Trong chuyến công tác tại Bình Định, chiều ngày 20/8/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ công bố thị xã An Nhơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Hoài Nhơn đạt chuẩn NTM năm 2018.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, qua 10 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, đến nay, Bình Định đã có 77 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ gần 65%, cao hơn chuẩn của Trung ương.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ mức 15 triệu đồng/người/năm vào năm 2010 lên 40 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16,31% năm 2010 xuống còn khoảng 7% năm 2018.
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”, xây dựng NTM đã thực sự khơi dậy được nguồn lực rất lớn trong nhân dân.
Giai đoạn 2011-2019, tổng kinh phí để thực hiện Chương trình xây dựng NTM của thị xã An Nhơn và huyện Hoài Nhơn trên 2.779 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 201 tỷ đồng. Ngoài ra người dân còn hiến hàng trăm nghìn m2 đất, hàng nghìn ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định cho thị xã An Nhơn và huyện Hoài Nhơn.
Thu nhập bình quân đầu người của thị xã An Nhơn đạt 40 triệu đồng và huyện Hoài Nhơn đạt 48,8 triệu đồng.
Qua thực tế phong trào xây dựng NTM giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Hoài Nhơn là điển hình tiêu biểu nhất của tỉnh Bình Định.
Bên cạnh việc nỗ lực phấn đấu hoàn thành huyện NTM vào cuối năm nay, huyện Hoài Nhơn cũng đã và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm địa phương với chương trình “mỗi xã một sản phẩm”.
Là huyện cực bắc của tỉnh Bình Định, nhưng Hoài Nhơn đã có đến 9 sản phẩm đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đó là 6 nhãn hiệu tập thể gồm: dầu dừa tinh khiết Hoài Nhơn, nước mắm truyền thống, bún số 8 Tam Quan Nam, chuối mốc Hoài Sơn, trứng vịt lộn Hoài Mỹ, chiếu cói Hoài Nhơn; 2 nhãn hiệu đã được chứng nhận là cá ngừ đại dương Bình Định, bánh tráng nước dừa Tam Quan và 1 nhãn hiệu “bánh hồng” do cơ sở sản xuất tự đăng ký. Tổng sản lượng các sản phẩm đạt gần 300.000 đơn vị sản phẩm; tổng doanh thu đạt hơn 217 tỷ đồng/năm.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhận thức rõ vai trò của nông nghiệp, nông thôn, nông dân, cách đây gần 10 năm, Trung ương có nghị quyết về tam nông, phát dộng phong trào xây dựng NTM trên cả nước.
Đến nay, cả nước đã có 4.475 xã (chiếm 50,26% số xã) đạt chuẩn NTM, có 87 đơn vị cấp huyện thuộc 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm khoảng 13,1% tổng số huyện, thị xã, thành phố của cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Thủ tướng tặng quà các gia đình nạn nhân chất độc da cam tại tỉnh Bình Định
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, các đơn vị của tỉnh Bình Định đã phấn đấu hết sức quyết liệt, đến nay, có 1 xã và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi biết bà con trong tỉnh, huyện, xã đã hiến đất, góp tiền, góp công góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng NTM.
“Việc duy trì, phát huy kết quả đạt được, giữ vững danh hiệu, tiêu chí là không dễ dàng. Các đồng chí cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo thực hiện tất cả tiêu chí theo hướng nâng cao kết quả hơn nữa, không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất mà cả tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, nhất là gia đình yếu thế, người nghèo, gia đình chính sách”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Định, thị xã An Nhơn, huyện Hoài Nhơn tiếp tục khắc phục các tồn tại, bất cập trong quá trình xây dựng NTM như vấn đề vệ sinh môi trường ở nông thôn, vấn đề xử lý rác thải, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ…
Nêu rõ mục tiêu cuối cùng xây dựng NTM là nâng cao mức sống người dân, Thủ tướng mong muốn các địa phương trong tỉnh học tập thị xã An Nhơn, huyện Hoài Nhơn để mô hình này nhân rộng ra toàn tỉnh.
Nhân dịp này, Thủ tướng trao 100 suất quà cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam tại tỉnh Bình Định.