Báo chí sẽ không “đơn độc” trong công cuộc phòng chống tham nhũng

21/06/2018 16:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhiều vụ việc vi phạm lĩnh vực an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, vụ án tham nhũng… đã được báo chí phát hiện, cùng vào cuộc với cơ quan chức năng để tìm ra sự thật. Vai trò của báo chí trong việc thực hiện chức năng phản biện xã hội, cũng như đấu tranh phòng chống tham nhũng được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao thời gian qua. Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Nhân Dân điện tử xin ghi lại ý kiến của các đại biểu Quốc hội chia sẻ về vai trò của báo chí trong xã hội hiện nay.

Các phóng viên tác nghiệp tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Ông Nguyễn Bá Sơn - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Hoạt động phản biện của báo chí góp phần quan trọng đưa thông tin đến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Vai trò báo chí trong phòng chống tham nhũng đã để lại dấu ấn trong những năm qua.

Có hai việc thể hiện rõ nét sức mạnh của báo chí. Một là việc phát hiện. Các phóng viên đã làm công việc của nhà điều tra xã hội trong một hoàn cảnh thực hiện nhiệm vụ bằng con đường độc lập, bằng ý chí, bằng quyết tâm, lòng yêu nghề. Đó là điều đáng quý. Với vai trò là người nhiều năm làm công tác trong cơ quan tư pháp, tôi mong báo chí sẽ tiếp tục làm tốt vai trò đó.

Hai là, tham nhũng là câu chuyện trong nội bộ khó phát hiện. Các bạn báo chí có lợi thế đứng phía ngoài hệ thống đó, sẽ có đánh giá khách quan về hiện tượng và về nghi vấn để đặt vấn đề có hay không hiện tượng tham nhũng. Trong hệ thống, muốn đặt vấn đề tham nhũng phải có chứng cứ, tư liệu, phải trải qua quy trình, thủ tục dài, trải qua nhiều công việc khó khăn mà không phải lúc nào cũng làm được. Tôi nghĩ, chính vì thế báo chí trong thời gian vừa rồi đóng góp tích cực cho công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Tôi mong muốn có một số thông tin báo chí đặt ý kiến phản biện, nêu ra và phân tích cần phải làm rõ hơn nữa, để người dân hiểu sâu hơn, tránh những hiểu chưa đúng hoặc làm cho sự hiểu của người dân sai đi, dẫn đến hiểu khác, gây bất lợi chung cho xã hội. Đặc biệt, báo chí phải tìm đúng chỗ, chỉ đúng địa chỉ. Chỉ cần điều đó sẽ đem lại hiệu quả lớn cho công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Với kết quả của công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng vừa rồi, các bạn hãy tin rằng, bên cạnh các bạn còn rất nhiều người, nhiều cá nhân, nhiều tổ chức sẵn sàng ở bên cạnh.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

Công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả đáng trân trọng, trong đó có sự đóng góp đáng kể của cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là lực lượng phóng viên hết lòng vì dân, vì nước. Họ kịp thời đưa tin, phản biện, giúp cho công tác phòng chống tham nhũng có thêm thông tin quý báu để việc phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, tòa xử có sơ sở thông tin, thêm căn cứ nhất định để xử đúng người, đúng tội. Tôi đánh giá rất cao và biểu dương tinh thần làm việc của đội ngũ phóng viên, sẵn sàng hy sinh tính mạng, tài sản của mình, phản ánh những vấn đề xã hội ra trước công luận và công chúng.

Hiện nay, có những tờ báo thể hiện đúng vai trò của mình trong việc phản biện xã hội. Đó là yếu tố cần cho việc xây dựng hệ thống luật pháp. Bởi vì hiện nay, tất cả mọi việc đều phải có thăm dò dư luận xã hội. Qua dư luận xã hội, cơ quan quản lý sẽ xem xét chính sách, quyết định của mình đúng chưa, cái gì cần chỉn chu, cần tiếp thu. Phản biện không có nghĩa là cái gì cũng đúng nhưng đó là thông tin phản hồi cần phải trân trọng và xem xét. Tôi nghĩ có phản biện hay nhưng có phản biện chưa bao quát hết. Vai trò báo chí vừa qua có thể hiện cái đó nhưng cần tiếp tục phản biện sâu hơn nữa.

Ông Bùi Thanh Tùng - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Báo chí thật sự theo sát dư luận xã hội, đã phản ánh khá đầy đủ ý kiến nguyện vọng và cử tri của nhân dân. Đặc biệt trong một số vấn đề quan trọng của đất nước, nắm bắt dư luận của nhân dân thì báo chí đã làm tốt vai trò phản biện. Thực tế, có nhiều vụ việc vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm nhưng công tác phối hợp thực hiện pháp luật chưa tốt, trách nhiệm của cơ quan quản lý chưa tốt, có sự nể nang, e ngại trong việc phát hiện hay xử lý trường hợp vi phạm nên phải đợi khi báo chí vào cuộc, có ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước mới xắn tay xử lý rốt ráo. Như vậy, báo chí có vai trò quan trọng phát hiện các vụ vi phạm pháp luật, đặc biệt trong chống tham nhũng hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác tuyên truyền của một số báo chí cần quan tâm hơn đến khía cạnh mặt phải. Có một số báo chí đang quan tâm giật tít ý kiến phản biện hoặc đi sâu vào những quan điểm gai góc nhưng chưa đi sâu phân tích điểm đúng, điểm quan trọng mà Quốc hội bàn về những vấn đề quan trọng của đất nước, những dự án luật. Những tuyên truyền, phản biện hơi thái quá sẽ tạo ra sự hiểu sai, sự ngộ nhận trong cộng đồng, nhân dân, có thể dẫn đến hiểu sai về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tôi cho rằng, về mặt quản lý nhà nước, một mặt, báo chí cần phát huy tốt hơn vai trò phản biện xã hội, cũng như cung cấp thông tin từ dư luận xã hội cho các cơ quan quản lý nhà nước nhưng đồng thời cũng có quản lý chặt chẽ hơn, chấn chỉnh thông tin chưa sát, chưa khách quan, có tính chất thổi phồng hoặc sai lệch.

Việc phản biện rất cần thiết nhưng để phản biện tốt hơn nữa, báo chí một mặt phản ánh dư luận xã hội, mặt khác tăng cường các phóng sự điều tra, có những minh chứng cụ thể để chứng tỏ những thông tin báo chí đưa là chuẩn xác, tăng tính thuyết phục. Ngoài phản biện, có nhiều gương tốt, nhiều công việc người dân hoặc cộng đồng làm tốt cho đất nước. Báo chí nên cần có nhiều thông tin về nội dung này để người dân thấy thật sự xã hội chúng ta không chỉ có mặt trái mà có rất nhiều điều tốt đẹp.

NHÓM PHÓNG VIÊN 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí sẽ không “đơn độc” trong công cuộc phòng chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO