Thời điểm báo cáo Hạnh phúc thế giới năm nay được công bố đúng lúc cả thế giới đang vật lộn với đại dịch Covid-19, nhiều nơi chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, xã hội. Nhưng các tác giả của báo cáo Hạnh phúc đã chỉ ra, những quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao có thể dạy chúng ta về cách sống sót để vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19.
Năm 2020 là năm thứ 3 liên tiếp Phần Lan đứng đầu danh sách quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Các nước Bắc Âu khác như Đan Mạch, Iceland, Na Uy và Thụy Điển đều lọt vào top 10. Bí quyết của họ là gì?
"Họ có niềm tin rất lớn vào xã hội. Mỗi cá nhân đều cảm thấy gắn kết và tin tưởng xã hội. Điều này phổ biến ở các nước Bắc Âu hơn bất kỳ nơi nào khác", theo Giáo sư John Helliwell của đại học British Columbia, 1 trong các tác giả của báo cáo.
Báo cáo Hạnh phúc thế giới đã được chứng minh là một công cụ không thể thiếu cho các nhà hoạch định chính sách muốn hiểu rõ hơn điều gì đang khiến mọi người hạnh phúc và từ đó thúc đẩy sự thịnh vượng trong đời sống của người dân. Chúng ta có thể thấy, những yếu tố tác động tới hạnh phúc là thời gian, mạng lưới hỗ trợ xã hội tốt, niềm tin xã hội, chính phủ trung thực, môi trường an toàn và cuộc sống lành mạnh, theo đồng tác giả báo cáo, nhà kinh tế học Jeffrey Sachs.
Năm nay, trọng tâm của báo cáo là niềm hạnh phúc trong môi trường xã hội và gia đình - nghĩa là bao gồm sự gắn kết của mỗi người đối với bạn bè, cộng đồng. Điều này đặc biệt phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, khi cả thế giới đối mặt với dịch Covid-19. Đại dịch này là một cuộc khủng hoảng trên nhiều khía cạnh cuộc sống.
Giáo sư Helliwell đã chỉ ra các nghiên cứu được thực hiện sau thảm họa hạt nhân Fukushima 2011 ở Nhật Bản và các thảm họa thiên nhiên khác cho thấy các cộng đồng gắn kết mạnh mẽ bắt đầu có phản ứng và cách phối hợp tốt hơn, kiên cường hơn sau khi xảy ra khủng hoảng.
Có thể, những quốc gia như Mỹ cũng cho chúng ta những bài học. Năm nay, Mỹ đứng thứ 18 trên bảng xếp hạng các nước hạnh phúc. Mặc dù GDP rất cao, nhưng chỉ số hạnh phúc của nước này thì không tương xứng. Báo cáo cho thấy điều này có liên quan đến khoảng cách giàu nghèo, thiếu các dịch vụ phúc lợi xã hội và hỗ trợ xã hội cho người có thu nhập thấp.
Những xã hội bị phân cực, thiếu tin tưởng sẽ đối mặt với sự phân rã lớn khi khủng hoảng xảy ra. Trong khi ở Mỹ, những ví dụ ấm lòng về sự đoàn kết xã hội thì vẫn tồn tại những nhóm người ngờ vực, tích trữ thực phẩm vì sự lo lắng tăng cao. Điều này tác động rất lớn đến cách chúng ta đối phó với dịch bệnh Covid-19.
Jan-Emmanuel De Neve, giáo sư của Đại học Oxford, đồng tác giả của báo cáo hạnh phúc, tin rằng, cuộc khủng hoảng do Covid-19 sẽ diễn ra trong 3 phần: Sức khỏe, kinh tế (giảm thu nhập, thất nghiệp) và phần thứ 3 là hạnh phúc (làm thế nào để giữ tinh thần, sống vui khỏe khi chúng ta bị cô lập).
Những gì bạn có thể tìm thấy trong phần thứ 3 sẽ là sức mạnh và tầm quan trọng của cộng đồng. Bạn có bạn bè để dựa vào không? Gia đình bạn có phải điều quan trọng nhất? Cộng đồng bạn sống có sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau?
Các cộng đồng có sự gắn kết sẽ đối phó với dịch bệnh tốt hơn nhiều và những người trong cộng đồng đó nếu bị nhiễm bệnh cũng có thể phục hồi nhanh hơn. Những cộng đồng ít gắn kết lại tập trung vào sự phân biệt đối xử, đổ lỗi cho nhau về thảm họa tự nhiên, thiếu sự hợp tác và khó tìm ra cách đối phó tốt với dịch bệnh.
Một điểm khác được các tác giả báo cáo nêu lên là vai trò của phương tiện truyền thông trong việc bảo vệ các kết nối xã hội trong thời gian "cách ly cộng đồng" vì dịch bệnh. Trong thời gian mọi nơi đều hạn chế đi lại này, các phương tiện truyền thông đã trở thành một công cụ hữu ích để chống lại sự cô đơn.
Các tác giả đều đồng ý rằng, mọi người cần nuôi dưỡng ý thức xã hội. Đó sẽ là liều "vắc-xin thứ 2" trong khi chúng ta chờ đợi các nhà khoa học tìm ra vắc-xin chống lại virus SARS-nCoV-2: Một loại vắc-xin xã hội bảo vệ con người trước sự cô đơn, mất kết nối và những hệ quả có thể xảy ra khi bạn bị cô lập về mặt vật lý.
Theo Huffpost