Bình Dương tăng cường chuyển đổi số, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin
Sáng 20-3, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) do ông Phạm Đức Long – Thứ trưởng Bộ TTTT làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương về công tác chuyển đổi số, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT).
Tiếp và làm việc với Đoàn có Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lộc Hà; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, huyện, thị, thành phố, các trường đại học và các doanh nghiệp Viễn thông trên địa bàn tỉnh.
Tập trung nguồn lực cho chuyển đổi số
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Lê Tuấn Anh – Giám đốc Sở TTTT tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay, tỉnh đã phát triển hạ tầng số với độ phủ cáp quang tới khu phố, ấp; 100% xã, phường, thị trấn có mạng truyền số liệu chuyên dùng; 3.666 trạm BTS phát sóng 4G phủ 100% toàn tỉnh phục vụ 4 triệu thuê bao.
Tỉnh hiện có 100% hồ sơ xử lý trên môi trường mạng, 1,2 triệu dân đã kích hoạt tài khoản định danh mức độ 2; 70% đối tượng an sinh xã hội được chi trả qua tài khoản. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh cung cấp 1.586/1.887 thủ tục hành chính trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 76%; eForm đã triển khai 100%. Tỉnh có khoảng 65.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 45.000 doanh nghiệp đang sử dụng các nền tảng số và có hơn 6.500 doanh nghiệp cung cấp, kinh doanh điện - điện tử, công nghệ thông tin và công nghệ số đang hoạt động.
Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 92%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch đạt 75%; tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt 86,3%...
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ phối hợp với Bộ TTTT rà soát, đánh giá và hoàn thiện Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh liên thông toàn trình với các cơ sở dữ liệu và phần mềm nghiệp vụ, cung cấp 65% dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo hướng đơn giản hóa, tối giản thủ tục để tạo sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp khi sử dụng; triển khai mở rộng kho dữ liệu phục vụ lưu trữ kết quả hồ sơ số hóa cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung triển khai hệ thống camera giám sát, điều hành giao thông, an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và các dự án về đô thị thông minh, chuyển đổi số. Thực hiện triển khai Khu CNTT tập trung tại Bình Dương nhằm phát triển công nghiệp ICT và phối hợp Bộ TTTT triển khai Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp, công nghệ thông tin tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã kiến nghị Bộ TTTT hỗ trợ tỉnh trong quá trình xây dựng hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt đề án Khu CNTT tập trung; xây dựng mô hình cơ sở dữ liệu chuỗi cung ứng nhằm phục vụ quá trình điều hành kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế tại tỉnh; phối hợp với tỉnh xây dựng chương trình và triển khai đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người lao động tại các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp…
Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, công nghiệp CNTT
Qua báo cáo và kiến nghị của UBND tỉnh Bình Dương, thành viên trong Đoàn công tác đã chia sẻ những giải pháp để Bình Dương đạt mục tiêu đề ra trong công tác chuyển đổi số và phát triển công nghiệp CNTT. Theo ông Hồ Đức Thắng – Quyền Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ TTTT, Bình Dương đã đạt được những kết quá đáng ghi nhận trong công tác chuyển đổi số, điển hình là các chỉ số liên quan đến CNTT và chuyển đổi số đều nằm trong Top đầu của cả nước.
Ông Hồ Đức Thắng đề nghị Bình Dương đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đa dạng hóa hơn nữa các kênh cung cấp dịch vụ công để phục vụ người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số của tỉnh; phổ cập kỹ năng số cho người dân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp qua Nền tảng học trực tuyến, hướng dẫn tại nhà, tại các khu công nghiệp.
Ông Thắng đề xuất Bình Dương xem xét phát triển tổng thể và toàn diện các nội dung trong phát triển đô thị thông minh, đảm bảo các yếu tố về môi trường, gắn kết chặt chẽ với tăng trưởng xanh. Ông cho biết, Bộ TTTT và Bộ Xây dựng đang phối hợp xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá tổng thể về đô thị thông minh, dự kiến ban hành trong quý II/2024 và đề xuất Bình Dương là địa phương đầu tiên áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá sau khi được ban hành.
Trao đổi các giải pháp thúc đẩy kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh, ông Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TTTT cho rằng, Bình Dương cần đẩy mạnh chuyển đổi số trên lĩnh vực logistics như tự động hóa logistics, kho bãi, để giảm ít nhất được 50% chi phí các loại và nâng cao chất lượng hoạt động logistics; đầu tư xây dựng các khu công nghiệp điện tử, lắp ráp điện tử, Trung tâm dữ liệu (DC); chuyển đổi số toàn diện các khu, cụm công nghiệp và nhà máy đem lại doanh thu tăng trưởng từ 5-25%.
Cũng theo ông Tuấn, chuyển đổi số doanh nghiệp cần tập trung vào các ngành công nghiệp: Chế biến gỗ; sản xuất chế biến thực phẩm; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; sản xuất hoá chất… Đồng thời cần thành lập Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số dành cho các doanh nghiệp; quan tâm đầu tư vào nền tảng số thay vì đầu tư vào các ứng dụng CNTT rời rạc vì nền tảng số sẽ có tốc độ tăng trưởng khoảng 5,52% so với doanh nghiệp đầu tư vào ứng dụng CNTT (tăng trưởng chỉ 0,56%). Về xã hội số, Bình Dương cần thí điểm 100% dịch vụ công trực tuyến; 100% học bạ điện tử, sổ sức khỏe điện tử sử dụng chữ ký số; phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thí điểm nền tảng Hợp đồng lao động điện tử để 100% hợp đồng lao động được ký số.
Khuyến nghị với tỉnh về xây dựng Khu CNTT, ông Nguyễn Thanh Tuyên – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông, Bộ TTTT cho rằng, Bình Dương cần dành quỹ đất để xây dựng với quy mô đồng bộ, hiện đại; xác định các doanh nghiệp thu hút đầu tư vào Khu CNTT; đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp.
Về chứng thực điện tử trên môi trường mạng, bà Tô Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia đánh giá, Bình Dương đã có sự quan tâm đầu tư cấp chứng thư số, chữ ký điện tử trong giao dịch điện tử. Bà Hương cho biết, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 sẽ có hiệu thi hành kể từ ngày 01/7/2024, trong đó quy định tất cả văn bản đều ký số và có giá trị như ký tay. Để triển khai Luật này, Bộ TTTT sẽ sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để Luật đi vào cuộc sống. Cũng theo bà Hương, Bình Dương có đông công nhân lao động cần phải triển khai hợp đồng điện tử tại các doanh nghiệp. Bộ TTTT sẽ khuyến khích các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người dân thực hiện ký số.
Chia sẻ với Đoàn công tác, ông Phạm Ngọc Thuận – Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC đã nêu một số khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Ông cho biết, tỉnh đang triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên tỷ lệ doanh nghiệp tham gia còn hạn chế do có nhiều bất cập trong chính sách, quy định, đặc biệt là chính sách, quy định liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp. Ông đề xuất Chính phủ xem xét sửa đổi các quy định liên quan đến thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện chuyển đổi số.
Bà Phan Thị Khánh Duyên – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Sở đã triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, cần sự hướng dẫn của Bộ TTTT cho phát triển kinh tế số trong đó có phát triển thương mại điện tử.
Qua ý kiến của các thành viên Đoàn công tác và địa phương, Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị tỉnh Bình Dương triển khai ngay các bước xây dựng hạ tầng Khu CNTT; nghiên cứu các đề xuất của các thành viên trong Đoàn để áp dụng phù hợp với thực tế địa phương. Đối với các kiến nghị của tỉnh, Bộ ghi nhận và sẽ phối hợp với các cơ quan có phương án tháo gỡ. Bộ cam kết sẽ đồng hành cùng tỉnh thực hiện chuyển đổi số, phát triển công nghiệp CNTT trên địa bàn tỉnh.