Truyền thông

Bàn về liêm chính nhân phiên toà xét xử vụ "chuyến bay giải cứu"

Cẩm Thuý 10/08/2023 14:10

Ở góc độ của một nhà lãnh đạo, liêm chính khó khăn và phức tạp hơn nhiều, vừa là sự nỗ lực của cá nhân người làm quản lý đã đành, nhưng đánh giá đúng về họ lại cũng đòi hỏi sự thấu hiểu.

Từ điển Tiếng Việt thì “liêm” là “không tham lam, trong sạch”, “chính” là “ngay thẳng, đúng đắn, trái với tà”, “liêm chính” là “trong sạch và ngay thẳng”. Tuy nhiên, hiểu một cách toàn diện và rộng hơn thì liêm chính là “việc tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực chung”.

Liêm chính là thuật ngữ hay được nhắc đến hiện nay, gắn với yêu cầu và đòi hỏi về một nền đạo đức công vụ. Nó là những phép tắc, chuẩn mực trong việc thực thi công vụ, điều chỉnh các mối quan hệ liên quan đến việc thực thi công vụ. Xây dựng và thực hiện liêm chính được xem như một giải pháp để tạo dựng một hệ thống miễn dịch cho nền công vụ trước sức tàn phá âm thầm nhưng gây ra tác hại rất lớn của tham nhũng, tiêu cực.

Ở nhiều nước trên thế giới, còn có qui định cụ thể về những hành vi được coi là vi phạm liêm chính… Ở Việt Nam, ngay trong những ngày đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ vừa được thành lập, trong thư gửi UBND các kỳ, huyện, tỉnh, làng ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân”. Như vậy Người nhấn mạnh đến việc xét về mặt bản chất nhà nước là nhà nước cách mạng phục vụ nhân dân và đề cao thanh liêm, đạo đức của công bộc.

Nhìn vào thực tế năm qua, đặc biệt là khi vụ đại án liên quan đến "chuyến bay giải cứu" chúng ta sẽ thấy những gì được Bác cảnh báo từ năm 1945 vẫn là một bài học lớn. Có thực tế một số mắt xích của nền công vụ được thực thi không dựa trên quy tắc và chuẩn mực chung, phải phong bì, cũng phải bôi trơn khiến niềm tin của nhân dân vào các cơ quan chính quyền, cán bộ công chức giảm sút. Nhìn vào số cán bộ bị xử lý kỷ luật, bị vướng vòng lao lý trong năm qua đã thấy một sự mất mát lớn do cán bộ không giữ được liêm chính.

Trong nền công vụ, liêm chính tức sự tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực chung gắn với từng vị trí công việc cụ thể của những người thực thi công vụ.

Văn hoá phương Đông từ xa xưa đã có những điển tích răn dạy rất hay. Trong đó, liêm chính của những người làm lãnh đạo được hiểu đầu tiên phải là giữ sự chuẩn mực, tuân thủ các nguyên tắc và đặc biệt là đề cao tính nêu gương.

Những việc yêu cầu người khác làm được thì mình trước tiên phải làm được, yêu cầu người khác không làm thì mình kiên quyết không làm. Tác phong của cán bộ lãnh đạo, không những liên quan đến phẩm chất, đạo đức, hành vi và hình ảnh của họ, mà với việc “người ở trên làm như thế nào thì người ở dưới làm như thế ấy” thì phong cách, tác phong của họ còn tác động đến việc hình thành nếp sống xã hội.

Ở trong sách Mạnh Tử có câu: Sự biểu hiện đạo đức của vua như gió, đông đảo người dân như cỏ, gió thổi hướng nào thì cỏ nghiêng về hướng ấy. Tất nhiên câu nói này thích hợp với bối cảnh xã hội phong kiến xa xưa, tuy nhiên, ý nghĩa của nó cũng không khác với đòi hỏi nêu gương của cán bộ trong thời điểm hiện nay, yêu cầu cấp dưới liêm khiết thì cần tự mình liêm khiết trước.

Liêm chính của những người ở vị trí quản lý nói cho cùng phải là phẩm chất được thể hiện bằng hành động thực tế và được đánh giá bằng kết quả cụ thể. Cho nên trong rất nhiều trường hợp có những người có những bước đi khác nhau, phương pháp khác nhau và sự đánh giá công tâm đối với họ là nhìn vào kết quả cuối cùng. Tất nhiên, đó phải là kết quả đứng trên lợi ích của nhân dân, của đất nước, bảo vệ quyền lợi cho số đông người lao động.

Cho nên con đường đi có thể khác nhau, nhưng phải đảm bảo được sự tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực chung. Điều này cho thấy nhân cách cần phải được đề cao, như một nhân tố quan trọng trong năng lực, yêu cầu cần phải có của một người ở vị trí lãnh đạo. Đó là trình độ văn hóa đủ để nắm vững và làm chủ sự phát triển phức tạp của xã hội hiện nay.

Đó là trình độ chuyên môn, là khoa học quản lý đủ năng lực khám phá, hiểu biết về con người và tâm lý con người, từ đó mới có thể đề ra các phương pháp quản lý thích hợp.Một cơ quan quản lý có liêm chính không phải chỉ là tìm lỗi và xử phạt các cơ quan thuộc hệ thống quản lý mà là phải tạo cơ chế cho cấp dưới phát huy hết sáng kiến, sự sáng tạo.

Tính nguyên tắc là điều phải giữ nhưng sự tinh tế cũng cần. Người làm quản lý nghiêm khắc với chính bản thân song phải độ lượng trong cách nhìn nhận, đánh giá cấp dưới và quần chúng.

Nói về sự liêm chính, đôi khi chúng ta hiểu đó như một khái niệm mơ hồ, rất khó để đánh giá cho thấu. Mặc dù như đã nói ở trên, về mặt khái niệm nó hiển nhiên là việc trong sạch và ngay thẳng, là việc tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực chung.

Như vậy khi nói đến liêm chính thì đương nhiên phải hiểu là việc tuân thủ pháp luật và các nguyên tắc, chuẩn mực chung, nhưng đồng thời nó cũng chính là phẩm chất của người làm quản lý, lãnh đạo.

Phẩm chất này được biểu hiện sinh động ở khả năng tiếp cận một cách phù hợp các hoàn cảnh, tình huống xuất hiện, tìm ra con đường ngắn nhất để đạt tới mục tiêu. Dù dưới hình thức này hay hình thức khác, dù thông qua các phong cách lãnh đạo, quản lý khác nhau, thì phẩm chất đạt được là phải tạo ra uy tín của con người ấy, tổ chức ấy.

Uy tín cao hay thấp, phụ thuộc vào khả năng phấn đấu, tu dưỡng của chủ quan của mỗi người. Uy tín có lẽ không tùy thuộc vào vị trí quản lý, chức vụ cao hay thấp mà uy tín của người quản lý được hình thành trên cơ sở của chính phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và phẩm chất trí tuệ của người đó.

mquan-liem-chinh-15436019335381378320509.jpg

Trong thực tế đã có không ít trường hợp những người ở vị trí quản lý một lĩnh vực, một hệ thống nào đó nhưng lại không có trình độ chuyên môn xứng tầm, không có một quá trình tích lũy, trau dồi. Họ đương nhiên không đủ uy tín ít nhất là trong lĩnh vực được giao quản lý. Việc bố trí cán bộ quản lý như vậy sẽ đẩy các cơ quan trong hệ thống mà cán bộ đó được giao quản lý vào những khó khăn nhất định do phẩm chất, năng lực của người quản lý không đủ tầm.

Nhưng nói liêm chính không phải chỉ phụ thuộc vào yếu tố phấn đấu, rèn luyện của cá nhân, mà phải có cơ chế để tạo ra liêm chính, có cơ chế để ngăn ngừa vi phạm liêm chính. Trong đó có việc chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, nhất là cán bộ quản lý xứng đáng với đòi hỏi về phẩm chất, năng lực của họ.

Nếu có được đội ngũ cán bộ quản lý xứng đáng thì họ cũng phải được trả công xứng đáng. Liêm chính không phải cứ nói suông là có được. Mặt khác, cũng cần công bằng trong đánh giá cán bộ quản lý, sự liêm chính của họ, đôi khi không phải là thứ dễ nhận ra ở những biểu hiện bên ngoài./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • ĐMST mở xã hội mang lại cho 90% doanh nghiệp cơ hội tạo giá trị kinh doanh bền vững
    Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD, hơn 90% các doanh nghiệp cho rằng đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở xã hội mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tạo ra giá trị kinh doanh bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
  • ‏FPT đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc‏
    ‏Mới đây, FPT vừa ký kết thỏa thuận hợp tác ba năm với OutSystems, chính thức trở thành đối tác phân phối và triển khai tại thị trường Hàn Quốc, đảm bảo thời gian ra mắt phần mềm của khách hàng được rút ngắn và tối ưu chi phí.
  • Người giữ bình yên nơi vùng cao
    Huyện Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất tỉnh, chiếm 56,92%, với địa hình rừng núi, giao thông đi lại khó khăn, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa đa dạng chính vì vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các bản làng luôn là nhiệm vụ được các cấp ủy Đảng quan tâm. Do đó, đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín luôn là đội ngũ nòng cốt góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng.
  • Tuyên Quang: Kiên trì phương châm “mưa dầm thấm lâu” để nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng DTTS&MN
    Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, góp phần giúp các kiến thức pháp luật về mọi mặt của đời sống ngày một đến gần hơn với người dân (đặc biệt là vùng đồng bào DTTS&MN).
Đừng bỏ lỡ
Bàn về liêm chính nhân phiên toà xét xử vụ "chuyến bay giải cứu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO