Truyền thông

Bảo vệ đa dạng sinh học biển bằng cách nâng cao năng lực cho các khu bảo tồn biển Việt Nam

P.V 31/10/2023 15:14

Một trong những biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ đa dạng sinh học ven biển là thông qua việc thiết lập và quản lý khu bảo tồn biển. Việc tạo hành lang pháp lý minh bạch, điều kiện thuận lợi để phát triển các khu bảo tồn biển là yêu cầu cấp thiết trong thời điểm hiện nay.

Công tác quản lý các khu bảo tồn biển còn bất cập

Đến nay, Việt Nam đã thành lập và đưa vào hoạt động được mạng lưới 10 trong tổng số 16 khu bảo tồn biển và các Vườn quốc gia có hợp phần bảo tồn biển gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc. 6 Khu bảo tồn biển đã hoàn thành quy hoạch chi tiết và đang hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt quy hoạch, đó là Hòn Mê, Hải Vân-Sơn Chà, Phú Quý, Nam Yết, Cô Tô, Đảo Trần.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hệ thống các khu bảo tồn biển này chiếm diện tích khoảng 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam.

phu-quoc-202446_584.jpg
Việt Nam đã thành lập và đưa vào hoạt động được mạng lưới 10 trong tổng số 16 Khu bảo tồn biển và các Vườn quốc gia có hợp phần bảo tồn biển.

Tuy nhiên, công tác quản lý đối với các khu bảo tồn biển của Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập. Cả nước có 6 Ban quản lý Khu bảo tồn biển và 5 Ban quản lý Vườn quốc gia có quản lý hợp phần biển. Tất cả các Ban quản lý trên trực thuộc quản lý của địa phương với 3 hình thức tổ chức bộ máy khác nhau.

Cụ thể là Ban quản lý trực thuộc UBND cấp tỉnh; Ban quản lý trực thuộc Sở NN-PTNT; Ban quản lý trực thuộc UBND cấp huyện, thành phố. Về khía cạnh chuyên môn, các Ban quản lý Khu bảo tồn biển hiện nay đang có sự bất cập nhất định trong công tác chỉ đạo điều hành.

Mặt khác, Ban Quản lý/Vườn Quốc gia là đơn vị sự nghiệp có thu, không có thẩm quyền và chức năng để xử lý vi phạm pháp luật mà phải phối hợp với các lực lượng chức năng khác (Biên phòng, Cảnh sát môi trường) để xử lý nên không kịp thời và gặp khó khăn, chậm trễ trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến bảo tồn biển.

Bên cạnh đó là khó khăn về nhân sự, số lượng biên chế làm công tác bảo tồn biển hiện nay tại Ban Quản lý khoảng 120 người, bình quân mỗi Khu bảo tồn biển/Vườn quốc gia có hợp phần biển có từ 7 - 10 biên chế làm công tác bảo tồn biển. Với nguồn nhân lực như hiện tại khó đáp ứng yêu cầu quản lý.

Khó khăn về cơ sở vật chất và tài chính cũng làm ảnh hưởng rất lớn hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thực thi luật pháp, công tác cứu hộ trong phạm vi quản lý của khu bảo tồn biển.

Các cơ quan chủ quản đã có nhiều cố gắng trong việc quản lý, nhưng các vi phạm làm tổn thương các giá trị và chức năng của khu bảo tồn biển trong những năm gần đây vẫn ở mức phức tạp, chủ yếu là do các phương thức và ngư cụ khai thác mới mang tính hủy diệt, xâm hại đến nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, các hoạt động du lịch trong các khu bảo tồn biển tăng nhanh đã làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường, đe dọa sự đa dạng sinh học.

Thiết lập và vận hành hiệu quả hệ thống các khu bảo tồn biển

Để bảo đảm tính bền vững của các vùng biển và các ngành kinh tế biển dựa vào nguồn lợi tự nhiên, các khu bảo tồn biển được xem là một công cụ quản lý hữu hiệu.

nha-trang-1-.jpg
Các khu bảo tồn biển được xem là một công cụ quản lý hữu hiệu để bảo vệ đa dạng sinh học.

Hệ thống các khu bảo tồn biển được thành lập không chỉ góp phần đảm bảo cân bằng sinh thái vùng biển, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo đảm chức năng điều hoà môi trường, cung cấp nguồn giống và nguồn lợi hải sản mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển kinh tế địa phương bền vững, nghiên cứu khoa học, y tế, giáo dục cộng đồng, giải trí, du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó, việc thiết lập, vận hành hiệu quả hệ thống các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn đất ngập nước góp phần bảo toàn tính bền vững của các vùng biển, nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế biển xanh dựa vào các nguồn lực tự nhiên như nghề cá, du lịch, các dịch vụ đi kèm. Đồng thời, hoạt động này có ý nghĩa pháp lý to lớn, góp thêm cơ sở, cung cấp các công cụ hành chính, pháp luật trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích của nước ta ở Biển Đông phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982.

Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý khu bảo tồn biển, khu bảo tồn đất ngập nước ven biển, khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, khu vực cấm khai thác thuỷ sản có thời hạn là yêu cầu cần thiết trong thời điểm này.

Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ công tác quản lý và phát triển bền vững, hiệu quả hệ thống khu bảo tồn biển, khu bảo tồn đất ngập nước ven biển.

Tạo hành lang pháp lý minh bạch, điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực trong nước, ngoài nước đầu tư hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực cho các khu bảo tồn biển phát triển bền vững.

Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường thực thi pháp luật về bảo tồn biển. Cụ thể như huy động các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia các hoạt động truyền thông về bảo tồn biển nhằm triển khai công tác vận động, tuyên truyền sâu rộng, từng bước nâng cao nhận thức cho cộng đồng cư dân để người dân chủ động, tự giác tham gia công tác bảo tồn biển, bảo vệ hệ sinh thái biển, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Thêm nữa, cần nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Ví dụ, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn biển từ trung ương đến địa phương; thu hút nguồn lực quốc tế trong hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực bảo tồn biển.

Việc đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn biển và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế cũng cần phải chú trọng thực hiện.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ đa dạng sinh học biển bằng cách nâng cao năng lực cho các khu bảo tồn biển Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO