Trong bối cảnh diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn do đại dịch Covid-19, 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng, doanh thu giảm còn 70%, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực du lịch, hàng không, dịch vụ, lao động tự do bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 26% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc ngừng việc, giãn việc và mất việc.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực rất lớn để duy trì sản xuất. Doanh nghiệp và người lao động cũng đã có sự chia sẻ, cùng nhau chung tay vượt qua khó khăn. Nhiều doanh nghiệp trả lương cơ bản, nhiều nơi, người lao động tự nguyện giảm một phần thu nhập của mình để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 15 về gói hỗ trợ lao động bị giảm sâu thu nhập, có mức sống dưới mức tối thiểu. Với 62 nghìn tỷ, dự kiến hỗ trợ cho trên 20 triệu đối tượng. Trong 7 nhóm hỗ trợ đã nhấn mạnh các nhóm lao động bị tạm hoãn hợp đồng, lao động nghỉ không được trả lương, lao động bị chấm dứt hợp đồng, lao động không đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, lao động tự do, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng và tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí.
Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ LĐTBXH cùng Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ cùng với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai đúng, kịp thời, công khai minh bạch đến các đối tượng.
Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai hỗ trợ trên 20 nghìn tỷ, 45/63 tỉnh thành phố đã rà soát xong và bắt đầu từ hôm nay sẽ tập trung hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động dừng hợp đồng, dự kiến theo ước tính khoảng 7.630 tỷ. 47 tỉnh thành đã tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất cho 900 doanh nghiệp, với 80 nghìn lao động là trên 300 tỷ.
Với chủ trương của Chính phủ, nỗ lực vượt qua thách thức và đón thời cơ phục hồi kinh tế, hoạt động kinh doanh sản xuất dịch vụ của chúng ta thì số người mất việc hàng tháng sẽ quay về mức trung bình, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Và dài hạn, cũng cho thấy rằng khoảng 70-80 nghìn lao động ở các khu vực sẽ từng bước quay lại thị trường lao động.
Trước tình hình đó, Bộ LĐTBXH đề nghị các địa phương, doanh nghiệp triển khai đúng, có hiệu quả Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng. Đối với các doanh nghiệp, ưu tiên hàng đầu là tập trung tái cấu trúc lại nguồn nhân lực đi đôi với đổi mới công nghệ và chuỗi giá trị.
Tổ chức Lao động Quốc tế đã khuyến cáo: Để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, yêu cầu sống còn là đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động.
Nếu cắt giảm nhân sự hàng loạt thì chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn, hoặc doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động khi hoạt động sản xuất được quay trở lại.
Vì vậy, Bộ LĐTBXH sẽ trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về vấn đề này, sẽ đề xuất, tham mưu với Chính phủ dành khoảng 3-5 nghìn tỷ từ kết dư bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động. Về vấn đề này, Trung Quốc đã chi 12 tỷ USD.
Dự kiến, sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại, được cấp chứng chỉ. Về phương thức, chúng ta sẽ tập trung đào tạo và đào tạo lại tại doanh nghiệp, gắn với trướng nghề, gắn với hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ trực tiếp cấp chứng nhận.