Bình Phước thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp

Đỗ Thêu| 07/12/2022 15:34
Theo dõi ICTVietnam trên

Nông nghiệp được Bình Phước xác định là ngành kinh tế chủ lực. Do đó, chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp đang được tỉnh chú trọng quan tâm, nhằm nâng cao năng suất, lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất và đem lại nhiều cơ hội phát triển…

Bức tranh nông nghiệp số đã và đang phát triển mạnh mẽ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Phước, Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tiềm năng sản xuất nông nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp được tỉnh xác định là ngành kinh tế chủ lực. Do đó, CĐS trong nông nghiệp đang được tỉnh chú trọng quan tâm, nhằm giúp nâng cao năng suất, lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất và đem lại nhiều cơ hội phát triển; kết nối nông dân với các tổ chức chế biến, thương mại và người tiêu dùng trên toàn thế giới; mang lại cho ngành nông nghiệp một phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh hiện đại, chất lượng cao, khai thác hiệu quả tiềm năng vốn có của địa phương.

Những năm gần đây, bức tranh nông nghiệp số của tỉnh đã và đang phát triển mạnh mẽ. Trong đó, phải kể đến công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, hình thành những mô hình ứng dụng công nghệ tự động hóa ở mức thông minh, xây dựng được một số cơ sở dữ liệu lớn cho lĩnh vực lâm nghiệp, Internet kết nối vạn vật đã đi vào thực tiễn sản xuất.

Ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng được một số phần mềm chuyên dùng như: Quản lý lập địa, Tự động hóa chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quản lý rừng bền vững… Tỉnh cũng hình thành được những vùng nguyên liệu có quy mô lớn, với năng suất, sản lượng nông sản gia tăng. Nông nghiệp công nghệ cao đang từng bước đi vào hệ thống, theo chiến lược của tỉnh.

Sản phẩm nông nghiệp khá phong phú về chủng loại; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc được áp dụng trên nhiều mặt hàng nông sản; nhiều nông sản đã được cấp giấy chứng nhận Việt Gap, Global Gap và OCOP. Sở hữu trí tuệ được chú trọng, chất lượng nông sản, thương hiệu nông sản được cải thiện; gia tăng được sức cạnh tranh nông sản; thị trường nông sản được mở rộng.

Một số loài trái cây được xem như biểu tưởng của ngành nông nghiệp, đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường toàn cầu. Hệ thống quản lý và tổ chức sản xuất nông nghiệp dần kiện toàn từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đã có nhiều sáng tạo, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, mạnh dạn trong đổi mới sáng tạo.

Xác định vai trò của CĐS trong nông nghiệp, thời gian qua Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã từng bước ứng dụng CĐS và công nghệ vào triển khai các chương trình dự án, đào tạo huấn luyện, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ họ áp dụng CĐS, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất để nâng cao thu nhập.

Bình Phước thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp - Ảnh 1.

Thử nghiệm công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn điều.

Việc triển khai thực hiện CĐS, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, từng bước thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả, thiếu liên kết chuỗi giá trị. Một số mô hình ứng dụng CĐS trong các khâu, tiêu biểu như: mô hình liên kết hồ tiêu theo tiêu chuẩn R.A (Rainforest Alliance), mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu, mô hình chế biến hạt điều bằng công nghệ hấp hơi nước, mô hình trồng mít ruột đỏ, mô hình trồng giống bơ sáp Mã Dưỡng, mô hình trồng bưởi da xanh… Các mô hình thực hiện CĐS không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người dân mà còn từng bước làm thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ của người nông dân trong công tác tổ chức sản xuất.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trồng dưa lưới, dưa leo, cà chua trong nhà màng của một số hợp tác xã (HTX) như: HTX Thành Phương (Đồng Phú), HTX Thanh Phú (Bình Long), HTX Công nghệ cao Lộc Hưng (Lộc Ninh), HTX Thanh An (Hớn Quản)… ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, tích hợp hệ thống châm phân tự động; mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường (nhiệt độ, độ ẩm), áp dụng công nghệ số,… là bước tiến mới trong hành trình đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật tới gần với người dân.

Các mô hình được dán tem truy suất nguồn gốc như hồ tiêu, hạt điều, dưa lưới, bưởi da xanh, nhãn, mật ong, yến sào,… góp phần đẩy nhanh hơn quá trình CĐS trong hoạt động tiêu thụ nông sản thông qua sàn thương mại điện tử. Chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR-Code, người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu toàn bộ thông tin của sản phẩm.

Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp tại Bình Phước đang bắt đầu thử nghiệm ứng dụng các công nghệ hiện đại như: công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân lá từ trên cao với hiệu suất làm việc cao gấp nhiều lần các thiết bị khác và gia tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp.

Tháng 5 năm 2022, Bình Phước đã thành lập và đi vào hoạt động 01 HTX dịch vụ nông nghiệp số với mục tiêu lớn nhất là liên kết giữa những nhà sản xuất, nhà kinh doanh để hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sản phẩm của riêng, từ đó hình thành mô hình liên kết chuỗi trong việc kết nối, tiêu thụ nông sản.

Để nông nghiệp số thực sự phát triển

Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, để nông nghiệp số thực sự phát triển, ngành nông nghiệp tỉnh cần hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu vật lý ảo, làm cơ sở để ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng Internet kết nối vạn vật vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp (hệ thống cảm biến tạo dữ liệu đầu vào liên tục theo thời gian; Internet kết nối thông tin các đối tượng; ứng dụng thông minh tự động hóa phân tích dữ liệu theo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp).

Đồng thời, phát triển các phần mềm ứng dụng chuyên sâu cho ngành nông nghiệp, trên cơ sở ứng dụng học máy để phân tích dữ liệu, nhận định diễn biến và khuyến cáo cho người quản lý, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cần ứng dụng công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo để thay thế con người, cải thiện năng suất, sản lượng nông nghiệp; Sử dụng thiết bị không người lái trong canh tác nông nghiệp để gia tăng năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản; Phát triển các đơn vị giải pháp công nghệ, làm trung tâm kết nối các thành phần khác của hệ sinh thái nông nghiệp trong thời kỳ CĐS; Thay đổi phương thức quản trị truyền thống sang phương thức quản trị số doanh nghiệp./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bình Phước thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO