hòa) gắn văn hóa đọc với nhiều hoạt động vui chơi ý nghĩa; Tiểu học Cao Xá 1 (Tân Yên); Đồng Sơn (TP Bắc Giang)… cần được nhân rộng. 

Ngoài ra, để việc được đọc sách thường xuyên hơn, các thư viện trường học, nhất là thư viện cộng đồng, tủ sách nhân dân cần xây dựng cơ chế hoạt động, phù hợp; có người thường xuyên mở cửa phục vụ nhu cầu đọc; xây dựng, xã hội hóa nguồn cung cấp, bổ sung số lượng đầu sách; tổ chức các hoạt động bổ trợ… nhằm hấp dẫn, thu hút người dân đến đọc sách…/.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang khơi dậy niềm yêu thích sách và văn hóa đọc trong nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO