Vai trò của bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm
Để thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, vai trò của sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng, thậm chí là yếu tố cốt lõi trong việc bảo đảm môi trường đầu tư và duy trì lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chính vì thế, vấn đề sở hữu trí tuệ luôn được các chính sách của Việt Nam quan tâm, tuyên truyền mạnh mẽ nhằm giúp các doanh nghiệp nhận thức rõ về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ. Tại Việt Nam, Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1068 ngày 22/8/2019. Trong đó, quan điểm chỉ đạo chủ đạo là phát triển đồng bộ và hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ ở tất cả các khâu từ sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Chiến lược sẽ tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đồng thời, sở hữu trí tuệ sẽ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Theo các chuyên gia về luật và thương mại, mỗi doanh nghiệp nên có nhãn hiệu sản phẩm của riêng mình và tiến hành các bước đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, để bảo vệ quyền và lợi ích cho doanh nghiệp cũng như bảo vệ sản phẩm, dịch vụ. Có nhãn hiệu độc quyền thì doanh nghiệp sẽ giảm thiểu tối đa những tranh chấp không đáng có trên thị trường.
Đối với các làng nghề, sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu đã giúp các làng nghề kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín và thuận lợi trong việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm. Người tiêu dùng cũng có thêm thông tin về sản phẩm nhờ các chỉ dẫn dấu hiệu về khu vực địa lý được gắn trên sản phẩm, yên tâm sử dụng các sản phẩm uy tín, chất lượng đã được bảo hộ nhãn hiệu, có nguồn gốc chính xác về địa lý, chất lượng được kiểm soát, tránh các rủi ro từ việc sử dụng hàng hoá giả mạo, kém chất lượng. Nhờ đó, giá trị sản phẩm được nâng cao, công việc kinh doanh, sản xuất phát triển giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và nhà sản xuất.
Nhà sản xuất cũng sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường cao hơn khi các sản phẩm, đặc sản địa phương được bảo hộ thương hiệu. Ngoài ra, các khách hàng truyền thống sẽ tin tưởng và quay lại sử dụng những sản phẩm đã được bảo hộ. Nhà sản xuất cũng thuận lợi hơn trong việc thu hút khách hàng tiềm năng. Đặc biệt, trên thị trường quốc tế, những sản phẩm địa phương đã được bảo hộ thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ sẽ có lợi thế khi xảy ra tranh chấp thương mại, giúp nhà sản xuất có căn cứ chứng minh và chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Từ thực tế này, việc bảo hộ nhãn hiệu sẽ giúp tăng giá trị sản phẩm, mở rộng xuất khẩu, tăng doanh số và lợi nhuận.
Ngoài việc bảo vệ quyền lợi cho nhà sản xuất, sở hữu trí tuệ cũng giúp sản phẩm địa phương được giữ gìn và phát huy giá trị. Những điều này sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Với những lợi ích như trên, nông nghiệp nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ phát triển mạnh mẽ hơn cùng với các chương trình bảo hộ thương hiệu cho đặc sản địa phương. Từ đó, các ngành nghề truyền thống và dịch vụ khác cũng sẽ phát triển theo, đặc biệt là du lịch vùng. Sản xuất và kinh doanh tăng trưởng sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân, kinh tế ổn định giúp hạn chế di dân, phát triển đều giữa các vùng kinh tế, góp phần gìn giữ các giá trị văn hoá, truyền thống.
Nhiều địa phương đã quan tâm vấn đề đăng ký nhãn hiệu
Với những lợi ích thực tế của hoạt động sở hữu trí tuệ, nhiều địa phương, doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã quan tâm đến vấn đề đăng ký nhãn hiệu, quyền sở hữu công nghiệp. Cam Cao Phong của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình là một ví dụ. Đây là một loại cam có chất lượng được nhiều người tiêu dùng ưa thích, mỏng vỏ, mọng nước, vị thơm dịu, tép vàng. Huyện Cao Phong luôn ý thức rõ về việc giữ gìn, phát triển thương hiệu cam Cao Phong với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Cam Cao Phong là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2014. Đến năm 2016, Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế đã cấp chứng thư "Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5" cho cam Cao Phong. Sản phẩm hiện nay đã có mặt rộng rãi trên cả nước, tại các hệ thống siêu thị lớn như Vinmart, Metro, BigC .... Vietnam Airlines đã lựa chọn sản phẩm cam Cao Phong làm món tráng miệng phục vụ hành khách…
Tại Hải Phòng, thương hiệu chả cá chày ở xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng cũng đã được chính quyền địa phương quan tâm giữ gìn, bảo vệ và phát triển. Ngay từ năm 2019, chả cá chày Đại Hợp đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Đặc sản chả cá chày Đại Hợp được làm từ cá hồng chày, thịt cá mềm và có màu hồng đẹp mắt. Chả cá được chế biến cùng nhiều nguyên liệu như ớt cay, tiêu, nước mắm để tạo ra hương vị thơm ngon.
Ngày 27/10 vừa qua, Dự án hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm "Chả cá Chày Đại Hợp" đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống nông nghiệp (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) khởi động. Các hộ sản xuất chả cá chày ở xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, sẽ được hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể cho đặc sản này. Triển khai dự án, nhiều hoạt động liên quan đến thương hiệu chả cá Chày Đại Hợp sẽ được thực hiện. Nhãn hiệu tập thể "Chả cá Chày Đại Hợp" sẽ được đánh giá về thực trạng sản xuất và quản lý, sử dụng. Đặc biệt, nhãn hiệu tập thể “Chả cá Chày Đại Hợp” sẽ được xây dựng và vận hành mô hình quản lý, khai thác và phát triển. Từ đó, sản phẩm sẽ được phát triển thị trường; các tác nhân tham gia mô hình sẽ được nâng cao năng lực. Dự án sẽ kéo dài từ nay đến tháng 12/2023 với các hoạt động tổng kết và nghiệm thu dự án.
Đây là một trong những nhiệm vụ cấp thành phố nằm trong khuôn khổ phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, sản phẩm làng nghề, sản phẩm chủ lực đã được cấp văn bằng bảo hộ của thành phố, giai đoạn 2021-2023.
Nhằm mở rộng thị trường và cơ hội bán hàng cho các sản phẩm đặc sản của địa phương, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ tổ chức Tuần hàng đặc sản Đồng Tháp tại TP. HCM năm 2022. Sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 17/11 tới, mang đến các cơ hội kết nối cung cầu, giao thương hàng hóa và mở rộng kênh phân phối cho các sản phẩm./.