Báo chí, truyền thông thu hẹp bình đẳng giới trong bối cảnh công nghệ số

TH| 27/10/2022 11:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Với nỗ lực không ngừng trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực.

Sáng nay 27/10/2022, tại Hà Nội, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia "Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số".

Hội thảo “Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số” - Ảnh 1.

TS. Dương Kim Anh: Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết: Ngày 3/3/2021, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 ban hành cùng Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới; tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Chiến lược cũng nêu rõ trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới; tăng thời lượng phát sóng, số lượng bài viết và nâng cao chất lượng tuyên truyền về bình đẳng giới trong các chương trình, chuyên trang, chuyên mục. 

Ngày 23/10/2021, Chính phủ ban hành Quyết định 1790/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030, đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới.

TS. Dương Kim Anh khẳng định: Với nỗ lực không ngừng trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quả trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ số 3 (MDG3) về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, trong đó có Mục tiêu phát triển bền vững số 5 (SDG5) về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em.

Hội thảo “Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số” - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo "Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số" tập trung vào 03 nhóm chủ đề chính: Truyền thông trong bối cảnh công nghệ số; Thực trạng vấn đề giới trên báo chí, truyền thông; Một số vấn đề khác liên quan đến chủ đề Hội thảo (từ góc độ pháp luật, đạo đức, văn hoá, thực hành...).

Hội thảo đã nhận được hơn 80 đề xuất viết bài đến từ nhà khoa học, học giả trong nước và quốc tế; giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh từ các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu; các nhà quản lý, hoạt động xã hội; các cơ quan báo chí, truyền thông. Qua quá trình phản biện, Ban Tổ chức đã lựa chọn và thông qua 37 tham luận chất lượng, đạt tiêu chuẩn về tính khoa học, tính lý luận và giá trị thực tiễn, được chọn in trên Kỷ yếu khoa học có chỉ số ISBN.

PGS. TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam đã khẳng định: Báo chí, truyền thông có sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc truyền tải thông tin về bình đẳng giới, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng. Việc tuyên truyền, vận động, lan tỏa những hình ảnh, thông điệp đúng đắn, sâu sắc, toàn diện về bình đẳng giới vừa là vai trò và cũng là thách thức đối với báo chí, truyền thông.

Đồng thời, PGS. TS. Trần Quang Tiến cũng nhấn mạnh những tác động của công nghệ số tới sự truyền tải thông điệp bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông: "Công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và sự bùng nổ mạng xã hội đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ các loại hình báo chí, truyền thông được sản xuất và phát hành nhanh chóng, dễ dàng qua các ứng dụng đa phương tiện. Đây là các nền tảng truyền thông mới, có tốc độ lan tỏa nhanh, hiệu ứng tác động mạnh, nhưng hiện nay còn thiếu các chế tài kiểm soát chặt chẽ, xử lý kịp thời các nội dung, hình ảnh truyền thông chưa phù hợp, nhất là những sản phẩm có nhạy cảm giới".

Hội thảo là một diễn đàn khoa học có ý nghĩa đặc biệt trong việc nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong nâng cao nhận thức về bình đẳng và công bằng giới. Báo chí, truyền thông cũng cần tạo ra và duy trì các khuôn mẫu, chuẩn mực mới tiến bộ, phù hợp với sự phát triển, đồng thời dần dần loại bỏ những khuôn mẫu và chuẩn mực cũ không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay./.

Bài liên quan
  • Trí tuệ nhân tạo và bình đẳng giới
    Sự quan tâm đến các công cụ AI tạo sinh đang bùng nổ trên toàn thế giới - nhưng nhân viên nữ đang tụt hậu so với đồng nghiệp nam trong việc sử dụng công nghệ. Điều đó có thể có ý nghĩa lớn không chỉ đối với lộ trình nghề nghiệp của cá nhân mà còn đối với các công ty đang tạo ra và lấp đầy các công việc trong tương lai.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí, truyền thông thu hẹp bình đẳng giới trong bối cảnh công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO