"Báo chí ASEAN - những góc nhìn so sánh"

H.N| 20/10/2016 09:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 19/10, tại Hà Nội, Trường Đại hoc Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện KAS (Cộng hoà Liên bang Đức) tổ chức Hội thảo: “Báo chí ASEAN - những góc nhìn so sánh”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Thư ký Liên đoàn các nhà báo ASEAN nhiệm kỳ 2015 - 2017 cho biết, cách đây gần một năm, ngày 27/11/2015, Liên đoàn Các nhà báo ASEAN (CAJ) kỷ niệm 40 năm thành lập, bàn thảo và quyết định nhiều vấn đề quan trọng nhằm tăng cường mối quan hệ, củng cố sự liên kết của Liên đoàn và tạo ra một dấu mốc quan trọng để Liên đoàn trở thành “ngôi nhà chung” của tất cả các nhà báo khu vực Đông Nam Á như hiện nay.

Trong nhiều năm qua, CAJ đã thể hiện vai trò tích cực, nỗ lực thúc đẩy môi trường báo chí, mang tính xây dựng, chia sẻ và đề cao các chuẩn mực đạo đức người làm báo Dẫn chứng sinh động nhất là việc CAJ đã thông qua Quy tắc đạo đức báo chí, khẳng định các giá trị tổng quan và đặc thù. Quy định về đạo đức báo chí đề cao tính nhân văn, nhấn mạnh vai trò trách nhiệm và lương tâm của người làm báo, trước hết là nguyên tắc trung thực, khách quan, phấn đấu vì sự công bằng trong xã hội.

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: daibieunhandan.vn)

Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, để giữ vững hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển rất cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của CAJ, của báo chí các nước ASEAN trong việc tăng cường sự hiểu biết giữa các dân tộc, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia; đề cao công lý trong giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế; hướng dư luận tới những giá trị tốt đẹp, góp phần cho sự phát triển thịnh vượng của Cộng đồng ASEAN và thế giới.

Hội thảo tập trung thảo luận các nội dung: Khái quát về quá trình hình thành và phát triển của báo chí ASEAN; Định vị những nét tương đồng và những sắc thái khác biệt cơ bản giữa báo chí các nước; Phân tích về tầm nhìn ASEAN và những thách thức, cơ hội mới cho nền báo chí mỗi quốc gia và cả khu vực; Phác thảo về những ý tưởng, mục tiêu và phương thức hoạt động để báo chí toàn khu vực ASEAN phát triển ở tầm cao hơn, hợp tác chặt chẽ hơn vì một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng.

Trong khuôn khổ hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đã thông báo về giải ảnh báo chí: “ASEAN - Một cộng đồng” của Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ).

Đây là hoạt động nghiệp vụ có ý nghĩa trong CAJ, mở rộng cho tất cả các hội viên nhà báo, các tổ chức nhà báo trong Cộng đồng ASEAN nhằm tăng cường sự đoàn kết và liên kết giữa các nhà báo, các tổ chức nhà báo trong Cộng đồng; tăng cường trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ, nâng cao sự đóng góp của CAJ vào quá trình phát triển khu vực và nâng cao tầm ảnh hưởng của CAJ tại mỗi nước, trong khu vực cũng như trên thế giới.

Nội dung của những bức ảnh dự thi: Phản ánh vẻ đẹp cuộc sống con người các nước trong khối ASEAN, những khoảnh khắc đẹp của đời sống thường ngày, phong tục dân gian, nét văn hóa truyền thống và hiện đại; hoặc các hoạt động thể hiện mối liên kết và quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết giữa các nước thành viên trong cộng đồng ASEAN, vì một ASEAN hòa bình và thịnh vượng.

Các bức ảnh dự thi phải theo đúng quy định như ảnh tin (màu và đen trắng) được chụp trong vòng 3 năm qua. Với ảnh kỹ thuật số, ảnh panorama phải định dạng JPG hoặc JPEG (kích thước tối thiểu 2000 x 1500 pixel, dung lượng tối thiểu 1MB, tối đa 10MB, độ phân giải 300 DPI).

File ảnh phải được đặt tên và chú thích bằng tiếng Anh cho từng ảnh (không quá 200 từ) kèm theo thông tin về tác giả: Họ và tên, quốc gia.

Các hội viên Hội Nhà báo gửi ảnh về Ban Tổ chức giải, địa chỉ email: bannghiepvu.hnb@gmail.com hoặc Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, 59 Lý Thái Tổ, Hà Nội.

Hạn cuối để nộp ảnh dự thi là ngày 10/11/2016. Dự kiến, Ban Tổ chức sẽ trao giải vào cuối tháng 12/2016./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Báo chí ASEAN - những góc nhìn so sánh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO