Bình Dương thực hiện 3 giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành sản xuất công nghiệp
Tại tỉnh Bình Dương, thời gian qua, tất cả các lĩnh vực đang tích cực thực hiện chuyển đổi số (CĐS), trong đó có lĩnh vực sản xuất công nghiệp với những kết quả nổi bật.
Số hoá ngành sản xuất công nghiệp
Trong bối cảnh xu thế “chuyển đổi kép” gồm CĐS, chuyển đổi xanh được triển khai mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, Bình Dương cũng không ngoại lệ. Vấn đề CĐS, chuyển đổi xanh đã được tỉnh hết sức quan tâm và chú trọng.
Với 29 khu công nghiệp, 7 cụm công nghiệp với 67.962 doanh nghiệp (DN), công nghiệp là ngành đóng góp chủ lực cho tăng trưởng kinh tế (71,55%) của tỉnh Bình Dương.
Báo cáo tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về CĐS tại điểm cầu Bình Dương, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết hiện nay tỉnh đang thực hiện tái cơ cấu và cấu trúc lại các khu/cụm công nghiệp với định hướng dịch chuyển các khu/cụm công nghiệp từ phía Nam lên phía Bắc, ưu tiên thu hút những ngành công nghiệp công nghệ cao, ít thâm hụt lao động và sở hữu các công nghệ tự động hóa, thông minh hóa cao.
Hạ tầng số và băng thông rộng được hoàn thiện và liên tục được nâng cấp, hướng đến ứng dụng những công nghệ 5G phục vụ công nghiệp. Đến nay, tỉnh đã phát triển hạ tầng số với độ phủ cáp quang tới khu phố, ấp; 100% xã, phường, thị trấn có mạng truyền số liệu chuyên dùng; 3.666 trạm BTS phát sóng 4G phủ 100% toàn tỉnh phục vụ 4 triệu thuê bao.
Ngoài ra, công tác đảm bảo nguồn nhân lực cũng được chú trọng quan tâm để kịp thời cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.
Tỉnh Bình Dương đã ứng dụng thành công mô hình hợp tác ba nhà trong xây dựng và phát triển thành phố thông minh Bình Dương. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bao gồm hệ thống các trung tâm xuất sắc về tự động hóa, sản xuất thông minh, sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ IoT, trí tuệ nhân tạo (AI)... với hệ thống cơ sở vật chất và máy móc thiết bị hiện đại, được đầu tư với mô hình “Phòng thí nghiệm dùng chung” phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, phát triển, đào tạo và đào tạo lại của hệ sinh thái DN toàn tỉnh.
Song song đó, tỉnh cũng đã có các chính sách hỗ trợ cho DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo cũng như DN nhỏ và vừa để có thể thực hiện quá trình CĐS; thực hiện thay đổi công nghệ để ngày càng thích ứng nhanh và sâu hơn, cạnh tranh tốt hơn không những khu vực trong nước mà còn tại các thị trường quốc tế. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai thu hút đầu tư logistics xanh, hoàn thiện chuỗi cung ứng hiện đại liên kết dịch vụ logistics cấp vùng phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất tại các khu/cụm công nghiệp và thưc hiện chức năng phân phối hàng hóa đến các tỉnh, thành phố trong khu vực và xuất khẩu; đang triển khai kho liên vận quốc tế.
Trong thời gian qua, Bình Dương đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong công tác CĐS trong phát triển lĩnh vực công nghiệp như đã và đang hình thành quy hoạch cụ thể dự án Khu công nghiệp Khoa học công nghệ đặt tại huyện Bàu Bàng; Trung tâm Thương mại Thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC) đã đi vào hoạt động; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng và kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng logistics đường sông, đường sắt; triển khai Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh Bình Dương; Hệ thống thông tin địa lý GIS trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh cải cách hành chính; kết nối quốc tế, xúc tiến thương mại; tiếp tục xây dựng và phát triển làng thông minh...
Một số giải pháp thúc đẩy CĐS và phát triển công nghiệp tại Bình Dương
Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, qua quá trình triển khai tỉnh Bình Dương đã đánh giá được một số mặt thuận lợi như Chính quyền quyết tâm mạnh mẽ, DN sẵn sàng vào cuộc để CĐS. Song song đó, vẫn tồn tại một số khó khăn như chưa số hóa thông tin đầy đủ, quy trình rời rạc, hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng.
Do đó, để khắc phục các tồn tại hạn chế nhằm đẩy nhanh quá trình CĐS, đặc biệt là CĐS trong lĩnh vưc công nghiệp, một trong những lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh Bình Dương, tỉnh đã đang và tiếp tục thực hiện một số giải pháp, phương hướng CĐS, tư vấn giải pháp, hỗ trợ công nghệ... nhằm thúc đẩy CĐS, chuyển đổi xanh tại các DN.
Thứ nhất là CĐS toàn diện các khu/cụm công nghiệp và nhà máy sản xuất. Hiện nay, tỉnh đã có 6 khu công nghiệp ứng dụng nền tảng quản trị và điều hành thông minh của Becamex và đang triển khai chuyển đổi 3 nhà máy thành sản xuất thông minh.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh CĐS khu công nghiệp, chuyển đổi từng nhà máy sản xuất truyền thống sang sản xuất thông minh, ứng dụng các giải pháp công nghệ tự động hóa, AI, Internet vạn vật (IoT), mạng 5G cho công nghiệp, phân tích dữ liệu để thu thập dữ liệu theo thời gian thực và tự động hóa quy trình để tối ưu các nguồn tài nguyên, đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian cho DN để vận hành thông minh, chuyển đổi dần từng bước trên hạ tầng sản xuất hiện có, từng bước hình thành khu công nghiệp thông minh.
Thứ hai là CĐS hoạt động logistics bởi tự động hóa logistics, kho bãi... sẽ giảm ít nhất được 50% chi phí các loại và nâng cao chất lượng hoạt động logistics. Đồng thời, đẩy mạnh thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới bằng việc chuyển đổi hoạt động mua bán hàng hóa lên sàn thương mại điện tử, khuyến khích, hợp tác với các DN xây dựng nền tảng số cho hoạt động bán buôn và logistics.
Thứ ba là phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm dữ liệu, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện tử, chip bán dẫn, các sản phẩm IoT, AI, an toàn, an ninh mạng, dữ liệu lớn... Hình thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin tại khu vực 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm IoT... phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và CĐS tại Việt Nam./.