Bộ tem bưu chính về Điện Biên Phủ: từ quá khứ hào hùng đến đổi mới và phát triển
Ngày 5/5/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” gồm 4 mẫu tem ngay tại Điện Biên Phủ.
Bộ tem từ quá khứ hào hùng đến đổi mới và phát triển
Bộ tem “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” được thiết gồm 4 mẫu tạo sự liên hoàn, như một pho sử, sắp xếp và miêu tả thứ tự từ quá khứ hào hùng đến tương lai tươi sáng của Điện Biên Phủ nói riêng và của đất nước nói chung.
Trên cơ sở sáng tạo thiết kế mới, không lặp lại những nội dung, hình ảnh đã có trên các bộ tem bưu chính về Điện Biên Phủ đã phát hành trước đây, bối cảnh xuyên suốt toàn bộ tem là cảnh lòng chảo Điện Biên từ quá khứ hào hùng đến đổi mới và phát triển. Bố cục được thiết kế có những điểm nhấn ở từng mẫu. Khi sắp xếp liên hoàn 4 mẫu tem, người xem sẽ thấy hướng mở ra từ tối đến sáng. Hình nền liên hoàn các mẫu tạo nên toàn cảnh lòng chảo Điện Biên Phủ
Bốn mẫu tem của bộ tem cũng có 4 tông màu khác nhau nhưng tạo tổng thể cùng 1 bộ tem được chuyển tiếp từ sắc màu nóng sang sắc màu xanh tươi mát, từ chiến tranh đến hòa bình và màu xanh hy vọng của tương lai tươi sáng. Họa tiết dân tộc Thái được bố trí phía dưới làm nền, tôn vinh tính đa dạng văn hóa, bản địa của dân tộc địa phương.
Bộ tem được họa sỹ Nguyễn Du, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) thiết kế tràn lề, khuôn khổ 43 x 32 mm và liên hoàn 172 x 32 mm.
Mẫu tem số 1: 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024) với chủ đề “Chắc thắng mới đánh”
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Nhờ sự chỉ huy đúng đắn, sự đồng lòng của quân và dân mà chúng ta đã giành thắng lợi. Từ đánh nhanh thắng nhanh thành đánh chắc tiến chắc và hình ảnh đoàn quân đang kéo pháo vào trận là ý chính, tiêu biểu cho mẫu tem này.
Cùng với đó, hình ảnh Sở chỉ huy tại Mường Phăng để chỉ huy chiến dịch này được bố trí bên trái mẫu tem là lần đầu tiên được nhắc đến và thể hiện trên tem bưu chính. Phía sau nền là cảnh các máy bay giặc đang đổ quân xuống lòng chảo Điện Biên… để tạo nên một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất lúc bấy giờ nhằm chi phối chiến trường Đông Dương, chính vì vậy mà màu sắc khung cảnh đang thanh bình trở nên u ám.
Mẫu tem số 2: 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024) với chủ đề “Cả nước ra trận”
Để huy động mọi nguồn lực, sức người, sức của, tất cả vì tiền tuyến, vì sự nghiệp chống giặc ngoại xâm,.... từng đoàn dân công hỏa tuyến, người dân địa phương không kể dân tộc khác nhau đều đồng sức, đồng lòng đưa lương thực, thực phẩm, đồ thiết yếu phục vụ chiến dịch giúp phần vào sự thành công của chiến dịch.
Trên nềnbBộ đội ta đánh chiếm, vẫy cờ chiến thắng trên nóc hầm chỉ huy của địch, nền mẫu tem tối sẫm, cây cối bị từng đợt bom địch dội xuống… nhưng không cản được ý chí quyết chiến quyết thắng của dân tộc ta. Hình Sở chỉ huy hai bên được thể hiện trên mẫu 1 và 2 nhằm miêu tả tính đối lập, đấu trí cam go… và kết phần thắng thuộc về chính nghĩa, của sự anh dũng kiên cường của quân và dân Việt Nam.
Mẫu tem số 3: 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024) với chủ đề “Bài ca không quên”
Nhờ sự hy sinh của lớp lớp các anh hùng mà Việt Nam có được độc lập như ngày nay nên lớp thanh niên tiếp bước thực hiện chăm sóc cho thương bệnh binh, quân nhân chế độ chính sách…. Mẫu tem này thể hiện sự tri ân này thể hiện nhóm người cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa, thăm Bảo tàng lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng đài chiến thắng… Đồng thời, mẫu tem thể hiện sự ghi nhớ của lớp thế hệ sau, lớp lớp thanh niên tiếp bước cha ông để bảo vệ và xây dựng tổ quốc.
Hình ảnh Hiệp định Geneva năm 1954 là dấu mốc cho việc lập lại hòa bình tại miền Bắc Việt Nam và là tiền đề để giành được thống nhất đất nước ngày 30/4/1975 được thể hiện với sắc màu xanh thể hiện cho hòa bình.
Mẫu tem số 4: 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024) với chủ đề “Phồn vinh hạnh phúc”
Sự hy sinh xương máu của thế hệ đi trước để đem lại độc lập, hòa bình cho con em ngày nay và mai sau. Ý tưởng này được thể hiện trên mẫu tem qua nhóm người chủ đạo với cô gái dân tộc Thái đang vẫy chào các em thiếu nhi các dân tộc tung tăng tới trường với sự hân hoan, vui mừng… tạo nên không khí vui tươi, hạnh phúc.
Trên nền hoa ban nở rợp trời trên vùng đất chiến trường Điện Biên Phủ xưa, mẫu tem thể hiện Điện Biên Phủ nay đã mọc lên các công trình phục vụ dân sinh, phục vụ sự phát triển kinh tế, du lịch như trường học, ruộng lúa chín vàng, xe năng lượng xanh, cảng hàng không hiện đại, máy bay cất cánh… Tất cả hình ảnh nhằm truyền tải thông điệp về sự đổi mới của Điện Biên Phủ nói riêng và của đất nước nói chung trong quá trình hội nhập và phát triển sánh vai với các nước khắp 5 châu 4 biển.
Gấp rút thực hiện bộ tem
Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT về thực hiện thiết kế bộ tem đặc biệt này, họa sỹ Nguyễn Du cho biết việc thực hiện thiết kế rất gấp rút. Việc giao thiết kế bộ tem “Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” gồm 4 mẫu tem vừa được bổ sung trong chương trình phát hành tem 2024 vào trung tuần tháng 3/2024 và sắp chuẩn bị phát hành.
Họa sỹ Nguyễn Du cho biết: “Thường chương trình phát hành tem được Bộ TT&TT ban hành trước 18 tháng, với bộ tem này chỉ có hơn 1 tháng, cùng với thời điểm này có 5 ngày nghỉ lễ dịp 30/4 nữa nên đây là một áp lực phải hoàn thành vô cùng lớn đối với họa sĩ”.
Tuy nhiên, họa sỹ Nguyễn Du chia sẻ thêm: “Đối với những người chuyên làm tem như họa sĩ chúng tôi thấy rất vinh dự và tự hào được tham gia đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào chuỗi các hoạt động chào mừng sự kiện lớn của đất nước năm 2024 trong đó có Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ý thức được nhiệm vụ mang tính tuyên truyền cao nên họa sĩ cùng tập thể Ban Tem, Tổng công ty BĐVN đã hạ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả này”.
Để thực hiện bộ tem bưu chính này, lãnh đạo Bộ TT&TT đã tổ chức họp ngay nhóm công tác truyền thông, phát hành bộ tem gồm một số đơn vị thuộc Bộ TT&TT, Tổng công ty BĐVN để triển khai thực hiện. Với kinh nghiệm làm tem nhiều năm nên Lãnh đạo Bộ đã đề nghị BĐVN triển khai ngay hai mẫu tem đầu tiên với nội dung về quá khứ. Hai mẫu tem sau các đơn vị nghiên cứu đề xuất sau...
Trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo tư liệu lịch sử của Thông tấn xã Việt Nam, Cục Thông tin Đối ngoại và Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cung cấp cùng với việc Vụ Bưu chính đã có văn bản xin ý kiến tham góp của Viện sử học Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, UBND tỉnh Điện Biên, họa sĩ Nguyễn Du đã nghiên cứu thiết kế đồ họa bộ tem bưu chính trên.
Họa sỹ Nguyễn Du chia sẻ chủ đề về Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được thể hiện qua 8 bộ tem bưu chính của Việt Nam từ bộ đầu tiên ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 rồi đến các bộ tem kỷ niệm 10, 20, 30, 40, 50, 60 năm và bộ tem về Tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Đây vừa là sự thuận lợi vừa là khó khăn. Thuận lợi là người đi sau có thể chắt lọc, lĩnh hội được những cái hay của các bộ tem bưu chính thể hiện trước đây. Khó khăn là làm sao truyền đạt được thông điệp mới, tìm được hướng đi mới, nội dung và hình thức không lặp lại nhưng vẫn hấp dẫn mà không được bỏ qua chi tiết một thời hào hùng của dân tộc”.
Thực sự rất cảm xúc!!!
Là người từng thiết kế nhiều bộ tem kỷ niệm, hoạ sỹ Nguyễn Du cho biết việc thiết kế bộ tem kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm vinh dự và tự hào được tham gia đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào chuỗi các hoạt động của đất nước nói chung và của Bộ TT&TT nói riêng để chào mừng những sự kiện lớn của đất nước năm 2024 trong đó có sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ý thức được nhiệm vụ mang tính tuyên truyền cao, hoạ sỹ cho biết: “Tôi cùng tập thể cán bộ Ban Tem - Tổng công ty BĐVN đã hạ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả này. Mặc cho thời gian gấp gáp, nội dung phải nghiên cứu kỹ để có tính logic, sắp xếp bố cục hài hòa, tạo tính liên hoàn hấp dẫn người xem... Với sự trăn trở như vậy, tôi không quản ngày đêm để thực hiện bộ tem...”.
Chia sẻ về những cảm xúc trong quá trình thiết kế bộ tem, hoạ sỹ Nguyễn Du nhớ lại: “Tôi như được thăng hoa, được cảm xúc hòa nhịp với khí thế hừng hực của đoàn quân kéo pháo xung trận hay sự sôi động, nhiệt huyết của dân công hỏa tuyến... tất cả cho tiền tuyến. Sau đó là hòa bình, lắng đọng trong lòng sự tri ân của lớp chiến sĩ đã anh dũng hy sinh xương máu cho độc lập tự do. Một chân trời tươi sáng rực rỡ mở ra trước mắt với những đổi mới, hội nhập và phát triển trên vùng đất biên cương. Lớp thế hệ tương lai được chắp cánh bay lên những tầm cao mới đem lại phồn thịnh cho đất nước và không bao giờ quên những di sản của cha ông. Thật sự rất cảm xúc!!!”./.