Chuyển đổi số

Bắc Giang thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Đỗ Thêu 14:56 13/05/2023

Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành kế hoạch số 20/KH-UBND về Thực hiện Chương trình chuyển đổi số (CĐS) trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023 - 2025.

Mục đích của Kế hoạch nhằm đẩy mạnh CĐS, ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống, thu hẹp khoảng cách về dịch vụ giữa nông thôn - thành thị phù hợp với định hướng CĐS của tỉnh từng bước hướng tới NTM thông minh.

1.jpg
Ảnh minh hoạ.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

Về phát triển chính quyền số trong xây dựng NTM, toàn tỉnh phấn đấu có tối thiểu 95% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 85% hồ sơ công việc cấp huyện, 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; Tối thiểu 97% xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 có ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, điều hành của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông (TT&TT) theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM; 50% xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về TT&TT, chỉ tiêu 15.2 của Tiêu chí số 15 về Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao; Có ít nhất 70% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM; 25% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của Tiêu chí số 6 về Kinh tế, chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao; 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tập huấn, nâng cao năng lực về CĐS.

Về phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, tỉnh phấn đấu ít nhất có 70% xã có hợp tác xã (HTX), 70% huyện có mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của huyện và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Về xã hội số trong xây dựng NTM, toàn tỉnh có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân, cộng đồng về kết quả xây dựng NTM thông qua ứng dụng trực tuyến.

Về mô hình xã/thôn NTM thông minh, mỗi xã NTM kiểu mẫu phấn đấu có ít nhất 01 mô hình thôn đạt chuẩn thôn NTM thông minh theo tiêu chí Thôn NTM thông minh được quy định tại Quyết định số 739/QĐ-UBND ngày 26/7/2022 của UBND tỉnh. Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 15 Thôn NTM thông minh, ngoài các xã NTM kiểu mẫu, khuyến khích các xã NTM nâng cao đăng ký phấn đấu xây dựng thôn đạt chuẩn Thôn nông thôn thông minh.

Đối với chỉ tiêu xã thông minh, trên địa bàn tỉnh xây dựng 01 mô hình xã thương mại điện tử (TMĐT) Phúc Hòa (huyện Tân Yên) do trung ương chỉ đạo thực hiện giai đoạn 2023 - 2025; Thực hiện xây dựng mô hình xã TMĐT do địa phương chỉ đạo, thực hiện tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức; đào tạo tập huấn kiến thức về CĐS trong xây dựng NTM.

Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng NTM: Ứng dụng CNTT trong việc thực hiện cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng phục vụ CĐS nông thôn. Trong đó, tăng cường thực hiện cải cách hành chính gắn với chính quyền điện tử, DVCTT toàn trình và một phần ở cấp xã; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu (CSDL) các cấp; nâng cao chất lượng cung cấp thông tin, giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện, cá thể hóa, giảm thời gian, chi phí khi thực hiện các TTHC; Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị CNTT (mạng Internet không dây (wifi) miễn phí khu vực trung tâm xã, các điểm sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng, điểm du lịch nông thôn,...); Tăng cường áp dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, điều hành các cấp (huyện, xã), đặc biệt là quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn và các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường; tăng cường gửi, nhận văn bản, báo cáo điện tử, ký số văn bản; số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ điện tử...

Đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ số trong công tác quản lý, tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tổ chức triển khai, thông tin truyền thông, đào tạo và tập huấn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đảm bảo đồng bộ, thống nhất từ tỉnh - huyện - xã; Ứng dụng phần mềm quản lý trực tuyến trong công tác như: lập kế hoạch, thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; hỗ trợ công tác quản lý, giám sát và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; giám sát chất lượng môi trường, quản lý các nguồn chất thải, chất ô nhiễm và cấp nước sạch nông thôn; Số hoá, đồng bộ, kết nối và liên thông CSDL về NTM trên nền tảng dữ liệu lớn (big data) theo quy định, hướng dẫn của Trung ương.

Cùng với đó, thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; Đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn và tạo lập CSDL, thực hiện quản lý thông tin HTX nông nghiệp, mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực; Ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, TMĐT cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, đồng thời khuyến khích các cá nhân, DN sử dụng, cung cấp các dịch vụ số trong nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, phát triển xã hội số trong xây dựng NTM; ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM; Đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hạ tầng và kết nối mạng Internet đến cấp xã, thôn, bản (hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao; hạ tầng mạng di động 4G/5G; hạ tầng kết nối internet, hạ tầng kết nối IoT,...), Hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ số đầu tư, phát triển và cung cấp dịch vụ trực tuyến về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn... ở các địa phương; Tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động TT&TT cơ sở; phát triển, hiện đại hóa hệ thống đài truyền thanh xã, có cụm loa đến các xóm; Tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ số và kỹ năng an toàn, trọng tâm là DVCTT, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet.

Mặt khác, Tập trung triển khai thí điểm mô hình CĐS trong xây dựng NTM, ưu tiên lựa chọn xây dựng mô hình thôn NTM thông minh thuộc xã trong kế hoạch phấn đấu hoàn thành NTM kiểu mẫu; đảm bảo điều kiện xã NTM kiểu mẫu phải có ít nhất 01 mô hình thôn NTM thông minh.

Tiếp tục chỉ đạo tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút DN, tập đoàn viễn thông, CNTT đầu tư về cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn, bản; hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và TMĐT.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ kế hoạch; đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn các các huyện, thành phố, UBND các xã trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả các nội dung của Kế hoạch theo nhiệm vụ được phân công; Lựa chọn, đề xuất tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách các mô hình thí điểm xã, thôn NTM thông minh, xã TMĐT và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện theo quy định.

Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố phát triển hạ tầng số nông thôn; vận động, thu hút các DN viễn thông, CNTT để phát triển hạ tầng số; xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện các nội dung CĐS. Căn cứ tiêu chí thôn thông minh do UBND tỉnh ban hành, hướng dẫn các nội dung xây dựng tiêu chí thôn, xã thông minh.

Sở TT&TT phối hợp với các sở, ngành, địa phương bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ các cấp; phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân, tổ chức, DN khu vực nông thôn…/.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO