Ứng dụng gọi xe phổ biến thứ 2 tại Việt Nam với hơn 10 triệu khách hàng
Báo cáo nghiên cứu về nhu cầu sử dụng taxi/xe ôm truyền thống và công nghệ do Q&me vừa thực hiện cho thấy, ngày càng có nhiều người Việt Nam sử dụng loại hình di chuyển mới khi có tới 49% người dùng được hỏi cho biết thường xuyên sử dụng dịch vụ ô tô trên các ứng dụng gọi xe. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, ứng dụng gọi xe phổ biến thứ 2 tại Việt Nam là Be, dù vẫn còn khoảng cách lớn so với đối thủ.
Nghiên cứu của ABI Research cũng cho thấy, bên cạnh thị phần lớn đang thuộc về Grab thì Be, ứng dụng Việt Nam duy nhất còn dẻo dai trong cuộc chạy đua này đứng thứ 2 nhưng đang bị Gojek bám đuổi quyết liệt và rút ngắn khoảng cách đáng kể với 12,4% thị phần, còn 12,3% thuộc về Gojek.
Đây được cho là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của nền tảng gọi xe "Make in Viet Nam". Khi mà vào thời điểm năm 2018, sau khi Uber rút lui, gần 20 ứng dụng gọi xe "nội" lần lượt công bố ra mắt như Vato, Xế lô, Aber, FastGo, GV Taxi, ViApp … nhưng rồi dần "biến mất" ngay trên chính sân nhà dù ra đời khá rầm rộ. Với sự rút lui mới đây của FastGo, thị trường gọi xe chỉ còn Be đơn thương độc mã cạnh tranh với các đối thủ ngoại giàu tiềm lực tài chính và công nghệ.
Ứng dụng gọi xe Be cung cấp nhiều dịch vụ, trong đó dịch vụ chính là beBike, beCar, beTaxi, beDelivery, be Đi chợ, thuê theo giờ, be Đi tỉnh, mua vé xe khách… giúp mở ra một hệ sinh thái số tiềm năng sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp khác cùng hợp tác và phát triển.
Ứng dụng đã được trao Giải Nhì ở hạng mục Giải thưởng số xuất sắc nhất, tại Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2020 do Bộ TT&TT tổ chức.
Chia sẻ về lý do tại sao lại quyết định ra mắt vào thời điểm năm 2018, đại diện Be Group cho rằng, có thể nói, Be là một trong những "case study" (bài học kinh nghiệm - PV) thú vị bậc nhất trong lĩnh vực khởi nghiệp mảng công nghệ của Việt Nam, khi mà lúc mới ra đời, không ai tin là Be có thể làm nên chuyện.
"Tuy nhiên, trước khi quyết định gia nhập thị trường, chúng tôi đã làm khảo sát rất kỹ. Lúc đó, thị trường trị giá khoảng 400 triệu USD/năm đối với ứng dụng gọi xe, và sẽ tăng trưởng khoảng 30%/năm, trong vòng 4 - 5 năm tiếp theo. Uber rời thị trường càng thúc đẩy nhanh sự lăn bánh của Be, vì đây là cơ hội để chúng tôi lấp vào chỗ trống thị trường và cuối cùng đã làm được", đại diện Be nhấn mạnh.
Hiện Be có mặt ở 28 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, phục vụ hơn 10 triệu khách hàng, với 300.000 tài xế đồng hành để hoàn thành 110 triệu chuyến xe. Theo một thống kê của công ty, nếu ghép các chuyến xe mà tài xế Be đã hoàn thành, sẽ hình thành một con đường dài 600 triệu km, gấp 4 lần khoảng cách từ trái đất đến mặt trời (149,6km)
Trong giai đoạn tới, Be sẽ đẩy mạnh 03 mũi nhọn, đầu tiên là tiếp tục phát triển thế mạnh trong mảng công nghệ vận tải để mở rộng thị phần, trong đó, việc liên kết với các hãng taxi truyền thống sẽ là trọng tâm để góp phần hiện đại hóa ngành vận tải Việt Nam. Trong đó, Be đặt mục tiêu trọng tâm là nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ.
Mũi nhọn thứ 2 là đầu tư cho nhóm sản phẩm, dịch vụ mobility. Hiện khách hàng đã có thể mua vé máy bay, vé xe khách, bảo hiểm chuyến đi… một cách nhanh chóng và thuận tiện trên ứng dụng Be. Trong thời gian tới, Be sẽ phát triển mô hình hành trình trọn gói, giúp khách hàng có thể di chuyển nhanh chóng bằng nhiều phương tiện khác nhau chỉ trong một bước đặt xe.
Cuối cùng, Be là ứng dụng gọi xe đầu tiên tích hợp hiển thị được một ngân hàng số ngay trên ứng dụng của mình. Ngân hàng số Cake đang trở thành kênh giao dịch không tiền mặt của nhiều khách hàng và tài xế Be. "Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ để góp phần phổ cập tài chính toàn diện đến tài xế và khách hàng của mình", bà Phương bày tỏ.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Brain & Company, với tốc độ tăng trưởng 38%, quy mô thị trường gọi xe có thể đạt 4 tỷ USD vào năm 2025. Năm 2020, mảng dịch vụ vận tải và thực phẩm tại thị trường Việt Nam đạt doanh thu 1,6 tỷ USD và có thể tăng lên tới 7 tỷ USD vào năm 2025.
Ứng dụng gọi xe đầu tiên hòa vốn sau 2 năm ra mắt thị trường và sắp có lãi
Cũng theo bà Phương, thị trường gọi xe Việt Nam vào thời điểm Be lăn bánh vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, người dùng cần nhiều nhà cung cấp hơn để họ có thể đa dạng hóa lựa chọn của mình. Mặt khác, Be không bao giờ bị dao động bởi đối thủ. Trước khi quyết định ra mắt bất cứ một dịch vụ gì, công ty dùng nhiều mô hình phân tích số liệu và chạy nhiều thử nghiệm về tài chính, đồng thời bộ máy cũng được đào tạo để mọi thứ đi đúng mục tiêu ban đầu.
"Chúng tôi tự tin vào điểm mạnh của mình khi đồng thời ra mắt ở 2 thành phố lớn, với cả 2 loại hình gọi xe là 2 bánh và 4 bánh. Be cũng cho phép thanh toán không tiền mặt ngay từ ngày đầu tiên", đại diện Be nói.
Đồng thời, là DN đi sau nên Be tận dụng được những kinh nghiệm của thị trường đi trước, khi tránh những lỗi căn bản và áp dụng công nghệ tiên tiến hơn ngay từ đầu. Nhờ đó, Be có được lợi thế để bứt phá và tăng trưởng nhanh chóng.
Để rồi, Be đã có những "quả ngọt", ra đời 12/2018, chỉ sau 6 tháng, Be đã vươn lên và giữ vị trí thứ 2 về thị phần. Các tính năng mới trên ứng dụng ra đời với tốc độ nhanh không kém những đối thủ đi trước. Sau hơn 2 năm, Be vẫn là đại diện duy nhất của Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với các ứng dụng gọi xe ngoại có tuổi đời gấp 3,4 lần, có vốn hóa gấp cả chục lần.
Nói về sự khác biệt so với đối thủ, đại diện Be khẳng định, đó là việc đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và đề ra một chiến lược phát triển dài hơi cùng đội ngũ nhân sự công nghệ xuất sắc, chi phí vận hành hợp lý và hiệu quả. Một điểm mạnh khác của Be là hướng đến phát triển bền vững ngay từ đầu, thông qua việc xây dựng chế độ thu nhập, phúc lợi ổn định cho tài xế, từ đó tạo được tệp tài xế trung thành, gắn bó với Be, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ.
"Be tin rằng thị trường sẽ thuộc về DN nào biết nhanh nhạy nắm bắt cơ hội và cung cấp được dịch vụ tốt nhất cho khách hàng của mình", bà Phương nói.
Bên cạnh đó, không như một số ứng dụng khác đang cạnh tranh với taxi truyền thống, Be Group không xem các công ty taxi này là đối thủ, mà ngược lại, họ chính là đối tác quan trọng của công ty trong việc đồng hành phát triển thị trường. Các tài xế nói chung sẽ có thêm nhiều khách hàng hơn thông qua việc khai thác dịch vụ trên nền tảng mở của Be.
Cụ thể, Be Group đã ra mắt dịch vụ beTaxi khởi đầu tại TP HCM vào tháng 7/2020, thông qua ký kết hợp tác giữa Be Group với Vinataxi - công ty taxi lâu đời nhất thị trường Việt Nam.
Còn vào tháng 12/2020, Be Group tiếp tục ký kết hợp tác với Emddi và Liên minh Taxi Việt Nam. Sự kết nối này đã giúp các hãng taxi truyền thống chuyển đổi số, tạo thêm thu nhập cho hàng chục ngàn tài xế taxi của 20 tỉnh thành.
Trên cơ sở đó, theo đại diện Be, mô hình liên kết beTaxi đang khẳng định lộ trình đúng đắn của ứng dụng Be trong việc trở thành nền tảng mở về vận tải. Chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các bên cũng như mở ra cơ hội liên kết, hợp tác giữa các đơn vị vận tải, nhằm phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Đồng thời, việc liên kết này sẽ góp phần xây dựng ngành vận tải Việt Nam ngày một hiện đại, văn minh, cao hơn nữa là tạo nên dấu ấn của người Việt trong lĩnh vực công nghệ vận tải.
Khi được hỏi về câu chuyện cạnh tranh với những "đại gia" nước ngoài, đại diện Be cho rằng, Be ủng hộ cạnh tranh trong kinh doanh, vì có cạnh tranh mới có phát triển, và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ích từ cạnh tranh. Tuy nhiên, trên thực tế, các DN đa quốc gia khi ra mắt sản phẩm/dịch vụ mới, họ thường tiêu tốn rất nhiều tiền để giảm giá sản phẩm xuống dưới mức thực tế, nhằm kéo khách, kéo tài xế từ đối thủ. "Nhưng liệu việc này sẽ kéo dài được bao lâu?", đại diện Be đặt câu hỏi.
Do đó, theo đại diện Be, Be không xem đây thực sự là cạnh tranh và không phải là cách làm của công ty. Thay vào đó, Be hướng tới phát triển bền vững ngay từ đầu bằng cách tập trung vào chất lượng dịch vụ, thay vì đốt tiền để giành thị phần.
Để rồi, trong bối cảnh năm 2020, các DN đều bị ảnh hưởng bởi Covid, nhưng Be là ứng dụng gọi xe duy nhất mở rộng được thị phần, chiếm lĩnh đến 30% thị trường gọi xe Việt Nam. "Đồng thời, chúng tôi cũng là ứng dụng gọi xe đầu tiên đạt điểm hòa vốn chỉ sau 2 năm lăn bánh và tiến đến có lãi trong năm 2021, bất chấp các ảnh hưởng của dịch bệnh", đại diện Be nhấn mạnh.
Việt Nam cần có những hệ sinh thái mở của riêng mình
Cũng theo đại diện Be, trong hơn hai năm qua, mặc dù Be đã có những thành tựu nhất định, nhưng cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức khi mô hình đang theo đuổi còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Các mô hình kinh doanh nền tảng đang tạo ra nhiều lúng túng cho các bên liên quan, cũng như còn một số kẽ hở như: Mô hình thử nghiệm sandbox thời gian quá lâu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; Việc thâu tóm đối thủ khác để độc quyền thị trường vi phạm luật cạnh tranh.
Bên cạnh đó, do cách chính sách về thuế chưa quy định cụ thể trong thời gian đầu dẫn đến một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở làm thất thu ngân sách nhà nước; Hành lang pháp lý chưa chặt chẽ và hoàn thiện để DN báo lỗ nhiều năm dù doanh thu tăng cao; Việc bảo đảm an toàn an ninh dữ liệu người dùng, dữ liệu quốc gia cũng còn nhiều vấn đề khi các dữ liệu về người dùng, giao thông được lưu trữ và báo cáo ra ngoài lãnh thổ Việt Nam; Các ứng dụng nước ngoài tự mình phát triển tất cả các ngành nghề dịch vụ để tận thu.
"Đó là lý do vì sao Việt Nam cần có những hệ sinh thái mở của riêng mình", đại diện Be bày tỏ.
Về các kiến nghị đối với cơ quan quản lý, đại diện Be cho rằng, Chính phủ cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các DN công nghệ trong nước phát triển mạnh mẽ để có thể làm chủ thị trường nội địa, từng bước hội nhập khu vực một cách thuận lợi và có chiều sâu.
"Trong bối cảnh các siêu ứng dụng, các nền tảng mở nước ngoài không ngừng gây ảnh hưởng lên người dùng trong nước, các cơ quan quản lý hãy tạo điều kiện hơn nữa để các DN công nghệ nội địa đạt chuẩn tham gia vào các dự án của Chính phủ, bộ ngành, góp phần chung tay cùng thực hiện các mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số", đại diện Be chia sẻ.
Ngoài ra, các DN trong nước đang gặp hạn chế lớn về vốn, nên dù ý tưởng kinh doanh có tốt nhưng không có vốn để tăng trưởng. Khi đi kêu gọi đầu tư nước ngoài thì lại vấp phải 2 vấn đề là các chính sách để thu hút vốn từ nước ngoài của Việt Nam chưa thực sự thông thoáng cho startup. Đồng thời đã có hiện tượng các đối thủ có nguồn gốc nước ngoài sử dụng tiềm lực tài chính và quan hệ để kìm hãm khả năng gọi vốn của các DN cùng ngành trong nước. "Do đó chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ tốt hơn cho việc thu hút vốn đầu tư của các DN startup", đại diện Be kết luận./.
Đội ngũ của Be tiếp tục phát triển nhiều tính năng đúng nhu cầu người dùng trong giai đoạn dịch bệnh như giao hàng nhiều điểm đến trong một đơn hàng, giao nhiều đơn hàng cùng lúc..., cung cấp các dịch vụ viễn thông (nạp tiền điện thoại, nạp data 3G, 4G), bán bảo hiểm tai nạn dân sự bắt buộc cho ôtô, xe máy... Đặc biệt là hợp tác cùng VPBank ra mắt ngân hàng số Cake by VPBank. Điều này giúp hệ sinh thái công nghệ của Be phục vụ người dùng trong nhiều hoạt động từ đi lại, giao hàng, mua sắm, thanh toán.
Cuối năm 2021, số lượng khách hàng sử dụng ngân hàng số Cake by VPBank cán mốc một triệu, chỉ sau 11 tháng hoạt động. Với lợi thế là ngân hàng số tiếp cận hệ sinh thái khách hàng, tài xế công nghệ đông đảo của Be, Cake đã nhanh chóng thu hút người dùng với hàng loạt tính năng tiện dụng phục vụ nhu cầu tài chính hàng ngày như thanh toán hoá đơn, dịch vụ viễn thông, chuyển khoản không mất phí, gửi tiết kiệm lãi suất cao. Đại dịch ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội nhưng cũng tạo ra những thói quen mới, thúc đẩy chuyển đổi số.
Mới đây nhất, Be Group vừa công bố hợp tác cùng Shopee trong chiến lược mở rộng trải nghiệm dịch vụ trên sàn thương mại điện tử và phương án thanh toán linh hoạt.