Bàn thảo các chính sách tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong năm 2023

TC| 24/11/2022 16:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam nhằm phân tích và đánh giá quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, nghiên cứu các chính sách để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và phát triển trong năm tới.

Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển vượt trội nhờ nhiều yếu tố, như kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, kinh doanh dần mở cửa và hoạt động bình thường trở lại, xuất khẩu tăng mạnh, hoạt động du lịch khởi sắc, chi tiêu của người tiêu dùng được phục hồi. Trong quý III-2022, tăng trưởng GDP ước tính tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát dưới mức mục tiêu đề ra là 4%/năm.

Nhiều tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế Việt Nam trong những tháng vừa qua của năm 2022. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định bối cảnh kinh tế chung trên toàn cầu với những bất ổn tài chính gia tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 và 2024.

Vừa qua, Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam lần thứ hai đã được tổ chức tại Hà Nội. Chủ đề của sự kiện năm nay là "Tiếp tục phục hồi kinh tế - Các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng". Diễn đàn do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tổ chức.

Nhiều chuyên gia và nhà quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước như Ngân hàng Nhà nước; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham dự, cùng với các đối tác phát triển, lãnh đạo các doanh nghiệp và học giả trong nước và quốc tế. Diễn đàn nhằm phân tích và đánh giá quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, bàn thảo và nghiên cứu các chính sách để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và phát triển trong năm tới.

Thông qua diễn đàn này, những thông tin hữu ích và các giải pháp đề xuất đã được đưa ra, nhằm bổ sung, hoàn thiện hơn nữa hệ thống các giải pháp chính sách, giúp phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo nhận định, những rủi ro trong và ngoài nước có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam, như xung đột ở Ukraine, lãi suất quốc tế tăng, tỷ giá đồng USD và những nguy cơ suy thoái kinh tế ở châu Âu có thể ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu của Việt Nam, hay những diễn biến về thị trường trái phiếu, ngân hàng... 

Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ những nỗ lực triển khai Chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023. Dự báo Việt Nam vẫn sẽ cố gắng duy trì mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng.

Theo bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng cũng có nhiều rủi ro phía trước. Bà Ramla Khalidi cho rằng nền kinh tế Việt Nam phục hồi sau hai năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19 là một tín hiệu đáng mừng. Các gia đình Việt Nam sẽ bước vào năm Quý Mão 2023 với năng lực tài chính tốt hơn so với cùng thời gian năm ngoái.

Diễn đàn nhịp đập kinh tế lần đầu tiên được tổ chức là vào năm 2021, nhằm kết nối các quan chức chính phủ, các tổ chức học thuật, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tham gia vào các cuộc thảo luận toàn diện về các vấn đề kinh tế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bàn thảo các chính sách tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO