Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hoá đã báo cáo với Lãnh đạo Bộ TT&TT tổng quan tình hình hoạt động của Cục trong thời gian qua. Theo đó, thời gian qua Cục đã xây dựng và hoàn thành 3 Nghị định của Chính phủ, 15 Thông tư, Thông tư Liên tịch, 5 Quyết định và 2 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực ứng dụng CNTT.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Phúc, hàng năm Cục Tin học hóa đều tiến hành đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ ngành, địa phương; thực hiện đánh giá mô hình hệ thống thông tin chính quyền điện tử; thẩm định dự thảo Kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước hàng năm và giai đoạn của các Bộ ngành, địa phương.
Liên quan đến hoạt động triển khai Quyết định 1605/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2011-2015, Cục trưởng Cục Tin học hóa đánh giá: việc ứng dụng CNTT phát triển Chính phủ điện tử đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của CQNN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội. Điểm sáng trong ứng dụng CNTT là ngành thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội. Theo đó, hiện nay có tới 98% doanh nghiệp cả nước sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, 90% doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Kết quả là thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm từ 537 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm. Thủ tục hành chính thuế được minh bạch hoá.
Đối với triển khai hải quan điên tử, với 100% cơ quan hải quan các tỉnh, thành thực hiện thủ tục hải quan điện tử và 99,65% doanh nghiệp tham gia, thời gian tiếp nhận và thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu giảm mạnh, từ vài giờ, vài ngày đối với luồng xanh xuống còn 3-5 giây. Hải quan điện tử đã giúp việc vận chuyển hàng hoá của doanh nghiệp được nhanh chóng, hiệu quả và cắt giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
Đánh giá hoạt động của Cục Tin học hóa, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, nhận định: Cục Tin học hóa là một trong những đơn vị đi đầu của Bộ trong việc thực hiện vai trò quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT. Lĩnh vực CNTT là lĩnh vực khó, liên quan nhiều đến xã hội. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý Cục Tin học hóa cần chủ động, mạnh dạn đánh giá hiệu quả các dự án CNTT, từ đó chỉ ra ưu, nhược điểm của từng dự án. Thứ trưởng chỉ rõ cần đánh giá các dự án CNTT và chính quyền điện tử của Quảng Ninh, Đà Nẵng, từ đó đề xuất mô hình chính quyền điện tử chuẩn để các tỉnh thành khác học hỏi.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá cao hoạt động của Cục Tin học hóa có vai trò là đơn vị chủ trì tham mưu cho Bộ trưởng trong việc hoạch định chính sách, thực thi chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Cục đã chủ động phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng kịp thời nhiều văn bản quan trọng, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động đầu tư, vận hành, khai thác sử dụng các dự án CNTT trên toàn quốc.
Cục Tin học hóa đã tổ chức tốt việc triển khai chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước; thẩm định, góp ý kịp thời các kế hoạch ứng dụng CNTT của các địa phương, góp phần quan trọng trong việc phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin quốc gia, thúc đẩy chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước.
Đồng thời, Cục đã kịp thời hỗ trợ hướng dẫn các cơ quan Trung ương cũng như địa phương triển khai các giải pháp, phần mềm, cơ sở dữ liệu, trang thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến, các giải pháp phát triển chính phủ điện tử. Từ đó, góp phần cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao việc Cục Tin học hóa kiểm tra, đôn đốc, đánh giá hoạt động ứng dụng CNTT, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được thực hiện bài bản, thường xuyên, góp phần bảo đảm hiệu quả đầu tư dự án CNTT tại các Bộ ngành, địa phương.
Chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm đối với Cục Tin học hóa, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu Cục Tin học hóa cần chủ động rà soát đánh giá hiệu quả, tính khả thi của các văn bản pháp luật hiện hành, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, quyết liệt triển khai nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động ứng dụng CNTT tại các Bộ ngành, địa phương.
Bộ trưởng đề nghị Cục Tin học hóa tập trung nguồn lực tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước gắn liền với đổi mới phương thức điều hành, cải cách hành chính, tạo sự kết nối, liên thông, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của quốc gia và của Bộ ngành, địa phương thông qua các quy chuẩn kỹ thuật và khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; chú trọng phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền để nâng cao nhận thức và làm cho hoạt động ứng dụng CNTT trở thành nhu cầu thực sự cần thiết của mỗi cơ quan, đơn vị.
Bộ trưởng cũng lưu ý một vấn đề không kém phần quan trọng là cần sớm đề xuất các tiêu chí, công cụ đánh giá tính hiệu quả của các dự án ứng dụng CNTT, đặc biệt là việc quản lý, vận hành dự án sau đầu tư nhằm đảm bảo sử dụng nguồn lực nhà nước một cách hợp lý, khai thác triệt để những tính năng ưu việt mà dự án mang lại; tránh việc đầu tư dàn trải, manh mún, chạy theo thành tích, không cân đối giữa nhu cầu và thực tế triển khai.
Phối hợp chặt chẽ và tích cực trao đổi, làm việc với các cơ quan, đơn vị trong Bộ và các Bộ, ngành, địa phương để tạo sự đồng thuận, thống nhất chung trong nhận thức và tăng cường chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình triển khai do mỗi cơ quan, đơn vị thường có các đặc thù riêng trong hoạt động ứng dụng CNTT, nâng cao hơn nữa vai trò của các Sở TT&TT là đầu mối chủ trì, tham mưu cho chính quyền địa phương vận hành hệ thống cung cấp thông tin, dịch vụ công của tỉnh, thành phố.
Cục Tin học hóa cần chủ động đề xuất, phối hợp Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị có liên quan trong Bộ để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của quốc tế và tranh thủ sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các nội dung mới như thành phố thông minh (smart city) và Internet của vạn vật (Internet of Thing), qua đó đẩy mạnh hơn nữa vị thế của Cục Tin học hóa nói riêng và góp phần nâng cao vai trò của Bộ nói cung trong lĩnh vực ứng dụng CNTT.
Tích cực thực hiện vai trò đơn vị Thường trực và chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ của Hội đồng giám đốc CNTT trong hoạt động của CQNN, Ban điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN.
Đồng thời, thường xuyên rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp bố trí phù hợp, linh hoạt đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giữa khối tham mưu và các đơn vị sự nghiệp trong Cục Tin học hóa nhằm phát huy những điểm mạnh và lựa chọn những cán bộ ưu tú cho các hoạt động hoạch định chính sách. "Cục Tin học hóa cần đặc biệt quan tâm đến việc phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tập thể, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật và ứng dụng CNTT trong công tác điều hành, quản lý; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và bản lĩnh chính trị cho cán bộ công nhân viên, quan tâm hơn nữa các hoạt động Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, chú trọng công tác thi đua, nhân rộng điển hình tiên tiến, chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để xây dựng được một đội ngũ cán bộ có năng lực, sáng tạo, chuyên nghiệp, đoàn kết, thống nhất, đơn vị trong sạch, vững mạnh", Bộ trưởng nhấn mạnh./.