Báo chí kiến tạo để trở lại giá trị cốt lõi

Tâm An| 21/12/2022 19:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 21/12, Tạp chí Thông tin và Truyền thông (TT&TT) - Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo khoa học “Báo chí kiến tạo" đã đưa ra những gợi mở về báo chí kiến tạo cho các cơ quan báo chí Việt Nam; cách thức hạn chế khuynh hướng thông tin tiêu cực trong báo chí và giải pháp để báo chí lấy lại niềm tin của công chúng.

Báo chí kiến tạo là trở về với giá trị cốt lõi của mình

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập báo Vietnamnet cho rằng, phản biện xã hội là nhu cầu khách quan của xã hội, xã hội càng tiến bộ thì càng cần phản biện xã hội. Một trong những công cụ để người dân thực hiện phản biện xã hội là báo chí. Tuy nhiên trong thời gian qua, có vẻ như báo chí đang bị cuốn hút bởi những thông tin tiêu cực.

Ông Bá cho rằng, "Thiên kiến tiêu cực có thể hiểu là xu hướng báo chí. Không chỉ ghi nhận các kích thích tiêu cực dễ dàng hơn mà còn chú ý vào những sự kiện này. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tin tức tiêu cực có nhiều khả năng được coi là trung thực hơn. Vì thông tin tiêu cực thu hút sự chú ý nhiều hơn, nó cũng có thể được coi là có giá trị cao hơn. Đây có thể là lý do tại sao "tin xấu" dường như thu hút nhiều sự chú ý hơn. Thậm chí nhiều cơ quan báo chí còn đưa "view" thành một tiêu chí đối với phóng viên, là tiêu chuẩn đánh giá người làm báo.

Trên thực tế trước sức ép truyền thông xã hội, một số tờ báo, nhà báo có biểu hiện "đánh mất mình". Thời gian gần đây, trên một số tờ báo tràn lan những thông tin tiêu cực về kinh tế, vụ án hay những vụ học sinh tự tử. Những thông tin này không phải là tin giả (fake news) và bạn đọc phần nào đó cũng cần được thông tin về những vụ việc này. Vấn đề là liều lượng thông tin tiêu cực quá nhiều tạo nên bức tranh xã hội không tươi sáng, chưa phản ánh thực tế cuộc sống.

Từ đó, tại nhiều cơ quan báo chí nước ngoài và tại Việt Nam, xu hướng "báo chí giải pháp", "báo chí truyền cảm hứng" hay tin tức kiến tạo đã và đang chiếm ưu thế.

Trên thế giới, "Báo chí kiến tạo" (báo chí giải pháp, báo chí xây dựng, báo chí truyền cảm hứng…) có thể được coi là một phản ứng đối với tình trạng lá cải, giật gân và thiên kiến tiêu cực ngày càng gia tăng của các phương tiện truyền thông ngày nay. Đó là cách tiếp cận nhằm mục đích cung cấp cho công chúng một bức tranh công bằng, chính xác và có bối cảnh thực tiễn, mà không quá nhấn mạnh vào tiêu cực và những gì đang xảy ra.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí ngày 21/6 vừa qua đã nhấn mạnh: "Chúng ta cần một nền báo chí thúc đẩy xã hội cùng suy nghĩ để mang lại giải pháp chứ không chỉ là một lực lượng báo chí chỉ biết đưa tin và bình phẩm không mang tính xây dựng. Báo chí bình phẩm thì người dân cũng sẽ bình phẩm, báo chí giải pháp thì người dân cũng sẽ tìm giải pháp".

Báo chí kiến tạo  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập báo Vietnamnet: Có thể coi báo chí kiến tạo là việc báo chí trở về với cốt lõi của mình.

Tổng Biên tập báo Vienamnet cũng nhận định, báo chí kiến tạo không xa lạ với nền báo chí Việt Nam. Bởi lẽ, thực tế bằng hành động nhiều tờ báo đã đưa ra giải pháp cho các cơ quan chức năng hoặc thu thập những giải pháp từ người dân để chuyển đến cơ quan chức năng…

"Có thể coi báo chí kiến tạo là việc báo chí trở về với cốt lõi của mình, tuy nhiên, báo chí kiến tạo thực chất là gì, áp dụng ở Việt Nam ra sao khi điều kiện của chúng ta có những đặc điểm riêng; làm sao để hạn chế thông tin tiêu cực trên báo; liều lượng như thế nào là đủ… là những câu hỏi đặt ra với báo chí Việt Nam", Tổng Biên tập báo Vietnamnet nhấn mạnh.

Còn theo TS. Vũ Thanh Vân, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, báo chí kiến tạo là trường phái báo chí nhấn mạnh trách nhiệm và vai trò tích cực của báo chí trong việc xây dựng xã hội lành mạnh. Khi càng ngày nhiều vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội phức tạp nảy sinh, vai trò tích cực của báo chí càng được coi trọng. Nếu báo chí tô đậm những vấn đề tiêu cực với mục đích cung cấp thông tin giật gân, câu khách thì càng làm cho xã hội trở nên rối ren, phức tạp hơn. Báo chí có quyền và trách nhiệm đấu tranh với tiêu cực nhưng cần trả lời một cách nghiêm túc các câu hỏi: Báo chí đấu tranh vì mục tiêu tối hậu nào? Đấu tranh vì lợi ích của ai? Đấu tranh như thế nào? Việc trả lời các câu hỏi này sẽ quyết định tính chất kiến tạo, tích cực của báo chí.

Chia sẻ về thực trạng thông tin tiêu cực trên báo chí thời gian qua, bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết, qua đo quét của Cục Báo chí, những chùm bài, bài viết được chia sẻ nhiều nhất thường có yếu tố liên quan đến các vụ việc tiêu cực. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã nhiều lần khẳng định về con số tỷ lệ bài liên quan đến tiêu cực cần giảm xuống dưới 10%, vì nếu tỷ lệ này cao hơn sẽ trở thành dòng chảy chính của xã hội.

Đề cập đến báo chí kiến tạo, bà Giang cũng cho biết thêm, vừa qua Cục Báo chí đo quét các thông tin về dịch COVID-19 và nhận thấy báo chí đưa tin trong đại dịch được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu khi đại dịch xuất hiện tại Việt Nam, khoảng 30-40% tổng số tin bài trên các báo là về COVID-19, thời điểm đó Cục Báo chí gọi là báo chí phản ánh. Đến giai đoạn tiếp theo, khi có vaccine, báo chí chuyển sang hướng dẫn cho người dân về tiêm vaccine, cách phòng chống bệnh… đó là báo chí hướng dẫn. Và giai đoạn thứ ba là phục hồi sau dịch, gọi là báo chí giải pháp hay báo chí kiến tạo.

"Qua công tác đo quét, chúng tôi nhận thấy, báo chí giải pháp hay báo chí kiến tạo sẽ giúp ích rất lớn cho công tác quản lý và là những câu chuyện xã hội cần", bà Giang nhấn mạnh.

Báo chí và doanh nghiệp cần hướng tới mục tiêu chung về một xã hội phát triển tốt đẹp hơn

Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết: Thông tin từ báo chí rất cần thiết, với người dân và đặc biệt với doanh nghiệp (DN). Những kết quả khảo sát của VCCI nhiều năm gần đây cho thấy DN biết đến chính sách, pháp luật của Nhà nước, DN hiểu về các hiệp định thương mại… phần lớn đến từ các cơ quan báo chí.

Báo chí kiến tạo  - Ảnh 2.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế VCCI.

Hằng ngày, hằng giờ có rất nhiều bản tin, bài báo đăng tải, viết về pháp luật và chính sách. Rõ ràng báo chí giúp rút ngắn khoảng cách giữa nghị trường và người dân, là kênh dẫn chính sách vào cuộc sống. Ngược lại, các nhà hoạch định chính sách cũng biết đến dòng chảy thực tế cuộc sống qua báo chí. Đã có những bài báo có thể đánh động lên cả cấp cao nhất, làm thay đổi cả những chính sách lớn.

Báo chí chính là nơi phù hợp nhất để phát hiện các bất cập trong thực tiễn hoạt động kinh doanh, từ đó cộng đồng DN đề xuất các sáng kiến sửa đổi hoặc xây dựng chính sách, pháp luật mới đáp ứng các đòi hỏi thực tế. Những thông tin đăng tải từ báo chí không chỉ chuyển tải thông tin mà còn giúp khởi động các hành động chính sách từ các cơ quan nhà nước. Có rất nhiều ví dụ từ việc bãi bỏ nhiều giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh trong quá trình thực hiện Luật DN 1999 trước đây cho đến quá trình cải cách thủ tục hành chính, soạn thảo các nghị định về điều kiện kinh doanh gần đây, báo chí luôn đóng một vai trò quan trọng.

Báo chí có thể xem là diễn đàn cho những trao đổi nhiều chiều về các dự thảo chính sách, pháp luật giữa các DN, giữa DN và các giới, huy động trí tuệ của xã hội vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật kinh tế; Lấy ý kiến đối với các chính sách, pháp luật kinh tế không chỉ là việc tìm kiếm một vài ý kiến của một vài DN, đơn vị, cá nhân đối với các dự thảo. Lấy ý kiến là hoạt động để đưa hơi thở cuộc sống vào chính sách, lập pháp, lập quy, là cách để nâng cao tri thức, tăng cường sự quan tâm của DN, người dân vào các chính sách, pháp luật và là sự chuẩn bị cho quá trình thực thi. Để làm được điều này, việc góp ý phải được thực hiện rộng rãi, nhiều chiều.

Khi đến được nhiều người, rõ ràng báo chí là công cụ hữu ích để tạo dư luận và sức ép để các cơ quan soạn thảo chính sách, pháp luật cẩn trọng và cầu thị trong tiếp thu ý kiến của DN và cộng đồng, chuyển tải các ý kiến này vào nội dung các chính sách, pháp luật liên quan.

"Nếu như tiếng nói hay đề nghị của một vài DN, một vài hiệp hội có thể dễ dàng bị bỏ qua thì các thảo luận rộng rãi về các dự thảo chính sách trên báo chí, dư luận xã hội được tạo thành từ các thông tin được cung cấp trên báo chí lại có một sức mạnh mà các cơ quan hoạch định chính sách buộc phải quan tâm. Điều này đã được chứng minh qua nhiều trường hợp gần đây, các quy định vô lý về điều kiện kinh doanh, nhiều nghị định, thông tư vừa ban hành đã bị rút lại hay đình hoãn vì sức ép từ dư luận, báo chí", ông Đậu Anh Tuấn nhận định.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, mệnh đề "nếu như thông tin báo chí đăng tải là chính xác" được nhiều DN, nhà nghiên cứu hay cả quan chức Nhà nước dẫn ra khi họ nhận được yêu cầu bình luận về những vấn đề mà báo chí đăng tải, phản ánh. Đáng lo ngại, dường như mệnh đề này có xu hướng được sử dụng nhiều hơn theo thời gian.

Một số bài báo nhận định, phân tích về ngành hàng hay chính sách tại Việt Nam, tưởng như vô thưởng vô phạt, nhưng đăng tải không chính xác về sự việc và thiếu sự nhạy cảm cần thiết, dẫn tới những thông tin bất lợi cho DN và ngành hàng đó. Chẳng hạn một số vụ kiện phòng vệ thương mại mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở nước ngoài, có những trường hợp phía nước ngoài dựa trên chính những bài báo tại Việt Nam (về nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, về các biện pháp hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước…) làm căn cứ, bằng chứng để kiện bên Việt Nam trong khi sự thật có thể không phải như vậy.

Ông Đậu Anh Tuấn cũng cho biết, bản thân ông từng "giật mình" khi một nhà đầu tư nước ngoài trong cuộc gặp gần đây hỏi thẳng thắn về việc "ông có thấy kinh doanh ở Việt Nam đang rủi ro và đắt đỏ hơn không vì… báo chí?".

Dưới con mắt của các nhà đầu tư, những vụ vội vàng đăng tải thông tin sai lệch về sản phẩm, dịch vụ khiến DN khốn đốn, thậm chí dễ dàng phá sản, những hành động "tống tiền" DN của một số phóng viên kém đạo đức của một số báo, sự yếu kém và chậm trễ của hệ thống tư pháp trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN… tất cả đều được tính toán là rủi ro và chi phí về đầu tư. Với những nhà đầu tư lớn và kỹ tính thì họ càng e ngại về rủi ro này ở Việt Nam hơn bao giờ hết.

Nhận định, báo chí đang đóng góp quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng báo chí cũng có thể đang làm môi trường đầu tư và kinh doanh rủi ro hơn và đắt đỏ hơn, ông Tuấn cũng bày tỏ mong muốn rằng DN và báo chí là hai đối tác quan trọng của nhau.

"Báo chí cần thông tin, DN cần diễn đàn. Cả hai đối tác hướng tới một mục tiêu chung về một xã hội phát triển tốt đẹp hơn. Thậm chí mong ước có được những quỹ đấu tranh bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quỹ hỗ trợ dành cho những phóng viên điều tra xuất sắc mà DN chung tay đóng góp", ông Tuấn chia sẻ.

Xây dựng một nền báo chí kiến tạo có trách nhiệm xã hội

Chia sẻ về giải pháp xây dựng một nền báo chí kiến tạo, luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nhận định, trước hết báo chí phải là hơi thở của cuộc sống, cuộc sống như thế nào báo chí phản ánh như thế. Muốn có một nền báo chí chỉ có những điều tốt đẹp thì chúng ta phải cùng chung tay nhau xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Thứ hai là hoàn thiện hành lang pháp lý. Và cuối cùng là vấn đề đảm bảo kinh tế báo chí.

Về vấn đề kinh tế báo chí, theo luật sư Vũ Danh Quế, nghề báo cực kỳ vất vả, nguy hiểm, thu nhập còn hạn chế. Do đó, muốn phát huy vai trò, nhiệm vụ của báo chí thì trước tiên phải giải quyết và nâng cao được cuộc sống của các nhà báo và cơ quan báo chí.

Bên cạnh đó, Luật sư Vũ Danh Quế cũng hoàn toàn đồng tình với đề xuất của ông Đậu Anh Tuấn là cần có quỹ hỗ trợ các phóng viên xuất sắc và những cơ quan báo chí lành mạnh.

Mặt khác, vị luật sư cũng cho rằng, hiện nay Việt Nam đang thiếu cơ sở pháp lý cho các cơ quan báo chí kêu gọi tài trợ, quảng cáo. Do đó, Luật tài trợ cần sớm được Quốc hội thảo luận và ban hành để các cơ quan báo chí có cơ sở pháp lý để triển khai.

Báo chí kiến tạo  - Ảnh 3.

PGS.TS. Nguyễn Văn Dững chia sẻ tại hội thảo.

Trong khi đó, đề cập đến vấn đề quan trọng để có một nền báo chí kiến tạo, PGS.TS. Nguyễn Văn Dững đưa ra ba yêu cầu đối với các cơ quan báo chí hiện nay.

Đầu tiên, báo chí kiến tạo phải đưa tin khách quan, nói lên sự thật mang tính chọn lọc. Đây chính là sức mạnh của báo chí.

Thứ hai, báo chí phải giám sát và phản biện xã hội. Theo đó, báo chí giám sát quá trình thực thi chính sách để phát hiện những lỗ hổng, bất cập, từ đó giúp các cơ quan chức năng kiến tạo chính sách mới, đồng thời cơ quan báo chí cũng phải tham gia phản biện chính sách, phát huy vai trò phản biện xã hội của báo chí truyền thông. Việc phản biện các chính sách là vấn đề lớn, cần được thực hiện trên nguyên tắc công khai và minh bạch để tạo dựng niềm tin xã hội.

Thứ ba, là cần nâng cao trình độ đối với đội ngũ nhà báo. PGS.TS. Nguyễn Văn Dững nhấn mạnh, người làm báo cần nêu cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm đạo đức và xã hội khi lựa chọn vấn đề, sự kiện và thông tin. Đồng thời các nhà báo cần nâng cao kỹ năng khai thác dữ liệu và phát triển mạnh mẽ mảng báo chí điều tra./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí kiến tạo để trở lại giá trị cốt lõi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO