Khởi nghiệp

Gỡ vướng cho hoạt động KHCN, ĐMST trong trường đại học

Thu Trang 16/05/2024 21:53

Với chủ đề "Xây dựng chiến lược nền tảng phát triển Đại học định hướng đổi mới sáng tạo", Diễn đàn Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia 2024 đã được tổ chức ngày 16/5/2024, tại Hà Nội.

Diễn đàn có sự tham dự của hơn 500 đại biểu tham dự đến từ các Bộ, ngành, trường Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) trên toàn quốc.

Diễn đàn nhấn mạnh vào việc phát triển các trụ cột chính là chính sách - đào tạo - nghiên cứu, chuyển giao tri thức, giúp tập trung và sâu rộng hóa các vấn đề quan trọng và tăng cường nghiên cứu, chuyển giao tri thức và công nghệ từ trường ĐH ra cộng đồng, doanh nghiệp (DN).

ĐMST và KHCN là động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển của quốc gia

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông cho biết: “ĐMST và khoa học công nghệ (KHCN) là động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia cần chủ động và nhanh chóng nắm bắt, tận dụng những thành quả và cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

dmst-3.jpg
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông: Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, ĐMST.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã xác định ĐMST, KHCN là một động lực cho phát triển với mục tiêu: "Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, ĐMST; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế".

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, các cơ quan liên quan cần phải hợp tác chặt chẽ với các cơ sở giáo dục đào tạo, để các trường không chỉ là nơi cung cấp kiến thức mà còn là môi trường lý tưởng để khuyến khích và hỗ trợ cán bộ, những nhà trí thức, nhà khoa học, sinh viên trong ứng dụng và phát triển các ý tưởng, sản phẩm, mô hình ĐMST vào thực tiễn.

Các trường ĐH đóng vai trò chủ chốt, tiên phong đi đầu trong hệ thống ĐMST quốc gia

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu cho biết: “Tại Việt Nam, trong những năm qua, bức tranh KHCN và ĐMST trong các cơ sở giáo dục ĐH đã có bước chuyển biến ban đầu tích cực, số công bố quốc tế trong các cơ sở giáo dục ĐH đã tăng hơn gấp đôi sau 5 năm, góp phần đưa xếp hạng khu vực, quốc tế của các trường tăng lên đáng kể”.

dmst-1.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: Bức tranh KHCN và ĐMST trong các cơ sở giáo dục ĐH đã có bước chuyển biến ban đầu tích cực.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh, so với yêu cầu, quy mô dân số, tốc độ phát triển kinh tế, thì sự phát triển giáo dục ĐH nói chung và KHCN, ĐMST trong trường ĐH nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này có nguyên nhân từ cơ chế chính sách và nguyên nhân từ ý thức về vai trò KHCN, ĐMST trong phát triển nhà trường của chính các trường.

Mặc dù nhiệm vụ của các trường là đào tạo và nghiên cứu khoa học nhưng các trường vẫn chú trọng chủ yếu là vào đào tạo, còn nghiên cứu khoa học và ĐMST dù đã có cải thiện lớn trong thời gian qua, nhưng so với đào tạo thì vẫn yếu, các vấn đề về ĐMST, chuyển giao tri thức, sở hữu trí tuệ, hỗ trợ khởi nghiệp, spin-off/start-up chưa được quan tâm đúng mức.

Trong những năm gần đây, cùng với sự tiến bộ về nền tảng KHCN và ĐMST của Việt Nam cũng như sức ép về sự thay đổi nhanh chóng của thế giới trong cuộc CMCN 4.0 đã có sự chuyển biến trong tư duy và hành động từ những người hoạch định chính sách cho tới đội ngũ quản lý giáo dục, các giảng viên, nhà khoa học cũng như toàn thể xã hội.

Bên cạnh việc triển khai đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục ĐH. Nghị định này đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc và giải quyết các vấn đề về tổ chức, quản lý hoạt động KHCN và ĐMST, nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh, phát triển tiềm lực KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH.

Đặc biệt, Nghị định quy định, cơ sở giáo dục ĐH được thành lập DN theo pháp luật về DN, phù hợp với định hướng phát triển của cơ sở giáo dục ĐH. Đây là tiền đề để thúc đẩy việc gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với khởi nghiệp, sở hữu trí tuệ, chuyển giao, thương mại hoá trong trường ĐH.

Nhân dịp này, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, ĐHQG Hà Nội đã phát động các chương trình khởi nghiệp và ĐMST: Cuộc thi Khởi nghiệp Sáng tạo Công nghệ RnD to Startup 2024; Chương trình Ươm tạo và thương mại hóa sản phẩm công nghệ VNU X-Sience; Chương trình Hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhà khoa học VNU-IP.

dmst-2.jpg
Ban điều hành Mạng lưới ĐMST và Khởi nghiệp ĐH-CĐ Việt Nam (VNEI) ra mắt

Cũng trong phiên toàn thể tại diễn đàn sáng 16/5, Ban điều hành Mạng lưới ĐMST và Khởi nghiệp ĐH - CĐ Việt Nam (VNEI) đã chính thức ra mắt và trao quyết định kết nạp các thành viên mới của VNEI./.

Bài liên quan
  • PTIT ra mắt cổng tri thức và trao giải P-INNOVATION 2024
    Với những ý tưởng, giải pháp đột phá sáng tạo và có ý nghĩa đối với cộng đồng, Hội đồng ban giám khảo đã lựa chọn ra những đội thi xuất sắc nhất để trao giải tại Vòng Chung kết (VCK) diễn ra ngày 15/5 tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT).
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng cho hoạt động KHCN, ĐMST trong trường đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO