Ngày nay, trước sự bùng nổ của CNTT, Internet và chuyển đổi số (CĐS), người dùng có cơ hội tiếp cận một cách nhanh chóng những sản phẩm số trên không gian mạng, đó có thể là một bản nhạc, một tác phẩm điện ảnh, một ấn phẩm sách, dịch vụ số... nhưng không phải sản phẩm nào khách hàng tiếp cận cũng đáp ứng các yêu cầu về SHTT.
Từ thực tế đó, đặt ra bài toán về vấn đề bảo hộ quyền SHTT đối với các sản phẩm số, sản phẩm trí tuệ, cũng như trách nhiệm và nghĩa vụ của các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ trung gian trong lĩnh vực SHTT.
SHTT thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại Hội thảo "Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông", Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như giá trị của việc bảo hộ SHTT có thể mang lại sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, thực hiện tốt quyền SHTT sẽ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST), bảo hộ được thành quả của hoạt động sáng tạo; khuyến khích các hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ, qua đó tạo ra được những tài sản trí tuệ mới.
Bảo hộ SHTT cũng giúp đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ và giao dịch tài sản trí tuệ. Đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên có liên quan như nhà sáng tạo, nhà sử dụng tài sản trí tuệ, công chúng được hưởng thụ, các DN cung cấp các dịch vụ trung gian viễn thông, Internet hoạt động trong lĩnh vực TT&TT.
Bên cạnh đó, có thể giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam cũng như năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế nói chung; tạo lập được môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài… Đặc biệt là bảo vệ được lợi ích quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Từ thực tế đó, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh: "Chúng ta cần nhận thức rõ tầm quan trọng và giá trị của bảo hộ SHTT trong bối cảnh kỷ nguyên số".
Đại hội Đảng lần thứ 13 đã xác định một trong những đột phá chiến lược đó là khoa học công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số (CĐS). Và thực tế là hoạt động ĐMST ngày nay chủ yếu được diễn ra trên môi trường số, dựa vào công nghệ số, do vậy gắn liền với quá trình CĐS quốc gia.
Các dữ liệu của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) cho thấy 1/3 phát minh sáng chế hiện nay đều liên quan đến công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (IoT)… và số lượng các bằng phát minh sáng chế thì đều liên quan đến công nghệ số, tăng 170% so với các danh mục bằng sáng chế khác trong 5 năm trở lại đây.
Trong khi đó, nói đến ĐMST sẽ phải đề cập đến vấn đề SHTT, bảo hộ SHTT. Trên môi trường Internet, việc vi phạm bản quyền sản phẩm số là rất dễ dàng, vì vậy, nếu không có cơ chế bảo vệ quyền SHTT trên môi trường số thì tính dễ tổn thương của các sản phẩm ĐMST cũng như sản phẩm số trên môi trường Internet là một thách thức rất lớn.
"Bảo vệ quyền SHTT trên môi trường số đã trở thành một trong những động lực tăng trưởng, thúc đẩy ĐMST. Để cải thiện chất lượng tăng trưởng, phát triển kinh tế số đồng hành cùng quá trình CĐS quốc gia thì chúng ta phải tăng cường bảo vệ quyền SHTT trên môi trường số", Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.
Trên môi trường số, các DN viễn thông, Internet giữ một vai trò rất quan trọng. Do đó, cần phải tạo ra điểm cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ của các DN trung gian, DN viễn thông, Internet để các DN này có thể tập trung chính vào nhiệm vụ của mình là đảm bảo quyền truy cập, cung cấp dịch vụ truy cập Internet cho cộng đồng.
Hiện nay, quyền và nghĩa vụ của các DN cung cấp dịch vụ trung gian cũng đã được thể chế hóa trong các hiệp định kinh tế quốc tế mà Việt Nam tham gia và mới đây cũng đã được thể chế hóa trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung mới được Quốc hội thông qua.
Trong quá trình hoàn thiện những quy định mới về quyền và nghĩa vụ của DN trung gian, Bộ TT&TT cũng như các DN đã tham gia tích cực với sự đồng hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, tạo ra được điểm cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ của các DN, tạo điều kiện cho các DN này tiếp tục phát triển.
Ứng dụng các công nghệ số giám sát việc thực thi pháp luật trên môi trường số
Bảo hộ về SHTT thúc đẩy hoạt động ĐMST, tạo ra các giá trị tài sản trí tuệ sáng tạo mới trong lĩnh vực TT&TT cũng như bảo hộ quyền tác giả trên môi trường mạng. Tuy nhiên, trên thực tế nhận thức chung về lĩnh vực này còn những hạn chế nhất định nên chưa được coi trọng đúng mức.
Theo đó, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức, ý thức của các chủ thể liên quan đến SHTT trên môi trường số.
"Chúng ta phải tổ chức thực hiện nghiêm túc đầy đủ các quy định có liên quan trong Luật SHTT cũng như các cam kết quốc tế có liên quan đến SHTT. Đây là điều kiện cần và đủ để thúc đẩy hoạt động ĐMST, cũng như phát triển kinh tế số", Thứ trưởng Phan Tâm chia sẻ.
Đặc biệt, Luật SHTT sửa đổi bổ sung đã đưa ra cách tiếp cận mới để bảo hộ quyền tác giả trên môi trường mạng, cũng như cách tiếp cận mới đối với quyền và trách nhiệm của các DN cung cấp các dịch vụ trung gian với một số điều kiện. Do đó, cần phải đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền về những quy định mới từ đó thống nhất về nhận thức chung, về trách nhiệm và nghĩa vụ để có thể thực hiện nghiêm túc và đầy đủ nhất các quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Bộ TT&TT quản lý về lĩnh vực báo chí truyền thông, hoạt động này cần phải được đẩy mạnh. Theo đó, Thứ trưởng nêu rõ hoạt động tuyên truyền có vai trò lớn của các đơn vị trong Bộ như: Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Báo Vietnamnet, Tạp chí TT&TT.
Ngoài ra, đối với các DN cung cấp các dịch vụ trung gian viễn thông, Internet cũng cần phải có sự thay đổi về nhận thức. Các DN phải nhận thức và xác định được rằng muốn phát triển thì cần phải có hệ sinh thái kinh tế số, hệ sinh thái sáng tạo sản xuất các sản phẩm số. Nói đến hệ sinh thái là nói đến khái niệm cộng sinh, dựa vào nhau cùng phát triển, do đó các DN trung gian cũng phải có trách nhiệm nhất định để đảm bảo sự hài hòa trong vấn đề bảo vệ quyền SHTT trên môi trường mạng.
Đối với hoạt động hoàn thiện khung khổ pháp lý, từ trước đến nay việc tổ chức nghiên cứu, tham gia đóng góp vào các dự thảo chưa được sâu sát, tích cực, đặc biệt là việc tổ chức cho các DN tham gia nghiên cứu và góp ý. Trên thực tế, muốn đưa ra được các quy định hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ cho các DN thì cần phải có sự tham gia đóng góp tích cực và cụ thể của chính các DN chủ thể.
Về hoạt động thanh tra kiểm tra, Thứ trưởng Phan tâm cho biết phải rà soát lại các quy định liên quan đến các chế tài xử phạt để đảm bảo các DN trung gian thực thi đầy đủ các nghĩa vụ của mình. Ngoài việc xây dựng quy định, các chế tài, các bước xử phạt thì còn liên quan đến việc tổ chức triển khai kiểm tra như thế nào. Đặc biệt trong bối cảnh rất nhiều hoạt động được diễn ra trên môi trường số, bài toán đặt ra là làm thế nào có thể phát hiện kịp thời các vi phạm của các bên có liên quan để tiến thành thực thi các quy định pháp luật.
Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ số trong việc kiểm tra giám sát việc thực thi pháp luật trên môi trường số chính là lời giải. Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo thực hiện hoạt động CĐS trong hoạt động thanh tra kiểm tra.
Môi trường mạng là xuyên biên giới, các sản phẩm số ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch. Trong khi đó, các sản phẩm số thường có hàm lượng SHTT cao và cũng gắn với vấn đề bảo hộ SHTT. Do đó, bảo vệ SHTT không chỉ là các nỗ lực trong nước mà còn là nỗ lực của khu vực và quốc tế. Theo đó, Thứ trưởng Phan Tâm cũng đề nghị Vụ Hợp tác quốc tế tham gia một cách tích cực sâu rộng hơn để xây dựng luật chơi mới, xây dựng cơ chế thực thi xuyên biên giới có tin cậy cao, đảm bảo được quyền lợi của các bên có liên quan./.