Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường mạng
Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng, cuộc chiến về bảo vệ bản quyền báo chí càng gay cấn và thách thức hơn bao giờ hết.
Các cơ quan báo chí cần chủ động hợp tác thành lập Liên minh bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí
Việc xâm phạm bản quyền của các cơ quan báo chí đến từ nhiều đối tượng với phương thức đa dạng hơn, gây thiệt hại cho các cơ quan báo chí. Tần suất lẫn số lượng xâm hại bản quyền cũng ngày càng tăng.
Nếu cách đây hai thập kỷ, một tác phẩm báo chí thường chỉ bị xâm hại bản quyền bởi một hoặc vài đối tượng (thường là các cơ quan báo chí khác) thì nay, có thể cùng lúc bị xâm hại, chia sẻ bởi độc giả rất nhiều, trên mọi phương tiện và nền tảng với phương cách đa dạng, khó đối phó, nhiều trường hợp là không thể đối phó.
Chia sẻ về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật TP. HCM cho biết, một tác phẩm báo chí vừa xuất bản, chỉ sau vài mươi phút có thể được cải biến một chút và trở thành video clip; voice với giọng đọc AI hoặc viết lại bởi tờ báo khác, tràn ngập trên mạng Youtube, Tiktok, Facebook…
Trong khi đó, việc bảo vệ bản quyền dù đã có quy định nhưng chưa theo kịp sự thay đổi của công nghệ, chủ yếu chỉ đủ sức bảo vệ bản quyền trước sự xâm hại của các đối tượng và nền tảng truyền thống.
“Để giúp cơ quan báo chí tự bảo vệ và hỗ trợ cơ quan báo chí bảo vệ bản quyền, chúng ta cần cả ba chân kiềng: Một là sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành; Hai là hoạt động mạnh mẽ và nghiêm khắc và hiệu quả của hệ thống các cơ quan có thẩm quyền, ý thức tự bảo vệ của chính cơ quan báo chí; Ba là sự hỗ trợ của công nghệ”, Phó Tổng biên tập Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.
Theo nhà báo Nguyễn Đức Hiển, hiện Luật Báo chí 2016 chỉ có duy nhất một điều khoản là Điều 45 về quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí. Tuy nhiên, điều này lại quá ngắn gọn, chỉ khái quát chung và dẫn chiếu sang quy định pháp luật về quyền tác giả của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) và rất nhiều văn bản, nghị định.
Do đó, cần phải có các quy định chi tiết hơn về: Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; Quy định về hình thức, phạm vi hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp; Quy định rõ ràng hơn các trường hợp sử dụng hợp lý trong báo chí…
Hơn thế nữa, mức xử phạt vi phạm bản quyền báo chí hiện nay là nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Do đó, cần sửa quy định theo hướng tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả để có sức răn đe mạnh hơn với những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển đề nghị, bổ sung vào Luật SHTT quy định về quyền sao chép không quá 10% hoặc 20% số lượng tác phẩm mà không phải xin phép, không phải trả thù lao thực hiện trong môi trường Internet.
Lý do trong trường hợp sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu, thư viện không được sao chép quá một bản và không được sao chép, phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số. Tuy nhiên, trong trường hợp nào thư viện được phép sao chép để lưu trữ hiện nay vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Quyền này chỉ được phép khi bản gốc không thể lưu trữ được.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển cũng đề nghị, các cá nhân, tổ chức cần đẩy mạnh giải quyết các tranh chấp về quyền SHTT bằng biện pháp dân sự vì quyền SHTT thuộc quan hệ pháp luật dân sự. Việc áp dụng quá nhiều các biện pháp hành chính hoặc hình sự hóa đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT như hiện nay là chưa thực sự phù hợp.
Đặc biệt, các cơ quan báo chí cần chủ động hợp tác thành lập Liên minh bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí để hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động này. Các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí đứng ra làm đầu mối thành lập một Trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.
Quy định rõ chế định bồi thường thiệt hại khi bị xâm phạm bản quyền báo chí
Ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Thị Khánh Hương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Pháp lý - Truyền thông Hà Nội cho biết: Câu chuyện bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí luôn là vấn đề thời sự, nóng hổi. Đặc biệt, trong môi trường mạng xã hội bùng nổ, trong bối cảnh nguồn thu của các báo ngày càng khó khăn, thì vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí càng trở nên cấp bách.
Luật sư Trần Thị Khánh Hương chỉ rõ: Trong Luật SHTT, quyền tác giả là một trong các quyền cơ bản của người sáng tạo, của đơn vị sản xuất và cung cấp nội dung. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
"Các giá trị về tính trung thực và liêm khiết trong việc thu thập, xử lý và truyền tải thông tin cũng được xã hội thừa nhận như một quy tắc, nền tảng cơ bản vững chắc trong hoạt động báo chí - truyền thông", vị luật sư nhấn mạnh.
Điều 28 Luật SHTT năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2022 quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả, trong đó có thể chia thành ba nhóm hành vi xâm phạm chính: Các hành vi xâm phạm quyền nhân thân; Các hành vi xâm phạm quyền tài sản; Các hành vi xâm phạm đến các biện pháp bảo vệ quyền tác giả.
Theo luật sư Trần Thị Khánh Hương, khi bị vi phạm bản quyền báo chí, tùy vào mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi vi phạm, các cá nhân, tổ chức bị vi phạm có quyền có thể lựa chọn biện pháp tương ứng để bảo vệ quyền tác giả của mình. Có thể tự mình sử dụng biện pháp dân sự - tự thỏa thuận, hoặc thông qua cơ quan có thẩm quyền đề nghị áp dụng biện pháp hình sự và biện pháp hành chính để xử lý tùy theo mức độ của hành vi vi phạm.
“Pháp luật dân sự và pháp luật SHTT quy định chế định bồi thường thiệt hại khi bị xâm phạm bản quyền báo chí chính là cơ sở để các chủ thể (cá nhân, tổ chức) có quyền lấy căn cứ để tự thỏa thuận hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm căn cứ đề nghị mức trách nhiệm bồi thường, đồng thời cũng nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật”, luật sư Trần Thị Khánh Hương nhấn mạnh./.