Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 24/4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cùng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã có buổi tiếp xúc cử tri xã Đại Đồng (Thạch Thất, Hà Nội). Tại đây, với tư cách là đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, tự do báo chí… mà cử tri đang rất quan tâm.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội trong buổi tiếp xúc cử tri xã Đại Đồng (Thạch Thất, Hà Nội) vào sáng 24/4.
Hiếm có nước nào có nhiều tờ báo như Việt Nam
Cử tri Vũ Đình Nghị (xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất) đặt câu hỏi: “Trong thời gian qua, cử tri chúng tôi rất quan tâm đến vụ việc xảy ra ở Báo Người Cao Tuổi, nhất là khi có tin tờ báo này đã bị các cơ quan chức năng xử phạt vì các vi phạm nhưng sau đó Ban biên tập của tờ báo này vẫn đăng bài thế này thế khác, độc giả chúng tôi không biết đâu mà lần… Tôi đề nghị báo chí cần phải được quản lý tốt hơn và minh bạch, trung thực hơn nữa. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?”.
Trả lời câu hỏi này của cử tri Vũ Đình Nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: “Quản lý báo chí ở nước ta là một công việc hết sức khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm tốt. Theo quy định thì Chính phủ sẽ là người quản lý tất cả các cơ quan báo chí, mà trách nhiệm trực tiếp là thuộc về Bộ Thông tin và Truyền thông.
Công tác quản lý báo chí ở nước ta hiện nay cần công khai, minh bạch. Nhìn lại lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta đã có một bề dày lịch sử đáng tự hào, kể từ khi tờ Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và ra số đầu tiên vào ngày 21/6/1925 thì đến ngày 21/6 tới đây, báo chí cách mạng Việt Nam sẽ kỷ niệm tròn 90 năm.
Báo chí là phương tiện truyền thông của Đảng, Nhà nước, và cũng hiếm có nước nào có nhiều tờ báo và truyền hình như Việt Nam hiện nay với hơn 300 kênh phát thanh và truyền hình, 7 đài truyền hình, hơn 800 tờ báo, tạp chí. Rất nhiều hội, đoàn và hầu như địa phương nào cũng có báo riêng, phục vụ nhu cầu của độc giả đủ mọi lứa tuổi”.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định: “Một số tổ chức nước ngoài, trong đó có cả tổ chức nhân quyền thế giới bảo ta không có tự do báo chí, đó là họ nói không đúng và nhìn nhận không đầy đủ. Thực ra ta có nhân quyền và báo chí ở ta tự do hơn họ rất nhiều. Bằng chứng là các hội, các ngành đều có một tờ báo riêng, trên thế giới chỉ có khoảng 20 nước có luật về báo chí thì trong đó có cả Việt Nam. Thực tế thì Việt Nam tự do báo chí hơn nhiều nước khác.
Bởi số lượng nhiều như vậy nên công tác quản lý báo chí sao cho các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích là rất khó. Tháng 10/2015 tới đây, Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật Báo chí sửa đổi. Luật Báo chí thay đổi là phù hợp với tình hình thực tiễn báo chí trong thời kì mới hiện nay và sẽ là công cụ để công tác quản lý báo chí được thực hiện hiệu quả hơn”.
Liên quan đến việc Báo Người Cao Tuổi bị xử phạt gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: “Báo Người Cao Tuổi là tiếng nói của người cao tuổi cả nước, phục vụ người cao tuổi với với tôn chỉ là “sống vui, sống khỏe, sống có ích”, đó là tấm gương cho con cháu noi theo. Tiếc rằng thời gian qua, bên cạnh những việc tốt đã làm được thì có một số phóng viên của tờ báo này đã lợi dụng để phản ánh thông tin không đúng sự thực, gây hoang mang dư luận và xâm phạm vào lợi ích chung của đất nước nên đã bị xử phạt.
Đây là điều đáng tiếc không mong muốn. Nhưng pháp luật bình đẳng với mọi người, chính vì vậy mà cần phải làm nghiêm. Tờ báo sai sự thật hoặc cá nhân người nào đó làm sai sự thật thì đều bị xử phạt”.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cử tri hơn nữa để công tác quản lý báo chí được làm tốt hơn.
“Sẽ sớm đưa ra Quốc hội những vấn đề mà cử tri quan tâm”
Cùng với việc giải đáp những thắc mắc của cử tri về vấn đề quản lý báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng trả lời nhiều câu hỏi khác mà cử tri nêu ra và hứa sẽ “sớm đưa ra Quốc hội những vấn đề mà cử tri quan tâm”.
Cử tri Kiều Cao Sơn nêu vấn đề chính sách và chế độ dành cho người nghèo và các trường hợp chính sách còn nhiều bất cập, ví dụ như những người cô đơn, tàn tật… chưa được hưởng chế độ phúc lợi thỏa đáng, còn gặp nhiều khó khăn…
Cử tri đã thẳng thắn đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề mà cử tri đang rất quan tâm.
Cử tri Khuất Minh Tâm thì cho rằng giáo dục của ta hiện nay còn nhiều điều đáng bàn như chất lượng giáo dục rất thấp, sinh viên ra trường không có việc làm, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, đổi mới giáo dục nói thì nhiều những khi thực hiện thì chưa được bao nhiêu; kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức đoàn thể cơ sở địa phương hiện rất ít, không đủ duy trì cho các hoạt động thường xuyên.
Cùng với những thắc mắc cần được giải đáp trên, các cử tri Khuất Văn Xuyên và Vũ Khắc An cũng nêu ra thực trạng các dự án treo hiện nay ở địa phương và mô hình hoạt động “cầm chừng” của các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay chưa có giải pháp để tháo gỡ, quy định mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình hiện nay chưa thực sự phù hợp; chế độ đãi ngộ chính sách với thương bệnh binh cần thay đổi đề phù hợp với tình hình mới;… và rất cần được Đảng và Nhà nước quan tâm để có chính sách sao cho phù hợp với thực tế,…
Trả lời các vấn đề thắc mắc này của cử tri, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định các ý kiến mà cử tri nêu ra trong buổi tiếp xúc này là xác đáng, với tư cách là đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng sẽ tiếp thu và trình bày với Chính phủ và Quốc hội để có những giải pháp sao cho phù hợp.