Diễn đàn

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: DN lớn phải nhận những nhiệm vụ quốc gia, làm chủ công nghệ chiến lược

AD 12/02/2025 09:15

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, muốn phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thì các DN lớn phải đi đầu. "Các doanh nghiệp lớn phải nhận những nhiệm vụ quốc gia, làm chủ công nghệ chiến lược, nhận các dự án chuyển đổi số trọng điểm quốc gia".

Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chiều ngày 11/2.

Tăng trưởng mới từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, tăng trưởng bằng các động lực truyền thống đã dần tới hạn. Chúng ta có thể tăng trưởng tới 7% bằng các động lực truyền thống. Tăng thêm từ 7 - 10%, thì phải tìm các động lực tăng trưởng mới. 3% tăng trưởng mới này chỉ có thể đến từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST và CĐS).

img7561-173926319875926016526.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Muốn phát triển KHCN, ĐMST và CĐS thì các doanh nghiệp lớn phải đi đầu. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

“Nông nghiệp đã giúp Việt Nam thoát nghèo. FDI, công nghiệp đã giúp Việt Nam thành nước thu nhập trung bình cao. Để trở thành nước thu nhập cao thì phải dựa vào KHCN, ĐMST và CĐS. Bộ ba KHCN, ĐMST và CĐS là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”, Bộ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, KHCN chỉ có thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nếu các kết quả nghiên cứu được thương mại hóa. Để thúc đẩy thương mại hóa thì kết quả nghiên cứu từ ngân sách Nhà nước nên thuộc sở hữu của các cơ sở nghiên cứu. Để kích thích sự sáng tạo của nhà khoa học, kỹ sư thì nên cho họ hưởng một phần, từ 30 - 50% kết quả thương mại hóa. Nhà nước thu lợi từ thuế, công ăn việc làm khi kết quả nghiên cứu được thương mại hóa và tạo ra doanh thu, lợi nhuận.

Viện nghiên cứu nhận tiền từ Nhà nước để nghiên cứu dựa trên cơ sở của một hợp đồng nghiên cứu. Nhưng tiền mà cơ sở nghiên cứu nhận được từ Nhà nước để nghiên cứu thì lại phải chi như là tiền ngân sách của một đơn vị hành chính Nhà nước, như một cơ quan Nhà nước. Cơ quan nhà nước là làm những việc đã biết, đã được định nghĩa. Nghiên cứu là làm việc chưa biết, chưa có, vậy phải theo một cơ chế khác.

“Hãy để viện nghiên cứu chi đồng tiền mà họ nhận được từ Nhà nước để nghiên cứu theo cơ chế chi của doanh nghiệp (DN), cơ chế khoán. Nhà nước hãy quản theo kết quả nghiên cứu, tức là quản theo mục tiêu, thay vì quản cách làm, quản quy trình. Nhà nước chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, nhưng sẽ có các giải pháp quản lý rủi ro, như phân bổ ngân sách và quản lý kết quả nghiên cứu theo giai đoạn, phân loại nghiên cứu (cơ bản, ứng dụng và triển khai) theo mức độ rủi ro (cao, trung bình và thấp) để quản lý khác nhau, sử dụng CĐS để công khai minh bạch các nghiên cứu...”, Bộ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ.

Từ trước đến nay, chúng ta quản cách làm, coi trọng hóa đơn, chứng từ hơn là kết quả nghiên cứu. Bởi vậy, Nhà nước thu được rất nhiều hóa đơn chứng từ nhưng thu được ít kết quả nghiên cứu. Các nhà quản lý KHCN thì chú tâm vào nghiệm thu hóa đơn, chứng từ hơn là nghiệm thu kết quả nghiên cứu. Cơ chế này là do chúng ta, thay đổi nó chỉ là nhận thức và có thể làm rất nhanh, ngay trong nửa đầu 2025 này, bằng cách sửa Luật Khoa học và Công nghệ và các luật liên quan.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, muốn phát triển KHCN, ĐMST và CĐS thì cần nhân lực chất lượng cao. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, muốn đào tạo nhân lực chất lượng cao của các trường đại học (ĐH) thì cần thu hút nghiên cứu, cần Nhà nước, các DN đặt hàng ĐH nghiên cứu, cần ĐH phải trở thành trung tâm nghiên cứu.

Để làm được việc này, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, ĐH cần một thỏi nam châm để hút nghiên cứu. Thỏi nam châm đó là các phòng thí nghiệm mà các DN không đủ sức đầu tư, nhất là các DN nhỏ và vừa (SME). Vậy, Nhà nước cần có một chương trình lớn đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các trường ĐH.

75.000 tỷ đồng của năm 2025 chi cho KHCN, ĐMST và CĐS thì nên dành 5.000 tỷ đồng (khoảng 7%) cho đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các ĐH. Làm liên tục việc này trong 5 năm thì sẽ thay đổi căn bản hạ tầng nghiên cứu của các trường ĐH. Hiện nay, mỗi năm, chúng ta đầu tư cho các phòng thí nghiệm chưa được 500 tỷ đồng.

Muốn phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, các DN lớn phải đi đầu

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, muốn phát triển KHCN, ĐMST và CĐS thì các DN lớn phải đi đầu.

Thứ nhất, muốn có DN lớn thì Nhà nước phải giao việc lớn cho họ, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho họ.

Có việc lớn thì DN Việt Nam mới lớn lên được. DN sau khi đã thành công thì cần có việc lớn, thách thức lớn để tạo ra tự hào Việt Nam. Giao việc lớn, nếu họ chưa đủ nguồn lực thì họ sẽ thuê nước ngoài làm thuê cho họ, hơn là để nước ngoài thuê ta làm các dự án trong nước.

Các DN lớn phải nhận những nhiệm vụ quốc gia, làm chủ công nghệ chiến lược, nhận các dự án CĐS trọng điểm quốc gia. Đây là trách nhiệm của DN lớn đối với đất nước. Đây cũng là nhiệm vụ mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị giao các DN công nghệ dân tộc, với mục tiêu hình thành các DN công nghệ lớn của Việt Nam.

Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đến năm 2025 hình thành 5 tập đoàn công nghệ số lớn ngang tầm các nước tiên tiến.

Thứ hai, các DN, nhất là các DN lớn, phải đi đầu về ứng dụng công nghệ và CĐS, từ đó mà dẫn dắt các DN Việt Nam khác cũng ứng dụng công nghệ và CĐS, khơi dậy làn sóng KHCN của nước nhà.

Các DN lớn nên tăng chi cho đổi mới công nghệ và CĐS. Tăng chi thì thúc đẩy tăng trưởng GDP của đất nước. Tăng chi cho công nghệ và CĐS thì tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực quản trị DN, tăng năng lực cạnh tranh của DN.

Tăng chi cho công nghệ và CĐS thì tạo thị trường cho các DN công nghệ và CĐS của Việt Nam, làm phát triển các DN này. Vậy là một mũi tên trúng mấy đích. Các DN lớn, phải nhận lấy trách nhiệm đổi mới công nghệ và CĐS để góp phần tạo ra thêm 3% cho tăng trưởng GDP.

Thứ ba, các tập đoàn thương mại, dịch vụ lớn của đất nước nên có chiến lược chuyển dịch thành các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Không làm công nghệ, công nghiệp thì Việt Nam không thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước thu nhập cao. Làm công nghệ, công nghiệp thì các DN lớn mới có đủ nguồn lực để đi đầu. Nếu các DN này không làm, vẫn tiếp tục thương mại và dịch vụ thì Việt Nam khó bứt phá vươn lên.

Thứ tư, các DN công nghệ lớn phải đi ra nước ngoài chinh phục thế giới, thông qua đó học hỏi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, mới chứng tỏ được mình là DN xuất sắc.

DN Việt Nam mà không cạnh tranh quốc tế được thì Việt Nam cũng không bao giờ có thể thành nước phát triển. Muốn cạnh tranh quốc tế được thì phải dựa vào và phải sử dụng KHCN, ĐMST và CĐS. Và đây cũng là cách để thúc đẩy các DN dân tộc phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Nếu chúng ta không chinh phục thế giới thì thế giới sẽ đến đây chinh phục Việt Nam, và cũng sẽ không còn DN Việt Nam nữa.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ Bộ TT&TT đã đề xuất với Chính phủ để trình Quốc hội thông qua một số chính sách đặc biệt, như cho phép chỉ định thầu và trình tự rút gọn các dự án CĐS; chỉ định thầu dự án cáp quang biển;

Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng làm chủ các công nghệ chiến lược, các dự án CĐS lớn; tăng ngân sách chi thường xuyên để thuê dịch vụ CNTT; đầu tư trung tâm điện toán đám mây dùng riêng chính phủ để hỗ trợ các dự án CĐS của bộ ngành và địa phương; xây dựng trung tâm tính toán AI hiệu năng cao phục vụ nghiên cứu công nghệ và phát triển ứng dụng AI;

Hỗ trợ tới 30% tổng giá trị đầu tư nhà máy sản xuất bán dẫn đầu tiên tại Việt Nam; hỗ trợ tới 15% giá trị đầu tư 5G nếu ngay trong năm 2025 này, các nhà mạng phủ sóng sâu rộng toàn quốc; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ số./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Ba vấn đề Đại hội Đảng bộ các cấp cần tập trung
    Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là đợt sinh hoạt chính trị to lớn, sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân mà còn là tiền đề để tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
  • TP. Huế đề xuất thử nghiệm các giải pháp mới của các tập đoàn, công ty công nghệ
    Theo Chủ tịch UNBD TP. Huế Nguyễn Văn Phương, việc được chọn là nơi triển khai các mô hình mới, các giải pháp mới của các tập đoàn, công ty công nghệ giúp nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, chất lượng công tác quản lý điều hành và đóng góp cho thành công của các sản phẩm khi triển khai, nhân rộng.
  • Việt Nam cần trở thành quốc gia về AI
    Đất nước có khát vọng, nhân dân mong muốn và chờ đợi, thì Nhà nước phải kiến tạo, doanh nghiệp phải đóng góp, đất nước phải phát triển.
  • Pin dưới dạng dịch vụ - Mô hình kinh doanh tiềm năng
    Xe năng lượng mới (NEV) và đặc biệt là xe điện chạy bằng pin EV được coi là chìa khóa để làm cho giao thông bền vững hơn và thân thiện với khí hậu hơn, và phù hợp với việc thúc đẩy năng lượng tái tạo, để đạt được các mục tiêu về khí hậu của Thỏa thuận chung Paris.
  • Hàng Châu: Trung tâm công nghệ mới của Trung Quốc với 6 công ty khởi nghiệp gây sốt
    6 công ty khởi nghiệp đang mang lại danh tiếng quốc tế cho thành phố Hàng Châu của Alibaba và định hình lại bản đồ đổi mới của Trung Quốc.
  • Cảnh báo hàng loạt chiêu trò lừa đảo dịp du xuân đầu năm
    Đầu năm là khoảng thời gian cao điểm khi nhu cầu đi du xuân của người dân tăng cao. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội để các đối tượng lừa đảo du lịch, bán vé máy bay, vé tàu và phòng khách sạn giả mạo tiếp diễn những chiêu trò của chúng.
  • Tặng trang sức yêu để nàng thêm yêu
    Valentine - ngày của những rung cảm ngọt ngào, của những nhịp đập rộn ràng và những yêu thương trọn vẹn. Món quà trang sức từ DOJI và Thế Giới Kim Cương dịp 14/2 như một lời nhắn nhủ dịu dàng: “Nàng xứng đáng được yêu thương và trân quý mỗi ngày”.
  • Xây dựng thương hiệu cá nhân online: website hay mạng xã hội, lựa chọn nào tối ưu?
    Xây dựng thương hiệu online là chìa khóa vàng giúp các bạn sinh viên tạo dấu ấn và nâng cao cơ hội nghề nghiệp. Giữa mạng xã hội và website/blog cá nhân, lựa chọn nào là tối ưu. Đặc biệt, với ưu đãi miễn phí tên miền quốc gia “id.vn” dành cho sinh viên, việc sở hữu một không gian trực tuyến chuyên nghiệp chưa bao giờ dễ dàng hơn.
  • Các công ty Trung Quốc ồ ạt sử dụng AI của DeepSeek, Pháp thu hút 112,5 tỷ USD vào AI
    Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Great Wall Motor và các nhà mạng lớn của Trung Quốc đang tích hợp mô hình AI do DeepSeek phát hành vào các dịch vụ. Nhiều công ty Trung Quốc khác đang tìm cách tận dụng sự đột phá và chú ý của công ty khởi nghiệp này.
  • BVĐK Tâm Anh vận siêu máy chụp CT thế hệ mới nhất với số lát cắt cực đại
    Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam sở hữu và đưa vào sử dụng siêu máy CT Somatom Force VB30. Siêu máy với số lát cắt cực đại, tốc độ chụp nhanh nhất, tích hợp AI tạo nên cuộc cách mạng mới trong chẩn đoán, phát hiện rất sớm và hỗ trợ tốt điều trị nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: DN lớn phải nhận những nhiệm vụ quốc gia, làm chủ công nghệ chiến lược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO