Truyền thông

Cần thiết lập trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí, truyền thông số quốc gia

Trường Thanh 13/09/2023 19:03

Bên cạnh các biện pháp mang tầm vĩ mô đến từ các cơ quan chức năng, bản thân các cơ quan báo chí cần tích hợp công nghệ để rà quét, phát hiện vi phạm bản quyền. Hơn thế việc thành lập một trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí, truyền thông số quốc gia là cần thiết.

Vi phạm bản quyền báo chí là vi phạm pháp luật

Tại hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số” do Hội Nhà báo Việt Nam (VJA) phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 13/9, các diễn giả, chuyên gia đánh giá: Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí. Khi bảo vệ được quyền tác giả là đảm bảo rằng các nhà báo, các tác giả được công nhận và được trả nhuận bút xứng đáng cho lao động nghiệp vụ báo chí của họ…

cac-dien-gia-tai.jpg
Các diễn giả thảo luận tại Hội thảo

Theo đánh giá của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) - Bộ TT&TT, vi phạm bản quyền nội dung số có xu hướng gia tăng, chủ yếu về giải trí như bóng đá, phim, game show, ca nhạc…

Các hành vi vi phạm bản quyền được thực hiện với những cách thức hết sức tinh vi, luôn thay đổi, và khó khăn khi xử lý đối với hoạt động vi phạm được thực hiện xuyên biên giới, từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ trung gian, tổ chức, đại diện chủ sở hữu quyền, chủ sở hữu quyền trong công tác phối hợp... nhưng diễn biến vi phạm bản quyền gia tăng đòi hỏi phải có giải pháp thực tế có tính khả thi hơn.

Tại hội thảo chuyên đề: Vi phạm bản quyền trực tuyến và các biện pháp ngăn chặn tại Việt Nam do Cục PTTH&TTĐT và Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh (VSTV/K+) tổ chức hồi tháng 7/2023, các chủ sở hữu quyền bức xúc vì nạn ăn cắp bản quyền trắng trợn, công khai.

Cụ thể, việc vi phạm có thể kể tới như: Một số báo dẫn đường link và livestream nội dung của K+ mà không xin phép; 7 cơ quan báo chí bị VTVcab khởi kiện; Các trang web được mở ra để livestream các trận bóng đá mà Đài truyền hình Việt Nam (VTV), Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC truyền hình trực tiếp; Chặn trang web này thì lại có ngay trang web khác. Hơn nữa, quy trình xử lý vi phạm mất cả tuần nên chủ sở hữu quyền rơi vào tình trạng “được vạ thì má đã sưng”, thiệt hại kinh tế là rất lớn.

Tổng biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức chỉ rõ, có nhiều nguyên nhân khiến vi phạm bản quyền ngày càng nhức nhối nhưng không dễ ngăn chặn. Trước hết là do sự phát triển mạnh mẽ của Internet khiến việc truyền tải và sao chép các tác phẩm trở nên dễ dàng hơn khi chỉ cần vài cú nhấp chuột là đã sao chép được.

Bên cạnh đó là trình độ hiểu biết và ý thức của tổ chức, cá nhân về vấn đề này còn hạn chế. Các cơ quan báo chí chưa quyết liệt trong việc đối phó với tình trạng này.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, luật pháp chưa thực sự bắt kịp với sự phát triển của công nghệ, mức xử phạt trong lĩnh vực vi phạm bản quyền báo chí còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Đáng chú ý, Việt Nam cũng chưa có một tổ chức hoạt động chuyên nghiệp để xử lý những xung đột giữa người vi phạm bản quyền và các cơ quan báo chí.

tong-bien-tap-bao-ha-noi-moi-nguyen-minh-duc.jpg
Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức: Trong nhiều trường hợp, luật pháp chưa thực sự bắt kịp với sự phát triển của công nghệ, mức xử phạt trong lĩnh vực vi phạm bản quyền báo chí còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe

Theo PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ - VJA, việc vi phạm bản quyền báo chí không chỉ là vấn đề vi phạm pháp luật mà hơn thế, đó là sự xuống cấp đạo đức và văn hóa. Giá trị cốt lõi của nhà báo và tòa soạn báo là tính chính trực, trung thực, tôn trọng khách quan, tôn trọng sự thật và quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).

Việc nhà báo vi phạm bản quyền báo chí thường được coi là vi phạm chuẩn mực đạo đức và các tiêu chuẩn về văn hóa truyền thông vì nó liên quan đến một loạt giá trị quan trọng trong nghề báo và truyền thông, bao gồm: Sự trung thực và đáng tin cậy; Tôn trọng quyền SHTT; Tính đa dạng và độc lập trong nguồn tin; Đề cao sáng tạo và sự công bằng.

PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng cho biết, trên môi trường số hiện nay, bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện quan trọng để thảo gỡ rào cản cho sự phát triển nội dung số và các vấn đề liên quan như kinh doanh số, là điều kiện quan trọng cho sự thành công của chuyển đổi số (CĐS) báo chí.

pgs.ts-do-thi-thu-hang.jpg
PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng: Vi phạm bản quyền báo chí không chỉ là vấn đề vi phạm pháp luật mà hơn thế, đó là sự xuống cấp đạo đức và văn hóa

Vai trò của bảo vệ bản quyền báo chí thể hiện ở một số điểm chính: Đấu tranh cho quyền lợi của nhà báo và cơ quan báo chí - chủ thể bản quyền báo chí trên môi trường số; Tạo động lực cho sáng tạo nội dung số, đảm bảo chất lượng tác phẩm báo chí, hướng tới nền báo chí chất lượng cao; Khuyến khích đầu tư cho các dự án báo chí số và báo chí sáng tạo; Góp phần bảo vệ nguồn tài chính cho các cơ quan báo chí, hợp pháp hoá và thúc đẩy tiến trình thực thi các mô hình kinh doanh báo chí số.

“Ý thức của chủ thể mang quyền SHTT, sự đoàn kết và liên kết mạnh mẽ giữa các cơ quan báo chí, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan quản lý báo chí truyền thông, các đối tác, tập đoàn công nghệ vì sự phát triển của một nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại sẽ là một dấu hiệu tích cực cho việc đấu tranh chống vi phạm bản quyền hiện đang rất nhức nhối hiện nay”, PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Cần thiết thành lập một trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí, truyền thông số quốc gia

Trước thực trạng này, các giải pháp đã được các đại biểu tham dự Hội thảo kiến nghị và đề xuất. Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ TT&TT Đặng Thị Phương Thảo cho biết, thời gian qua, Cục Báo chí đã tích cực trong việc trợ giúp các cơ quan báo chí đấu tranh với vấn nạn vi phạm bản quyền.

dang-thi-phuong-thao-pho-cuc-truong-cbc.jpg
Phó Cục trưởng Đặng Thị Phương Thảo: Cục Báo chí đã tham mưu cho Bộ TT&TT một nội dung quan trọng là hoạt động báo chí trên không gian số nhằm đáp ứng sự phát triển của báo chí trong tình hình mới

Tiêu biểu là với việc sửa đổi Luật Báo chí, Cục Báo chí đã tham mưu cho Bộ TT&TT một nội dung quan trọng là hoạt động báo chí trên không gian số nhằm đáp ứng sự phát triển của báo chí trong tình hình mới. Trong đó bản quyền báo chí là điểm nhấn.

Bên cạnh đó, Cục Báo chí cũng đang tham mưu với Bộ TT&TT xây dựng quy trình chuẩn nhằm trợ giúp báo chí đấu tranh với vi phạm bản quyền.

Ở thời điểm hiện nay, nếu phát hiện vi phạm bản quyền, các cơ quan báo chí có thể trực tiếp thông báo tới Cục Báo chí hoặc Cục PTTH&TTĐT, chúng tôi sẽ xử lý kịp thời, kể cả nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook”, Phó Cục trưởng Cục Báo chí nhấn mạnh.

Bà Đặng Thị Phương Thảo cũng cho biết thêm, trong thời gian qua, Trung tâm Lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia - Cục Báo chí đã có hai đề tài khoa học được nghiệm thu, đó là vận hành media hub để phối hợp với cơ quan báo chí đo, quét nội dung vi phạm bản quyền và hội đồng giúp xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí. Các mô hình đang được chạy thử và có thể đưa vào triển khai diện rộng trong thời gian tới.

Đồng tình với trao đổi bên cạnh các biện pháp mang tầm vĩ mô đến từ các cơ quan chức năng, PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, bản thân các cơ quan báo chí cần tích hợp công nghệ để rà quét, phát hiện vi phạm. Hơn thế việc thành lập một trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí, truyền thông số quốc gia là cần thiết. Trong đó, đề cao vai trò của VJA và VDCA.

Tổng biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức khuyến nghị các cơ quan báo chí có thể sử dụng các công cụ giám sát trực tuyến để theo dõi các trang web hoặc trang mạng xã hội có chứa nội dung bản quyền của họ; Ứng dụng chuỗi khối (blockchain) trong tòa soạn để giúp xác thực, bảo vệ tính toàn vẹn của nội dung báo chí và bảo vệ quyền lợi của các nhà báo, tác giả, ngăn chặn việc vi phạm bản quyền cũng như tranh chấp liên quan đến sở hữu.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý cũng cần cần hoàn thiện cổng thông tin đăng ký tác quyền; Từng bước triển khai việc nghiên cứu và phát triển công nghệ blockchain; Tích hợp quản lý tác quyền số, nghiên cứu và phát triển các công nghệ thu phí tác quyền bằng blockchain...

Cùng với đó, các cơ quan báo chí có thể hướng tới phát triển dịch vụ bán bản quyền tác phẩm báo chí. Dịch vụ này cho phép các đối tác khác sử dụng các tác phẩm của cơ quan báo chí giữ bản quyền với điều kiện phải mua bản quyền trước.

Các tác phẩm báo chí có thể bao gồm những bài viết, hình ảnh, video và âm thanh được xuất bản hoặc sản xuất bởi các cơ quan báo chí. Khi các đối tác khác muốn sử dụng các tác phẩm này, họ phải mua bản quyền từ các cơ quan báo chí. Việc này giúp đảm bảo rằng các tác phẩm được sử dụng theo đúng quy định về bản quyền và các cơ quan báo chí nhận được mức phí phù hợp cho việc sử dụng tác phẩm của mình”, Tổng biên tập Báo Hànộimới đề xuất./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết lập trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí, truyền thông số quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO