Thánh Gandhi có tên là Mahandar Karramchand Gandhi, cũng gọi là Mahatma Gandhi. Ông sinh ngày 2/10/1869 tại Porhandar, một tỉnh nhỏ ở vùng bờ biển phía Tây Ấn Độ, thuộc Bombay.
Ông sinh trưởng trong một gia đình thuộc đẳng cấp thứ ba trong bốn đẳng cấp của Ấn Độ thời đó. Năm 19 tuổi, ông sang Anh học luật. Vào năm 1891, sau khi vượt qua các cuộc thi, ông trở lại Ấn Độ để thực tập nghề luật sư, đến năm 1892, Hội Luật sư Ấn gửi ông sang Nam Phi để công tác và ông đã quyết chí ở lại Nam Phi để đấu tranh chống nạn kỳ thị chủng tộc.
Năm 1894, ông vận động tỗ chức Hội nghị Dân tộc Ấn tại Natal, tiếng nói của ông bắt đầu được mọi người quan tâm, nhất là chính quyền thực dân Anh. Kể từ đó, ông thường xuyên bị chính quyền thực dân Anh áp bức, tù đày. Tuy nhiên, dân chúng vẫn theo ông và ủng hộ ông.
Để tổ chức các cuộc cách tân xứ sở và dân tộc, Gandhi đã khởi xướng một phong trào đấu tranh bất bạo động (satyagraha). Đến năm 1914, Gandhi được mời gọi trở về Ấn Độ để giúp đấu tranh giành quyền tự trị cho quê hương, xứ sở của mình đang bị cầm nắm bởi thực dân Anh. Tại đây, ông phải đối đầu với muôn ngàn khó khăn, là sự đấu tranh nội bộ giữa các tôn giáo như: đạo Hổi, đạo Bà La Môn, đạo Sikhs... và giữa các giai cấp bất bình trong xã hội, giữa những lớp người giàu và nghèo, quý tộc và cùng đinh, trí thức và mù chữ v.v..., và cả đến những phức tạp về đời sống như ăn ở, vệ sinh... của những người nghèo khỗ, bất hạnh tại Ấn Độ.
Gandhi phải đi hết nơi này đến nơi khác để vận động đoàn kết dân tộc. Có lúc ông đóng vai của những kẻ cùng đinh quét dọn đường phố, làng mạc để làm sạch cho môi trường. Ông nỗ lực ứng dụng tất cả những điều gì có thể mà ông đã học được từ những nước văn minh vào quê hương và xứ sở của ông.
Chân dung Mahatma Gandhi
Đến năm 1925, khi đế quốc Anh mở rộng quyền tự trị cho Ấn Độ, Quốc hội Ấn tham dự vào một đạo luật chống lại khuynh hướng bất bạo động của Gandhi, nên ông đã từ giã con đường chính trị của mình. Nhưng đến năm 1926, ông đã quay trở lại chính trường theo tiếng gọi của dân tộc và những người tiến bộ.
Đến năm 1930, Gandhi được tiếp kiến Vua và Nữ hoàng Anh để đòi hỏi tự do và tự trị cho Ấn Độ. Tuy nhiên, mãi đến ngày 15/8/1947, Ấn Độ mới thực sự giành lại quyền độc lập, tự do khỏi đế quốc Anh. Sau khi Ấn Độ giành được độc lập, vào ngày 30 tháng 1 năm 1948, Gandhi đã bị ám sát tại New Delhi bởi viên đạn của một tên Hồi giáo cuồng tín trẻ tuổi, trong khi ông đang nỗ lực hòa giải những bất đồng trong quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan.
Gandhi là một con người đã thể nhập khả tính vô biên của tình yêu. Ông yêu thương đồng loại, yêu thương súc vật, và yêu thương, thậm chí cả cỏ cây. Sở dĩ ông lập nên một tôn giáo phụng sự, vì lẽ tôn giáo đó chính là hiện thân, là tiếng gọi từ khả tính vô biên của tình yêu. Một tình yêu không vị kỷ và không bản ngã. Và ông đã cống hiến trọn đời cho tình yêu đó.
Thánh Gandhi là một con người quả thật là vĩ đại. Một con người vĩ đại qua những việc làm bình dị và rất thông thường trong cuộc sống. Quét dọn nhà vệ sinh công cộng, chăm sóc cho các lao công khế ước, tự tay mình tắm giặt cho con cái v.v..., đó là những công việc phụng sự vĩ đại bên cạnh những cái vĩ đại trong con người của Gandhi.
Nhiều năm sau, cho dù vẫn đang nghiêng ngả vì xung đột và chiến tranh, thật may là thế giới vẫn không ngừng nhắc đến ông với tinh thần đấu tranh bất bạo động, dựa trên tính nhân bản, lòng khoan dung và tinh thần vị tha. N.Man-đê-la (Nelson Mandela) sau này cũng đã đi trên một "con đường" tương tự Gandhi, để giải phóng Nam Phi khỏi chế độ phân biệt chủng tộc (apartheid).
Những chiến thắng vĩ đại không dựa trên sức mạnh của bạo lực, mà đến từ ý chí bất khuất. Những chiến thắng đến từ sự kiên định, và cách nó làm sụp đổ những pháo đài phi nhân tính đã chứng minh rằng loài người có thể đấu tranh mà không cần đổ máu, dù đó là con đường chông gai và khó khăn hơn rất nhiều so với biện pháp vũ lực.
Để kỷ niệm 150 năm sinh của ông, một người con Ấn Độ vĩ đại với tinh thần đấu tranh bất bạo động, dựa trên tính nhân bản, lòng khoan dung và tinh thần vị tha. Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem “Kỷ niệm 150 năm sinh Mahatma Gandhi (1869-1948)”, đồng thời tổ chức phát hành đặc biệt bộ tem tại Đài Tiếng nói Việt Nam.