Indonesia thúc đẩy hoạt động minh bạch và liêm chính với chính phủ điện tử
Mới đây, Indonesia đã ban hành quy định về kiến trúc chính phủ điện tử quốc gia (SPBE) nhằm khắc phục các lỗ hổng tham nhũng và cải thiện các dịch vụ hành chính công thông qua chuyển đổi số tích hợp.
Kiến trúc SPBE quốc gia rất quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả và chính xác các quy trình hoạt động cũng như loại bỏ các quy trình dư thừa, phức tạp của chính phủ để cải thiện các dịch vụ công.
Theo Mahfud MD, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia, kiến trúc SPBE quốc gia được dự kiến sẽ làm giảm sự lặp lại của các ứng dụng và cơ sở hạ tầng CNTT-TT và tăng cường bảo mật thông tin.
Ông Mahfud cũng cho biết thêm, chuyển đổi số tích hợp có thể giúp ngăn chặn tình trạng tham nhũng trong quy trình dịch vụ và sử dụng ngân sách nhà nước. Việc triển khai kiến trúc SPBE cung cấp khả năng giám sát nhanh chóng, chính xác và minh bạch.
SPBE như một chất xúc tác trong việc thúc đẩy sự phát triển quốc gia, đồng thời đòi hỏi sức mạnh tổng hợp từ nhiều sáng kiến được quy định trong Kế hoạch Phát triển trung hạn Indonesia giai đoạn 2020-2024. SPBE cũng sẽ hỗ trợ thống nhất các dịch vụ của chính phủ thông qua một hệ thống chia sẻ thông tin và dữ liệu có thể tương tác tuân thủ chiến lược “One Data Indonesia”.
Ngoài ra, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia cho biết, sự hợp tác liên ngành trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, hàng hải và đầu tư, cũng như văn hóa và phát triển con người, là cần thiết để đẩy mạnh sự phối hợp của chương trình quốc gia giữa các cơ quan chính phủ.
“Mỗi Bộ điều phối chịu phải trách nhiệm thúc đẩy việc triển khai SPBE tại các bộ/cơ quan do mình quản lý”, ông nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong nỗ lực đẩy mạnh xây dựng một chính phủ minh bạch và liêm chính, Bộ Hành chính và Cải cách quan liêu Indonesia cũng đã làm việc với các thành viên Tổ điều phối Hệ thống Chính phủ điện tử quốc gia về nhiều vấn đề nhằm đẩy nhanh việc triển khai một chính phủ số trong sạch, hiệu quả, rõ ràng và có trách nhiệm. Trong đó, danh mục điện tử sẽ thúc đẩy quá trình hoạt động hiệu quả hơn và giảm thiểu tham nhũng bằng cách ghi lại các thủ tục giao dịch mua sắm của chính phủ trên hệ thống điện tử.
Số hóa hoạt động quản lý chính phủ cũng được thúc đẩy để xây dựng bộ máy hành chính hiệu quả. Để có những bước phát triển vượt bậc, bộ máy hành chính nhà nước phải thay đổi thói quen và hướng tới một nền văn hóa sáng tạo, minh bạch, và liêm chính để đáp ứng sự kỳ vọng của người dân.
Không chỉ Indonesia, Philippines cũng có nỗ lực tương tự để ngăn chặn tham nhũng bằng cách triển khai Hệ thống thông tin quản lý tài chính tích hợp (IFMIS). Ủy ban Quản lý Tài chính công Philippines (PFMC) đã phê duyệt một giải pháp tích hợp để theo dõi minh bạch các khoản chi và giải ngân tiền ngân sách.
Hệ thống này là một cơ sở dữ liệu tập trung, hoàn toàn tự động và dựa trên web sẽ giúp tạo ra thông tin quan trọng về tất cả các lĩnh vực hoạt động tài chính của chính phủ và hoạt động như một sổ cái trực tuyến nơi các giao dịch được ghi lại theo thời gian thực từ khi mua hàng đến khi thanh toán. Hệ thống sẽ cung cấp các báo cáo hợp nhất và theo thời gian thực, cải thiện hiệu quả hoạt động và khả năng phục hồi, đồng thời ngăn ngừa tham nhũng.
Trong khi đó, một quốc gia khác là Thái Lan cũng dự định ban hành một văn bản luật cho phép các tổ chức chống tham nhũng cấm các giao dịch trực tuyến bất hợp pháp và tội phạm mạng.
Ngoài ra, để cải thiện khả năng tiếp cận thông tin công khai, Bộ Kinh tế và Xã hội số Thái Lan đã đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ để hỗ trợ người dân sử dụng và giảm sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các thông tin trên môi trường trực tuyến./.